Khó khăn mùa Covid-19, sếp kiêm luôn… nhân viên phục vụ

“Thành lập công ty đúng thời buổi dịch Covid-19, khó khăn nhân lên gấp đôi thậm chí gấp 3 so với bình thường”, anh Chu Đức Trung, một người khởi nghiệp trong lĩnh vực giải trí ở Hà Nội, cho hay.

Chuyển nghề vì Covid-19

Cách đây chừng một năm, anh Ngô An Khang, 28 tuổi trú tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) quyết định góp vốn cùng một người bạn, mở cửa hàng bún cá hải sản ở gần nhà.

Khởi nghiệp đúng mùa dịch, tới nay, anh Ngô An Khang đã tạm đóng quán 3 lần để ủng hộ với chủ trương của UBND Thành phố Hà Nội trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

“Trước khi mở cửa hàng, tôi từng kinh doanh homestay. Bất ngờ dịch ập đến, lượng khách du lịch giảm sút, tôi chuyển hướng sang mở quán ăn nhưng cũng không khá khẩm hơn là mấy”, anh chia sẻ.

Anh Khang phải chịu nhiều áp lực từ chi phí thuê mặt bằng, tiền lương trả cho nhân viên, tiền mua nguyên liệu đến các khoản phí phòng, chống dịch Covid-19.

Để tiết kiệm chi phí thuê nhân viên, anh Ngô An Khang vừa kiêm làm đầu bếp và phục vụ tại quán. (Ảnh: NVCC).

“Dịch bệnh nguy hiểm nên lượng khách đến quán ít nhằm tránh nguy cơ lây Covid-19. Đơn hàng từ các ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến cũng không nhiều”, anh Khang nói.

Cùng khởi nghiệp trong giai đoạn khó khăn, anh Chu Đức Trung, 23 tuổi trú tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), giám đốc công ty kinh doanh dịch vụ giải trí trên đường Nguyễn Văn Huyên, vẫn không khỏi lao đao mỗi đợt dịch bùng phát.

Anh Chu Đức Trung cho biết: “Kể từ khi thành lập giữa năm 2020 cho đến nay, công ty đã phải đối mặt với 3 đợt dịch Covid-19. Dù luôn chuẩn bị tinh thần “làm bạn” lâu dài với dịch, tôi vẫn ít nhiều có sự mệt mỏi sau gần một năm khởi nghiệp”.

Diễn biến phức tạp của dịch khiến mô hình kinh doanh của vị giám đốc trẻ chịu ảnh hưởng không nhỏ, các số liệu thống kê tài chính của công ty luôn ở mức âm.

Kể từ khi thành lập, công ty của anh Chu Đức Trung đã phải đối mặt với 3 đợt bùng phát dịch Covid-19 (Ảnh: NVCC).

Câu chuyện tương tự với chị Nguyễn Vân Trang, 27 tuổi trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội). Chị khai trương quán cà phê trên phố Xã Đàn (Hà Nội) trong tháng 4 – thời điểm đợt dịch thứ 4 bùng phát. Quán mới mở chưa đầy một tuần đã phải đóng cửa.

“Tôi dùng hết số tiền đã dành dụm và vay mượn thêm bạn bè, người thân để kinh doanh. Phải tạm dừng hoạt động, tôi cảm thấy lo lắng vì không có thu nhập nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng”, chị Nguyễn Vân Trang cho hay.

Biến nguy cơ thành cơ hội

Khởi nghiệp đúng thời điểm khó khăn nhưng anh Ngô An Khang vẫn lạc quan và hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát, cửa hàng có thể mở lại.

Anh chia sẻ: “Nhiều lúc tôi muốn sang nhượng cửa hàng, nhưng nhìn lại những nỗ lực, công sức bỏ ra, tôi tự nhủ phải cố gắng vượt qua khó khăn trong những ngày dịch bùng phát”.

Theo anh Chu Đức Trung, thành lập công ty đúng thời buổi dịch bệnh nên khó khăn là gấp đôi, gấp ba so với bình thường.

Nhằm đối phó với tình hình dịch Covid-19, chị Trang bày tỏ: “Mọi chi tiêu hàng ngày, tôi phải cắt giảm hết mức để tích cóp thêm một khoản nhỏ, hy vọng có thể lấy đó làm vốn tiếp tục duy trì công việc kinh doanh”.

Những hoạt động khởi nghiệp bị ảnh hưởng không nhỏ bởi Covid-19.

Trao đổi với PV về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ nên tìm hiểu kỹ những mô hình kinh doanh thích ứng với tình hình dịch bệnh, qua đó tiếp tục phát triển về lâu dài.

“Các bạn trẻ cần tham gia các buổi trao đổi, đào tạo nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và áp dụng công nghệ thông tin, tận dụng mạng xã hội để làm truyền thông, kết nối với khách hàng”, bà Nguyễn Lan Hương cho biết.

Sau nhiều lần dịch Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp còn non trẻ là nhóm chịu ảnh hưởng tương đối lớn. Nhiều công ty phải dừng hoạt động vì mất thị trường hoặc tiềm lực kém.

Chia sẻ một góc nhìn khác về khó khăn trong dịch bệnh, PGS.TS. Trương Thị Nam Thắng (Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội (CSIE), ĐH Kinh tế Quốc Dân) nhận định bối cảnh dịch bệnh là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho những người biết nắm bắt.

“Các bạn trẻ cần đảm bảo nguồn kinh phí để duy trì mô hình khởi nghiệp. Nếu thị trường tiềm năng đang hẹp lại, công ty nên đa dạng hóa kinh doanh, chuyển đổi số. Ngoài ra có thể thu nhỏ quy mô công ty bằng việc cắt giảm nhân sự để tiết kiệm chi phí”, PGS.TS. Trương Thị Nam Thắng cho hay.

Theo bà, thời điểm hiện tại cũng là thời cơ cho các bạn khởi nghiệp trong ngành công nghệ thông tin, sàn thương mại điện tử, dịch vụ giao hàng… Đó là những ngành nghề thiết yếu, không thể thiếu trong xã hội, ngay cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Theo Dantri