Kinh doanh tan nát vì Covid-19, hàng loạt chủ xưởng Trung Quốc xuống đường bán dạo

Với hàng chục ngàn bộ quần áo nằm xếp xó tại xưởng do không bán được, Huang Weijie biết ông phải nghĩ ra cách khác nếu muốn sống sót qua khỏi thời điểm suy thoái kinh tế toàn cầu. Thế là ông nhét hàng của xưởng vào thùng xe, rồi đem ra đường bán dạo dần dần.

Tờ South China Morning Post cho biết người đàn ông 44 tuổi này là chủ một xưởng may tại tỉnh Quảng Đông, nơi được xem như là trung tâm sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc.

Chỉ mới cuối năm ngoái, dân bán hàng rong ngoài đường chủ yếu là người có thu nhập thấp và dân thất nghiệp, nhưng sau khi đại dịch Covid-19 “thổi bay” các đơn đặt hàng trong lẫn ngoài nước, những nhà sản xuất quy mô nhỏ như Huang phải ra đường bán dạo để sinh tồn.

“Tôi có nghĩ đến chuyện đóng cửa nhà máy luôn, nhưng việc Thủ tướng Lý Khắc Cường lên tiếng ủng hộ kinh tế bán hàng trên đường phố đã giúp tôi có động lực thử cách mới này”, chủ xưởng may Huang tâm sự.

South China Morning Post cho biết chính phủ Trung Quốc từ rất lâu đã luôn xem hoạt động buôn bán hàng rong trên đường phố là cái gai trong mắt, là mầm móng gây nên tình trạng mất trật tự an ninh. Nhưng điều này đã thay đổi trong thời dịch bệnh. Vào tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã lên tiếng khen ngợi chính quyền thành phố Thành Đô, thuộc tỉnh Tứ Xuyên, vì đã “tạo ra 100.000 việc làm khi cho phép 36.000 sạp hàng được bày bán trên phố”.

Thế là Huang gia nhập “đội quân” các sạp hàng bán dạo được dựng lên trên các tuyến đường dọc sông Châu Giang. Khác với dân thất nghiệp đi bán dạo chỉ có thể dựng lên sạp bán tạm bợ sơ sài, Huang bày ra đủ loại quần áo với nhiều màu sắc khác nhau từ phần thân sau chiếc Toyota trắng.

“Tôi có hàng chục ngàn bộ đồ, toàn bộ đã nằm trong kho ở xưởng từ cuối năm ngoái”, Huang cho hay.

Ban đầu, Huang định chỉ bán cho các chợ sỉ lẻ tại Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông, nhưng sau phát biểu của Thủ tướng Lý, ông này bắt đầu thử đem hàng ra các khu bán hàng dạo để tìm cách thanh lý toàn bộ số hàng tồn, và cũng để tìm một nguồn thu nhập vừa đủ trang trải cho khả năng mở cửa xưởng trở lại vào cuối năm nay, thay vì phải đóng cửa vĩnh viễn.

Ông Huang chỉ là một trong rất nhiều trường hợp chủ các phân xưởng nhỏ thuộc đủ lĩnh vực, từ giày dép, quần áo, đến đồ dùng các loại, bất kể là dành cho xuất khẩu hay cho tiêu dùng trong nước, rơi vào tình cảnh không còn đủ vốn để duy trì sản xuất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

“Mọi người mong mỏi xuất khẩu sẽ hồi phục, nhưng giờ tất cả chúng ta đều thấy là đó chỉ là mơ thôi khi mà số ca nhiễm Covid-19 cứ tăng đều trên toàn thế giới. Trong khi đó, tôi chẳng thể có đủ tiền để duy trì xưởng”, Huang than thở.

Ông Liang Lu, người điều hành một hiệp hội sản xuất tại Đông Hoản, thành phố khác tại Quảng Đông, cho biết báo đài liên tục đưa tin về các nhà máy bị buộc phải đóng cửa và bán tháo hàng tồn.

“Tuần rồi một xưởng làm vớ chân nhờ chúng tôi giúp quảng cáo bán dùm 4 triệu đôi vớ, tuần này một xưởng giày nhờ giúp thanh lý chục ngàn đôi trong kho trị giá lên đến 2,29 triệu USD. Rất nhiều hàng làm để xuất khẩu giờ nằm kẹt trong kho”, ông Liang cho hay.

Huang thì cho biết thêm rằng đem hàng ra đường thì phải đối mặt với một cuộc chiến cạnh tranh khốc liệt về giá. “Ai cũng đua nhau giảm giá. Khi một công ty bắt đầu giảm giá một bộ váy mùa hè xuống 40 nhân dân tệ (5.72 USD)/bộ, thì sẽ có người khác giảm còn 35 tệ, rồi tiếp đó sẽ có người sẵn sàng bán với giá còn 20 tệ”, ông này nói, đồng thời cho biết thêm là mặc dù giá giảm nhưng hàng vẫn ra rất chậm.

Minh Đức


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *