Học sinh lớp 1, 2 ưu tiên học trên truyền hình, không kiểm tra định kỳ

Học sinh lớp 1, 2 chưa đến trường do dịch COVID-19 sẽ ưu tiên học qua truyền hình và không kiểm tra, đánh giá định kỳ thời gian này. Bộ Giáo dục và đào tạo đã có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành.

Theo đó, các địa phương cần ưu tiên bố trí để học sinh lớp 1, 2 học trên truyền hình và chủ động có phương án tiếp sóng, phát lại các bài giảng bảo đảm một môn học, lớp học phải có ít nhất 2 khung giờ phát bài giảng truyền hình trong một ngày, đồng thời kết hợp chuyển tài liệu học tập đến tận tay học sinh tại những địa phương mà học sinh không đủ điều kiện, khả năng tiếp cận học tập trực tuyến.

Các nhà trường không tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ học sinh lớp 1, 2 trong thời gian học qua truyền hình mà chờ đến khi nào học sinh trở lại trường.

Đối với học sinh lớp 3 đến lớp 12, tổ chức dạy học trực tuyến là chủ đạo, dạy học trên truyền hình là bổ trợ, ưu tiên cho lớp cuối cấp.

Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) yêu cầu các sở GD-ĐT hướng dẫn để tổ chức tiết học trực tuyến không kéo dài như dạy học trực tiếp trên lớp, đảm bảo sức khỏe, tâm sinh lý của học sinh khi phải tiếp xúc với máy tính, điện thoại, tivi.

Hiện Bộ GD-ĐT đang xây dựng cẩm nang và sẽ tập huấn cho giáo viên các cấp về dạy học trực tuyến, chuẩn bị ban hành hướng dẫn chuẩn tối thiểu cho một bài giảng trên truyền hình, chuẩn tối thiểu về kỹ năng, phương pháp dạy học trên truyền hình, xây dựng các video bài giảng cho học sinh lớp 1, 2 và 6.

Còn các lớp khác, Bộ GD-ĐT có phương án tổng hợp nguồn bài giảng hiện có của các địa phương, phân công các địa phương và xã hội hóa việc sản xuất bài giảng trên truyền hình để dùng chung.

Công điện của Bộ GD-ĐT cũng nêu các địa phương cần tận dụng tối đa khi kiểm soát được dịch COVID-19 để dạy trực tiếp, chú trọng các nội dung thực hành, thí nghiệm, kết hợp củng cố kiến thức lý thuyết đã dạy trực tuyến, dạy qua truyền hình.

Trong đó, tùy theo thực tế mỗi địa phương có thể tổ chức học nhiều hơn 6 buổi/tuần. Những địa phương đang dạy học trực tiếp vẫn cần chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, hạ tầng viễn thông để sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến khi cần thiết.

Trong tháng 9-2021, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành hướng dẫn thực hiện điều chỉnh chương trình giáo dục, xác định nội dung cốt lõi của chương trình để các nhà trường, giáo viên có cơ sở khi thiết kế kế hoạch giáo dục, thiết kế kế hoạch dạy học cho các hình thức dạy học khác nhau.

Trước đó, để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng trong chương trình “Sóng và máy tính cho em”, Bộ GD-ĐT cũng phát động cuộc quyên góp, hỗ trợ máy tính cho học sinh khó khăn, trong đó ưu tiên học sinh khó khăn ở các địa phương đang bị ảnh hưởng nặng do dịch COVID-19, các địa phương thuộc vùng sâu, vùng cao, biên giới, hải đảo.

Hà Tĩnh tổ chức dạy học trực tiếp tại trường từ ngày 15-9

Sáng 13-9, ông Lê Ngọc Châu – phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh – đã ký văn bản về việc tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới.

Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng ý cho tổ chức dạy học theo hình thức trực tiếp tại tất cả các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 15-9, trừ các địa phương, khu vực cách ly y tế, khu vực phong tỏa.

Theo kế hoạch, sẽ có 2 phương án tổ chức dạy học, trong đó phương án 1: tổ chức dạy học trực tiếp 2 ca sáng và chiều, đối với cấp tiểu học tuần học 5 buổi, các cấp khác 6 buổi/tuần; mỗi buổi không quá 4 tiết.

Phương án 2: tổ chức dạy học trực tiếp 2 ca sáng và chiều, mỗi tuần học trực tiếp 3 buổi, mỗi buổi không quá 4 tiết. Các buổi còn lại dạy học trực tuyến, cấp tiểu học học 2 buổi, các cấp khác học 3 buổi/tuần. Riêng đối với học sinh mầm non chưa thực hiện dạy học cho đến khi có thông báo mới.

Theo Tuoitre