Lý giải nguyên nhân dẫn đến vụ s.á.t h.ạ.i vợ và bố mẹ vợ tại Thái Bình

Sau khi níu kéo tình cảm không thành, Đào Văn Thịnh đã nhẫn tâm dùng dao sát hại bố mẹ vợ và vợ.

Do có mâu thuẫn từ trước, khoảng 8h ngày 28/6, Đào Văn Thịnh (SN 1979, trú tại thôn Bái Trang, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) đến nhà bố mẹ vợ là ông Đ.Đ.C (SN 1940) và bà V.T.M (SN 1943) gây sự. Tại đây, hai bên lời qua, tiếng lại, Thịnh đã dùng dao chém vào người ông C, bà M và vợ là chị Đ.T.S (SN 1978) khiến các nạn nhân tử vong.

Bước đầu Thịnh khai nhận, do mâu thuẫn chuyện tình cảm nên chị S gửi đơn ra tòa án để ly hôn.

Tuy nhiên, Thịnh muốn hàn gắn quan hệ vợ chồng nên đã tìm đến nhà bố mẹ vợ để nói chuyện.

Do không thuyết phục được vợ từ bỏ ý định ly hôn, Thịnh ra tay tàn độc cướp đi 3 mạng người. Được biết, Thịnh là đối tượng nghiện ma túy nhiều năm qua và nằm trong danh sách quản lý của địa phương.

Theo luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội), đây là một vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng mà nguyên nhân chỉ từ những mâu thuẫn vợ chồng không được giải quyết kịp thời.

Theo thông tin ban đầu, đối tượng đã nhẫn tâm ra tay sát hại bố mẹ vợ và vợ khi mâu thuẫn vợ chồng lên đến đỉnh điểm mà không có cách giải quyết phù hợp.

Đây là hành vi giết người, có tính chất côn đồ, giết nhiều người nên đối tượng gây án sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội “Giết người” theo Điều 123 (BLHS 2015) với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Được biết, đối tượng gây án là một thành phần bất hảo, nghiện ma túy và thường xuyên bạo hành đối với vợ con.

Do không sống nổi với người chồng nghiện ngập, người vợ đã bỏ về nhà bố mẹ đẻ sinh sống.

Trước đó, Thịnh đã từng dọa tẩm xăng đốt vợ, đó là hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho nạn nhân. Với tính chất nghiêm trọng như vậy, đáng lẽ ra cơ quan chức năng cần phải vào cuộc sớm, có những giải pháp phòng ngừa, hỗ trợ để ngăn chặn hậu quả xấu có thể xảy ra.

Tuy nhiên, công tác phòng ngừa đã không được thực hiện tốt đến hậu quả đối tượng đã gây án, gây ra vụ thảm sát kinh hoàng đối với gia đình nạn nhân.

Bởi vậy, ngoài việc xem xét xử lý hình sự đối với đối tượng này thì cơ quan chức năng cần phải xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc hòa giải mâu thuẫn và thực hiện các giải pháp phòng ngừa đối với tội phạm xâm phạm trật tự xã hội.

Đối với những vụ việc mâu thuẫn hôn nhân gia đình mà có sự quan tâm kịp thời của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể ở địa phương, thực hiện tốt luật hòa giải cơ sở, hướng dẫn các đương sự thực hiện các thủ tục pháp lý và thực hiện các biện pháp ngăn chặn thì có thể tránh được những vụ án đau lòng như thế này.

“Vụ án mạng xảy ra khiến 3 người trong một gia đình thiệt mạng là một vụ việc rất đau lòng, gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Đối tượng gây án có thể phải đền tội bằng mạng sống của mình. Tuy nhiên dù có tử hình đối tượng này thì cũng không thể bù đắp được những tổn thất, mất mát của gia đình nạn nhân khi đối tượng sát hại liền lúc cả 3 mạng người trong một gia đình.

Có thể nói rằng đây không phải là vụ thảm sát đầu tiên mà nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn vợ chồng.

Khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm, nạn nhân phải gánh chịu không chỉ là những người trong cuộc mà là kéo theo cả những người thân trong gia đình“, luật sư Cường tâm sự.

