Thực tế, giá khởi điểm được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thất bại của nhiều giao dịch thoái vốn trên thị trường chứng khoán.
Trả lời câu hỏi về giá khởi điểm Sabeco, đại diện Bộ Công thương cho biết, Bộ chọn lựa giá khởi điểm cao nhất trong 3 mức giá sau: Giá không thấp hơn giá trung bình 30 phiên giao dịch trước ngày công bố thông tin (ngày 29/11/2017) là 281.500 đồng/cổ phiếu, không thấp hơn giá tư vấn định giá 184.700 đồng/cổ phiếu và không thấp hơn giá đóng cửa ngày trước ngày công bố thông tin (ngày 28/11/2017) là 320.000 đồng/cổ phiếu.
Theo đại diện Bộ Công thương, đây là mức giá mà thị trường chấp nhận và Bộ cũng tuân thủ theo quy định pháp luật khi lựa chọn giá khởi điểm.
Luật sư Trương Nhật Quang, luật sư điều hành YKVN, người có nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn các giao dịch thoái vốn cho bên bán cho rằng, không có logic nào về mặt tài chính (chỉ số định giá cơ bản P/E, P/B…) và yêu cầu về mặt pháp lý, nhưng đa phần, cơ quan Nhà nước sẽ lấy mức giá cao nhất để làm giá khởi điểm.
Điều này là dễ hiểu bởi khi thoái vốn, Nhà nước luôn yêu cầu công khai, minh bạch và bán được giá cao nhất. Dưới góc độ người quản lý, đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ chịu rủi ro về trách nhiệm hình sự, dân sự nếu bán vốn “rẻ” hơn so với giá thị trường.
Tuy nhiên, việc kỳ vọng cao về mức giá bán của cơ quan Nhà nước thường là yếu tố rủi ro lớn nhất khiến giao dịch không thành công. Bởi trên thực tế, giá khởi điểm có thể bị biến dạng dưới nhiều tác động khác nhau trên thị trường, khiến giá trị mang ra đấu giá không phù hợp với giá trị thực tế của doanh nghiệp. Điều này tạo sức ép lớn lên bản thân doanh nghiệp và nhà tư vấn.
Chưa kể, nhiều ý kiến cho rằng, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam chưa phản ánh chính xác giá trị doanh nghiệp, nhất là với các doanh nghiệp nhà nước đang cổ phần hóa. Nguyên nhân chính là phần vốn bán trên thị trường rất thấp, từ 5 – 10% vốn, mà mức này không thể đại diện cho toàn bộ giá trị của doanh nghiệp.
Cũng vì mục đích tối ưu việc thoái vốn Nhà nước, phương thức thường được lựa chọn là đấu giá và chào bán cạnh tranh, tạo cơ hội cho tất cả các nhà đầu tư. Nhưng ngược lại, phương thức này rất khó bán lô lớn cho nhà đầu tư, từ đó không thuận tiện trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược thực sự.
Luật sư Trần Tuấn Phong, Luật sư điều hành văn phòng VILAF, người có nhiều kinh nghiệm tư vấn cho bên mua cũng thừa nhận, giá luôn là vấn đề đau đầu nhất trong các thương vụ thoái vốn. Chưa kể, tại Việt Nam, Nhà nước không chấp nhận bán thỏa thuận, trong khi nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia các thương vụ thoái vốn rất muốn được thỏa thuận để có thể giúp họ thuận lợi hơn trong việc can thiệp một cách có hiệu quả vào hoạt động doanh nghiệp. Do đó, rất ít khi tìm kiếm được nhà đầu tư chiến lược trước khi IPO.
Đáng chú ý, dù là đấu giá hay chào bán cạnh tranh, yêu cầu minh bạch và đầy đủ thông tin luôn ở mức cao. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp cung cấp bản cáo bạch hết sức sơ sài, không có thông tin mà nhà đầu tư mong muốn, chất lượng thông tin ở mức rất thấp so với tiêu chuẩn trên thị trường quốc tế.
Nhất là theo quy định tại các doanh nghiệp đại chúng, nguyên tắc cơ bản là không tiết lộ thông tin nội bộ, do vậy đa phần doanh nghiệp thoái vốn lấy thông tin đã công bố sẵn trên website, tổng hợp và viết lại.
Ông Quang cho rằng, đây là điều hạn chế trong Luật Doanh nghiệp liên quan đến việc cung cấp thông tin của doanh nghiệp đại chúng. Các nhà tư vấn và doanh nghiệp không muốn cung cấp thông tin vượt quá nội dung đã công khai vì không muốn chịu trách nhiệm về dân sự, hình sự.
Theo Nhã An
Đầu tư Chứng khoán