Lo thêm nợ xấu khi vay tiêu dùng lách luật đổ vào nhà đất

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng siết cho vay bất động sản, tiêu dùng, giao thông để hạn chế nợ xấu cho nền kinh tế.

Dự báo tín dụng tiêu dùng sẽ tăng trưởng cao và nhận định đây vẫn là một trong những mảng hoạt động “tiềm năng và chiến lược” của các ngân hàng.

Méo mó số liệu

Tuy nhiên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cũng cảnh báo có tình trạng các ngân hàng “lách” cho vay bất động sản khi đưa các khoản cho vay sửa chữa nhà và mua nhà vào cho vay tiêu dùng.

Theo các chuyên gia, nếu nhìn vào con số thì có thể thấy tín dụng đầu tư và kinh doanh bất động sản những năm gần đây đã tăng chậm lại nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy.

Nếu cộng đầy đủ các khoản cho vay để mua, sửa chữa nhà ở vào thì tỉ lệ cho vay bất động sản sẽ không thấp như con số thống kê.

Trước tình trạng trên, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng hạn chế tập trung vốn cho vay vào bất động sản, xây dựng, cân đối vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản.

Với vay tiêu dùng, các ngân hàng phải giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn, tránh cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.

Vì sao lách luật?

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện nay các khoản vay với mục đích như mua nhà, xây sửa nhà mà người vay trả nợ bằng lương không được xếp vào vay bất động sản mà xếp vào cho vay tiêu dùng.

Việc này không phải mới, đặc biệt từ năm 2010, khi Ngân hàng Nhà nước xếp cho vay bất động sản có hệ số rủi ro cao hơn. Khi đó, các ngân hàng căn cứ vào Luật kinh doanh bất động sản cho rằng cho vay bất động sản là để trao đổi, mua bán, tạo ra lợi nhuận.

Còn khoản vay mua, xây, sửa nhà mà người vay trả nợ bằng lương được xếp vào cho vay tiêu dùng – phục vụ nhu cầu đời sống. Trường hợp đã có một hoặc hai căn nhà, ngân hàng sẽ xem xét đến nguồn trả nợ, nếu nguồn trả nợ từ lương vẫn có thể tính là vay tiêu dùng.

Theo chuyên gia Bùi Quang Tín, xếp các khoản vay mua, xây, sửa nhà vào cho vay tiêu dùng, ngân hàng tránh được việc phải trích lập dự phòng rủi ro quá cao.

Còn theo chuyên gia Cấn Văn Lực, việc nâng hệ số rủi ro với cho vay bất động sản lên cao, 200% từ 1-7-2017, gấp đôi với các khoản cho vay thương mại thông thường là nhằm giảm vốn tín dụng bất động sản vì khi đó, muốn cho vay ngân hàng phải bố trí vốn tự có gấp hai lần so với cho vay thương mại, làm tăng chi phí vốn.

Trong khi hiện nay việc tăng vốn tự có của các ngân hàng không hề dễ dàng. Do vậy ngân hàng sẽ không dám đẩy mạnh việc cho vay bất động sản.

Thay vào đó, với những khoản cho vay mua nhà ở trả nợ bằng lương, ngân hàng sẽ đưa vào cho vay tiêu dùng.

Vay mua nhà là tín dụng bất động sản hay tiêu dùng?

Theo ông Bùi Quang Tín, bản chất những khoản vay này vẫn là cho vay bất động sản. “Trong Luật kinh doanh bất động sản, khái niệm về bất động sản bao gồm cả quyền sử dụng đất, công trình trên đất là nhà cửa và thiết bị…

Do vậy, việc xếp tín dụng cho vay mua nhà vào tín dụng tiêu dùng có thể khiến tốc độ tăng trưởng và tỉ lệ tín dụng bất động sản không được phản ánh đúng thực tế, gây khó khăn trong việc quản lý”, ông Tín nói.

Để chấm dứt tình trạng lách luật và đảm bảo quản lý được dòng tiền vào bất động sản, cần có phân loại lại, song song đó là thanh tra giám sát số liệu chặt chẽ để đưa tín dụng tiêu dùng về đúng bản chất.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Cấn Văn Lực, quy định về cho vay tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 15-3-2017 quy định cho vay sửa chữa nhà được xếp vào cho vay tiêu dùng và điều này là phù hợp nhưng các khoản vay mua nhà, đầu cơ nhà mang tính chất đầu tư hơn và nên được tính cho vay bất động sản.

Ngân hàng Nhà nước có thể yêu cầu các ngân hàng bóc tách ra để phản ánh đúng bản chất hơn việc cho vay đầu tư nhà ở.

Theo Ánh Hồng

Tuổi Trẻ