‘Loạn’ danh xưng chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang

Thời gian qua, thị trường bất động sản có sự xuất hiện ngày càng nhiều tình trạng “loạn” danh xưng “chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang, siêu sang”. Trên thực tế, không ít khác hàng đã nhận “trái đắng” khi mua phải những dự án tự phong này.

Quảng cáo một đằng, bán nhà một nẻo

Thực tế, trên thị trường bất động sản hiện nay đã xuất hiện tình trạng loạn danh xưng “chung cư cao cấp, căn hộ hạng sang, căn hộ siêu sang”. Đáng nói,  các chuẩn mực cao cấp, hạng sang và siêu sang do chủ đầu tư tự phong, các tên gọi mỹ miều bằng tiếng nước ngoài như căn hộ thuộc phân khúc luxury (hạng sang), high-end, premier (cao cấp), royal (hoàng gia)… đang được một số chủ đầu tư sử dụng tràn lan, coi đây là một thủ thuật “câu khách”, quảng bá sản phẩm.

Nhiều trường hợp chung cư được “gắn mác” cao cấp nhưng lại khiến người mua nhà phải ngao ngán. Đơn cử như: Chung cư Starcity 81 Lê Văn Lương (Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty CP Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội làm chủ đầu tư; Chung cư cao cấp Capital Gadern 102 Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nội); Chung cư Golden West số 2 Lê Văn Thiêm (Thanh Xuân, Hà Nội) do Công ty CP phát triển thương mại Việt Nam (Vietradico) làm chủ đầu tư; Chung cư 5 sao Hà Nội Aqua Central do Công ty CP Tháp nước Hà Nội đầu tư; Chung cư cao cấp Napoleon Castle 1 (đường Nguyễn Đình Chiểu, P.Vĩnh Phước, TP Nha Trang) do Công ty TNHH Cat Tiger Khareal làm chủ đầu tư…


Nhiều dự án xưng danh chung cư cao cấp nhưng khi bàn giao cho khách hàng lại không đúng như quảng cáo.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Thịnh, Nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, thực tế, tại nhiều dự án chung cư được quảng cáo cao cấp ngay trước ngày bàn giao căn hộ đã xảy ra những tranh chấp khi khách hàng “tố” việc bán hàng không như quảng cáo. Có dự án gặp cảnh hàng trăm khách hàng tập trung trong nhiều ngày căng băng rôn để phản đối việc chủ đầu tư quảng cáo một đằng, bán nhà một nẻo.

“Qua khảo sát, có khoảng 10 hạng mục, sản phẩm cư dân cho rằng không đúng với cam kết, giới thiệu ban đầu của chủ đầu tư, từ bồn vệ sinh, dây cáp điện, ống nước, gạch đến khung cửa sổ, sàn gỗ… đều được thay thế bằng những sản phẩm kém chất lượng so với nhà mẫu”, ông Thịnh cho biết.

Vị này khuyến cáo những người có nhu cầu về bất động sản đừng dựa vào các thông tin do các loại “cò” có tổ chức gọi là công ty bất động sản cung cấp mà hãy dựa vào nhu cầu của chính mình để tự tìm hiểu, thí dụ mua để ở hay để đầu tư.

Người có nhu cầu hãy dựa vào các tiêu chí như uy tín chủ đầu tư, tiến độ xây dựng, vận hành quản lý, hệ thống PCCC, thang máy, môi trường, sàn gỗ, gạch ốp, tường, trần, cửa, bếp, thiết bị điện, logia… để đưa ra nhận định về dự án.

Thiếu quy chuẩn xác định, phân hạng căn hộ 

Bàn về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng, năm 2008 và 2016, Bộ Xây dựng đã ban hành 2 Thông tư về phân hạng nhà chung cư nhưng một số nội dung trong 2 Thông tư này còn bất cập, không sát thực tế.

