“Khu vực tài chính, ngân hàng đang có những biểu hiện cần đặc biệt quan tâm”

Đại diện lãnh đạo Chính phủ trao đổi một số nội dung quan trọng của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2018...

Phó thủ tướng lưu ý: "Chúng ta đang ở trên một đống nợ rất lớn mà nếu điều hành không khéo thì sẽ dẫn tới nhiều hệ quả khó lường".

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ với các địa phương chiều 2/7, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, khu vực tài chính, ngân hàng đang có những biểu hiện cần đặc biệt quan tâm.

Theo Phó thủ tướng, “Chúng ta đang ở trên một đống nợ rất lớn mà nếu điều hành không khéo thì sẽ dẫn tới nhiều hệ quả khó lường”.

“Kiểm soát chặt bất động sản, chứng khoán”

Trong phần phát biểu của mình, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu các bộ ngành liên quan đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát một cách chặt chẽ các dự án đội vốn; kiểm soát chặt chẽ các thị trường bất động sản, chứng khoán, bảo đảm không xảy ra khủng hoảng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.

Về công tác giải quyết khiếu kiện, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình giao Thanh tra Chính phủ, các bộ ngành liên quan và các địa phương tập trung giải quyết những vụ việc bức xúc kéo dài, không để xảy ra những điểm nóng như vụ một trưởng thôn tự thiêu tại trụ sở cơ quan tiếp dân của nhà nước vừa qua.

Phó Thủ tướng lưu ý: “Cần tăng cường hoạt động tiếp công dân, lắng nghe đối thoại và giải quyết tốt các vụ việc. Có những vụ việc, lỗi là do phía chính quyền mà qua thanh tra một số dự án lớn thì thấy có yếu tố tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng lớn đền quyền lợi của người dân trong khi doanh nghiệp được hưởng lợi lớn làm dấy lên bức xúc.

Những việc này cần giải quyết từng trường hợp cụ thể, không chủ quan là việc đã giải quyết rồi, không xem xét nữa vì thực tế có những vụ việc kéo dài hàng chục năm, qua nhiều cấp cuối cùng vẫn phát hiện lỗi sai là từ phía chính quyền”.

“Nghị định về ôtô đã được giải quyết phù hợp”

Trao đổi thêm về một số diễn biến của nền kinh tế, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ ngành cần phải theo dõi chặt diễn biến thị trường, tình hình sản xuất của từng sản phẩm chủ yếu để có các giải pháp điều hành sản xuất một cách chủ động, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng.

Theo Phó thủ tướng, 6 tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên còn nhiều khó khăn, thách thức phải tập trung khắc phục có hiệu quả. Trong 6 tháng cuối năm, trước hết phải tiếp tục tập trung tái cơ cấu nền kinh tế.

“Các bộ, các ngành, các địa phương tập trung tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực, sản phẩm bảo đảm, phù hợp với thực tế phát triển của địa phương, của vùng, nhưng đồng thời phù hợp với thị trường trong nước và thế giới”, Phó thủ tướng nói.

Về phát triển sản xuất, Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, các địa phương tiếp tục tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến phát triển của các ngành, lĩnh vực, sản phẩm.

“Hiện Việt Nam có 28 sản phẩm đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Phải theo dõi chặt chẽ những sản phẩm này để chủ động tháo gỡ khó khăn cho quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân”, Phó thủ tướng yêu cầu.

Phó thủ tướng cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tính toán cụ thể sự đóng góp vào GDP của các sản phẩm chủ yếu.

Ông yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương sớm đưa các dự án mới hoàn thành vào hoạt động chính thức.

Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải cũng được yêu cầu duy trì nhóm công tác kiểm tra, tháo gỡ khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong cả nước.

“Vừa rồi chúng ta làm rất tốt, ban đầu có nhiều ý kiến không đồng tình với Nghị định 116, nhưng đến nay đã được giải quyết phù hợp, vừa tạo điều kiện phát triển sản xuất trong nước, vừa không ảnh hưởng đến nhập khẩu ôtô vào Việt Nam theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia”, Phó thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển chủ động đánh giá toàn diện tác động của các chính sách bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu lớn đến sản xuất của Việt Nam để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là ôtô, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam-ASEAN.

Trả lại không gian biển cho người dân

Về đầu tư xây dựng, Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng, thanh – quyết toán… để có thể giải ngân vốn đầu tư xây dựng theo kế hoạch đã đề ra; đề nghị các địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung, cập nhật các quy hoạch, trong đó có quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng, quy hoạch sản xuất, quy hoạch điện… làm cơ sở huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.

“Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung giải quyết tốt những bức xúc của người dân. Bộ Xây Dựng phối hợp với các địa phương ven biển rà soát lại các dự án đô thị, khu du lịch ven biển để điều chỉnh, tạo không gian công cộng ở các bãi biển, đáp ứng nhu cầu của người dân, phù hợp với tình hình thực tế”, Phó thủ tướng yêu cầu và đề nghị “Vấn đề này cần đưa vào Nghị quyết của Chính phủ để thống nhất hành động”.

Ngoài ra, Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục xử lý những bất cập trong các dự án BOT. Bộ Xây dựng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ sớm xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn sử dụng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án điều chỉnh vốn đầu tư trung hạn đối với nguồn vốn vay của Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc, ách tắc của các dự  án sử dụng vốn vay như tuyến đường sắt đô thị tại Tp.HCM…

Các Bộ Công Thương, Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ các dự án trong điểm về hạ tầng giao thông, năng lượng, sớm báo cáo Chính phủ dự án tiền khả thi đường sắt tốc độ cao một số tuyến ưu tiên.

Các bộ, ngành rà soát những khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Sơn Hà/VNeconomy