Không nên tăng thuế VAT

Người dân làm thủ tục thuế tại Cục thuế TP.HCM ĐÀO NGỌC THẠCH

Dù Bộ Tài chính đã giãn lộ trình tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) dài hơn, nhưng theo các chuyên gia, chưa nên tính việc tăng thuế vào thời điểm này.

Trong bản dự thảo mới nhất, Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng thuế VAT “nhẹ nhàng” hơn lần trước. Theo đó, thuế VAT hiện nay là 10% sẽ được tăng lên theo lộ trình 11% từ ngày 1.1.2019, và lên 12% từ ngày 1.1.2020. Phương án trước đó là từ 10% lên 12% – 14%.

Thuế tăng có thể tăng lạm phát

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng nên giữ nguyên mức 10% như hiện nay cho đến 2020. Bởi tốc độ lạm phát những năm gần đây dưới 4%, năm 2018 cũng vậy. Nếu tăng thuế suất VAT từ 10% lên 11%, tức mức tăng lên 10% là không hợp lý trong bối cảnh Chính phủ kiểm soát lạm phát ở mức thấp, việc tăng thuế có thể đẩy lạm phát tăng. Người tiêu dùng là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự tăng thuế VAT, họ phải trả tiền hàng hóa, dịch vụ cao hơn hiện nay.

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn cũng cho rằng, nếu đưa cơ sở cho việc tăng VAT là để phù hợp thông lệ quốc tế khi các nước đều tăng thuế VAT thì cũng nên xem xét lại. Bởi thuế suất VAT 10% của VN hiện nay đang cao hơn Singapore, Thái Lan, Malaysia trong khi thu nhập bình quân đầu người của những nước này lại vượt VN. Vì vậy, ban soạn thảo nên cân nhắc đến yếu tố này. Thay vì tăng thuế, cần đẩy mạnh khai thác một số nguồn thu mới như thương mại điện tử, thanh tra kiểm tra để tăng thu từ việc chuyển giá…

Cản trở dòng vốn vào Doanh nghiệp

So với dự thảo tháng 8.2017, bản dự thảo lần này Bộ Tài chính điều chỉnh tăng thuế suất thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng vốn đối với người nước ngoài là 2%, không phân biệt việc chuyển nhượng thực hiện tại VN hay nước ngoài. Với chuyển nhượng chứng khoán niêm yết trên sàn, thuế suất là 0,1%/lần chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng vốn hiện nay được áp dụng thuế suất 20% trên lợi nhuận, đối với người nước ngoài là 0,1% trên số tiền nhận được.

Theo Bộ Tài chính, giá cả, chi phí liên quan chuyển nhượng vốn của cá nhân rất khó kiểm soát. Đa số khai chênh lệch bằng 0% dẫn đến nhà nước thất thu thuế, không công bằng với chuyển nhượng vốn dưới dạng chứng khoán.

Vì vậy trong đề xuất trước, Bộ Tài chính đưa ra thuế suất 1% trên giá chuyển nhượng đối với cá nhân trong và ngoài nước. Nhưng trong bản dự thảo gần nhất, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế suất lên 2% chuyển nhượng vốn đối với người nước ngoài. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN, cho rằng chênh lệch thuế suất 2% đối với chứng khoán chưa niêm yết và 0,1% với chứng khoán niêm yết là quá cao. Cách tính thuế đối với chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán là thuế khoán nên ngay cả khi nhà đầu tư (NĐT) thua lỗ cũng phải đóng thuế.

Vì vậy, nên để mức thuế suất 1% chuyển nhượng vốn là phù hợp vì các doanh nghiệp (DN) Việt đang cần vốn, đặc biệt là các DN khởi nghiệp. Thuế suất chuyển nhượng vốn cao sẽ hạn chế dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào các DN này. Hơn nữa, rót vốn vào các DN chưa niêm yết, NĐT đã phải chấp nhận rủi ro cao hơn đối với những cổ phiếu đã niêm yết bởi số liệu thông tin chưa rõ ràng, minh bạch. Chính vì vậy, Bộ Tài chính cần cân nhắc xem xét áp dụng mức thuế suất 1% đối với chuyển nhượng vốn đối với NĐT nước ngoài khi tham gia mua cổ phiếu chưa niêm yết.

Đáng chú ý, dự thảo lần này, Bộ Tài chính không đề cập đến việc tính thuế VAT đối với chuyển quyền sử dụng đất như tờ trình trước. Đánh giá cao điều này, ông Lê Hoàng Châu nhận xét: “Việc bỏ tính thuế VAT chuyển quyền sử dụng đất là hợp lý vì nếu không sẽ thuế chồng thuế. Đó là trùng với tiền sử dụng đất, một khoản thu khá lớn mà DN, cá nhân hiện nay thực hiện khi chuyển nhượng và sẽ làm tăng giá nhà đất”.

Người nghèo dễ bị tổn thương
Người nghèo dễ bị tổn thương vì giá cả hàng hóa tăng khi tăng thuế VAT. DN cũng chịu tác động khi giá cả nguyên liệu tăng khiến giá thành sản phẩm tăng, việc tiêu thụ hàng hóa có thể sẽ gặp khó. Việc “mặc cả” giảm thuế từ mức 12 – 14% xuống còn 11 – 12% theo lộ trình thể hiện thiện chí lắng nghe của ban soạn thảo. Thế nhưng cũng không nên tăng thuế VAT để tăng nguồn thu trong vài năm tới.
Luật sư Nguyễn Duy Hùng, Giám đốc Công ty luật IPIC

 

Theo Thanh Xuân

Thanh Niên