Mất hút đầu cơ tỷ giá trong năm 2017

Sau đợt biến động mạnh cuối 2016, suốt cả năm 2017 tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do gần như lặng sóng.

Ngày càng nhiều người dân có USD đã đến bán lại cho ngân hàng để có giá tốt hơn, thay vì trôi nổi trên thị trường tự do…

Năm 2017 kết thúc với giá USD xuyên thủng cả chốt chặn 22.710 VND của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường liên ngân hàng. Diễn biến hiếm thấy cũng thể hiện kéo dài trên thị trường tự do.

Thị trường lặng sóng

Tháng 2/2017, truyền thông đồng loạt đưa tin: giá USD trên thị trường tự do thấp hơn cả giá niêm yết của các ngân hàng thương mại.

Diễn biến đó là hiện tượng, vì nhiều năm qua tỷ giá USD/VND vẫn quen với hai giá: giá chính thống trên biểu niêm yết các ngân hàng và giá giao dịch trên thị trường tự do thường cao hơn.

Hiện tượng này từng có vài năm trước (như vào tháng 5/2015), nhưng kéo dài ròng rã thành cả quá trình thì 2017 trở nên hiếm thấy.

Theo dữ liệu tập hợp từng ngày của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế Maritime Bank, suốt trong năm 2017, giá USD trên thị trường tự do đã bám rất sát diễn biến của tỷ giá trung tâm Ngân hàng Nhà nước công bố; ngoại trừ từ trung tuần tháng 11 đến đầu tháng 12, nó phổ biến thấp hơn giá niêm yết của các ngân hàng thương mại.

Và sau đợt biến động mạnh cuối 2016, suốt cả năm 2017 tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do gần như lặng sóng.

Nhiều năm trước, giá USD trên thị trường tự do gần như “mặc định” luôn cao hơn giá ngân hàng niêm yết. Cao điểm, mức chênh lệch từng lên tới khoảng 10% như cuối năm 2010, để rồi thị trường ngay sau đó chứng kiến sự leo thang và bùng nổ của tỷ giá USD/VND đầu 2011.

Cũng nhiều năm trước, chênh lệch quá lớn trên được xem là một trong những tham chiếu cho tình trạng hai tỷ giá ngay trong lòng hệ thống ngân hàng (người dân và doanh nghiệp muốn mua ngoại tệ có những lúc phải chịu thêm các loại phí để bù giá, hoặc các hình thức lách trần tỷ giá gây biến dạng giao dịch và sổ sách…).

Nay, suốt 2017, tỷ giá trên thị trường tự do lặng sóng, hoạt động đầu cơ theo đó mất hút vì thiếu vắng những đợt biến động lớn để cho lợi nhuận hấp dẫn như trước.

Và lựa chọn cụ thể nhất, ngày càng nhiều người dân có USD đã đến bán lại cho ngân hàng để có giá tốt hơn, thay vì trôi nổi trên thị trường tự do với chênh lệch cao hơn trước đây.

Dấu mốc ngày 12/10

Thực ra không hẳn hoạt động đầu cơ ngoại tệ đã mất hút hoàn trong năm 2017.

Đầu cơ không hẳn luôn xấu, vì cũng là một hoạt động, quyết định, lựa chọn trong kinh doanh, theo khuôn khổ pháp luật cho phép. Nó được hiểu như việc gom rồi găm giữ, tạo khan cung giả tạo và đẩy giá lên để thu lãi chênh lệch sau đó.

Tháng 6/2017, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu mua vào ngoại tệ mạnh. Đi cùng, nhà điều hành trở lại phát hành tín phiếu hút bớt tiền về (do đưa ra mua ngoại tệ). Quan sát, lượng hút về không lớn, chỉ 7.000 – 8.000 tỷ đồng/phiên, trong khi lượng ngoại tệ mua vào lớn dần.

Thời điểm đó, chuyên viên kinh doanh ngoại tệ một ngân hàng thương mại nói với VnEconomy rằng, cứ để ý lượng tín phiếu hút tiền về, nếu không nâng lên thì lãi suất liên ngân hàng sẽ giảm và điểm hoán đổi lãi suất “đô – đồng” sẽ bất lợi, tỷ giá USD/VND có thể phản ứng trong tương lai gần.

Quả thực, lãi suất VND bắt đầu rơi sâu trên liên ngân hàng. Lãi suất qua đêm có lúc chỉ còn hơn 0,5%/năm, điểm hoán đổi lãi suất bắt đầu âm và kéo dài.

Trạng thái trên nối tiếp ba tháng sau. Nó âm thầm tích tụ thành một biểu hiện đầu cơ, găm giữ ngoại tệ ngay trong chính hệ thống ngân hàng, khi trạng thái ngoại tệ đến cuối tháng 9 đầu tháng 10 từng dâng cao, tới khoảng 1,5 tỷ USD.

Dĩ nhiên Ngân hàng Nhà nước nhận biết dấu hiệu đó. Bắt nhịp với cung – cầu bắt đầu có chuyện động mạnh và rất thuận lợi từ vốn ngoại, ngày 12/10, lần đầu tiên cơ quan này giảm khá mạnh giá mua vào USD, cùng đó lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện nghiệp vụ mua ngoại tệ kỳ hạn với giá giao ngay.

Với quyết định “điểm huyệt” trên, ngày 12/10/2017 trở thành mốc đánh dấu chuỗi mua ròng ngoại tệ lớn nhất trong lịch sử mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện. Tính chung, kết năm 2017, cơ quan này đã mua được tới 13 tