Lập “siêu” Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong năm 2018

Chính phủ quyết định sẽ thành lập Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ngay trong năm 2018.

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý được đưa ra tại dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách năm 2018.

Hôm nay (28/12), Chính phủ họp trực tuyến với các địa phương để triển khai nhiệm vụ kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách năm 2018.

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã giới thiệu dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách năm 2018.

Theo Nghị quyết, Chính phủ xác định phương châm hành động năm 2018 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và các trọng tâm chỉ đạo, điều hành là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Dự thảo Nghị quyết đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đồng thời, Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện 242 nhiệm vụ cụ thể tại phụ lục kèm theo dự thảo Nghị quyết.

Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, trong năm 2018, phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%
Quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả tài sản công, nợ công, tăng cường quản lý các quỹ ngoài ngân sách, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vay, sử dụng vốn vay và trả nợ. Phấn đấu cuối năm 2018, dư nợ công khoảng 63,9% GDP, nợ Chính phủ khoảng 52,5% GDP, nợ ngoài quốc gia khoảng 47,6% GDP.

Thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh mở rộng thị trường. Bảo đảm cân đối xuất nhập khẩu, phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu từ 8% đến 10% năm 2017, kiểm soát nhập siêu dưới 3% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cơ cấu đầu tư công gắn với cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước và đảm bảo bền vững an toàn nợ công. Tăng cường hiệu quả đầu tư công, bảo đảm cân đối về đầu tư phát triển, phấn đấu đạt tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toán xã hội 34% GDP.

Chính phủ cũng yêu cầu việc thành lập Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tổ chức phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Đẩy mạnh cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không cần nắm giữ theo nguyên tác thị trường, công khai, minh bạch và đúng pháp luật, đảm bảo lợi ích cao nhất của nhà nước, tạo chuyển biến căn bản trong việc xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, dự thảo Nghị quyết nêu….

Nghị quyết yêu cầu chấn chỉnh những bất cập trong hình thức đầu tư đối tác công tư, khẩn trương rà soát tổng thể hình thức BOT, các trạm BOT giao thông đường bộ nhằm đảm bảo minh bạch công khai, đảm bảo hài hoà lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng nêu cụ thể về các chỉ tiêu cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, biên chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gồm: Đơn giản hóa, cắt giảm 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành; Cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh; Năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh đạt mức ASEAN-4; Giảm 2,5% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2017; Giảm 1,7% biên chế công chức và giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015…

Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ, đề nghị các Bộ trưởng, Tư lệnh ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiêp chịu trách nhiệm chỉ đạo quán triệt, nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ, địa bàn được giao. Khẩn trương xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của từng Bộ ngành, địa phương.

Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn; thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện.

Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành; tham mưu, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể về những vấn đề mới phát sinh, kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thống nhất giải quyết…

Theo N.Mạnh
Bizlive