Hiện trường vụ án mạng khiến 3 nạn nhân tử vong (ảnh TL)

Nói về nguyên nhân dẫn đến những vụ thảm sát như thế này, luật sư Cường cho rằng, đó là những mâu thuẫn vợ chồng tích tụ nhiều ngày, nhiều năm không được giải quyết, không có lối thoát dẫn đến cảm xúc bị dồn nén.

Cùng với đó là những suy nghĩ tiêu cực tích tụ lâu ngày dẫn đến bột phát và thực hiện hành vi mất kiểm soát về lí trí, sát hại người khác một cách điên cuồng.

Thông thường, đối tượng gây án trong những vụ án này thường là những đối tượng côn đồ, coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác, bất chấp pháp luật hoặc là những đối tượng sống nội tâm, nhiều suy nghĩ nhưng không có kỹ năng sống tốt, không có lối thoát để kiểm chế cảm xúc. Khi gặp những tình huống có vấn đề thì không đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, không quản lý được cảm xúc dẫn đến việc thực hiện hành vi phạm tội.

Nạn nhân trong những vụ án này thường cam chịu, nhu nhược hoặc không biết cách giải tỏa, giải quyết mâu thuẫn.

Thêm vào đó, đôi khi nạn nhân lại có những hành vi kích động, thách thức đối tượng. Khi cảm xúc dồn nén, nhận thức hạn chế, ý thức coi thường tính mạng sức khỏe của người khác nên đối tượng sẵn sàng ra tay thực hiện hành vi phạm tội theo cảm xúc mà mất kiểm soát về lí trí.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của gia đình, đoàn thể, chính quyền địa phương chưa cao, chưa có những giải pháp phòng ngừa tích cực, hiệu quả.

Khi mâu thuẫn trong gia đình diễn ra, những người có tiếng nói, có trách nhiệm trong gia đình chưa có giải pháp tích cực để hóa giải mâu thuẫn.

Để rồi, khi mâu thuẫn vượt ra khỏi khuôn khổ đạo đức xã hội, khi tiếng nói của những người trong gia đình không còn trọng lượng thì hai bên không tìm được lối thoát bằng cách yêu cầu cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương can thiệp, hòa giải; hoặc có những trường hợp đương sự đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức tổ chức hòa giải, can thiệp nhưng các cơ quan tổ chức thiếu trách nhiệm, không sát sao, không hướng dẫn thủ tục đến cơ quan chức năng và cũng không tổ chức hoà giải hiệu quả.

Luật sư Cường cho rằng, cần phải nâng cao trách nhiệm của các tổ chức xã hội và chính quyền cơ sở trong việc hòa giải giải quyết các tranh chấp.

Luật sư Cường nhấn mạnh:

Để giảm bớt được những vụ án đau lòng như thế này thì phải thực hiện kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp từ nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, nâng cao văn hóa tôn trọng tính mạng sức khỏe của người khác đồng thời tăng cường trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc hòa giải cũng như giải quyết tranh chấp dân sự, hôn nhân gia đình.

Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Khi văn hóa, đạo đức được nâng cao, đề cao, ý thức tôn trọng danh dự nhân phẩm, tôn trọng tính mạng sức khỏe của người khác được nâng cao, ý thức chấp hành pháp luật tốt hơn thì sẽ hạn chế được những vụ việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người khác.

Khi ý thức chấp hành pháp luật trở thành một nét văn hóa, khi con người biết tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng pháp luật thì những mâu thuẫn tranh chấp sẽ ít xảy ra hơn và nếu có xảy ra thì cũng có những cách giải quyết phù hợp với quy định pháp luật.

Cần phải nâng cao trách nhiệm của các tổ chức xã hội và chính quyền cơ sở trong việc hòa giải, giải quyết các tranh chấp, mẫu thuẫn trong gia đình ở địa phương.

Ở nơi nào xảy ra những vụ việc nghiêm trọng mà thiếu trách nhiệm của các cơ quan tổ chức trong việc hòa giải, giải quyết tranh chấp thì cần phải xem xét trách nhiệm của người đứng đầu”.

Bình Minh

Theo Gia đình