Ông Châu giải thích hiện chưa có chủ đầu tư dự án hoặc Ban quản trị nhà chung cư nào lập hồ sơ đề xuất phân hạng nhà chung cư theo quy định của Thông tư. Ngoài ra, nội dung phân hạng của Thông tư hiện nay chỉ phân hạng chung cư sau khi đã xây dựng xong hoặc đã bán căn hộ cho khách hàng nhưng chưa có quy chuẩn xác định, phân hạng căn hộ hình thành trong tương lai.

Nhiều cư dân mua chung cư tự xưng cao cấp nhưng vẫn phải căng băng rôn đòi quyền lợi.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng đánh giá hiện nay Việt Nam chưa có tiêu chí nhà hạng sang, nhà cao cấp. Các dự án cao cấp, hạng sang đa số đều do chủ đầu tư tự phong.

“Có thể thấy sự vô tổ chức, lộn xộn trong việc phân loại nhà chung cư hiện nay trên thị trường. Dù Bộ Xây dựng đã có Thông tư nói về phân hạng các phân khúc nhưng lại không mang tính ép buộc, nó chỉ là cơ sở để các nhà phát triển dự án đi đăng ký kinh doanh”, ông Đính nói.

Đưa ra hướng giải quyết vấn đề này, Nguyên Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình xây dựng 1 Lê Văn Thịnh cho rằng, những quy định mới hiện chưa mang lại lợi ích thiết thực cho người mua nhà, không giúp được người mua nhà xác định được đẳng cấp của dự án, tránh tình trạng “tự phong” của nhiều chủ đầu tư. Việc phân hạng có chăng chỉ có lợi cho giao dịch thứ cấp, hoàn toàn không có ý nghĩa trong việc giúp người mua nhà phân loại sản phẩm.

“Cần phân hạng theo hai bước. Trong đó, ở bước 1, cơ quan chuyên môn của Nhà nước kiểm tra cho phép chủ đầu tư đưa công trình vào sử dụng và dựa vào nhóm tiêu chí về quy hoạch – kiến trúc; nhóm tiêu chí về hệ thống, thiết bị kỹ thuật để đánh giá, công nhận hạng. Bước 2, sau khi đưa vào sử dụng thì ban quản lý đề nghị Sở Xây dựng địa phương công nhận. Sở sẽ xem xét, công nhận hạng trên cơ sở nhóm tiêu chí về dịch vụ, hạ tầng xã hội; nhóm tiêu chí về chất lượng, quản lý, vận hành”, ông Thịnh nói.

Cũng theo ông Thịnh, phải có chế tài trong việc phân hạng chung cư. Theo đó, buộc chủ đầu tư phải thực hiện đăng ký để xét, công nhận hạng.

Đối với các chung cư có hạng công nhận không đúng như hạng đăng ký, công bố, phải xử lý nghiêm. Đơn cử như trả lại tiền theo đúng hạng đăng ký, công bố; khắc phục các thiếu sót của 4 nhóm tiêu chí cho đến khi được công nhận đúng hạng đăng ký, công bố; chí phí dịch vụ phải phù hợp với hạng được công nhận.

Tiêu chuẩn của chung cư cao cấp được quy định tại Phụ lục số 01 của Thông tư 31/2016/TT-BXD do Bộ Xây dựng ban hành, tiêu chuẩn căn hộ hạng A. Theo đó, căn hộ hạng A phải có hệ thống giao thông thuận tiện, cách đường phố chính dưới 0,5km; tiếp cận các phương tiện giao thông công cộng (ga, bến xe, trạm dừng xe bus…) dưới 0,5km; Mật độ xây dựng không quá 45%; Sảnh được bố trí độc lập với lối vào khu vực để xe, khu vực dịch vụ, thương mại và khu vực công cộng khác; có quầy lễ tân, phòng hoặc khu vực bố trí bàn ghế tiếp khách; Hành lang rộng tối thiểu 1,8m; Bình quân diện tích căn hộ trên số phòng ngủ tối thiểu là 35 m2…

 

Theo Danviet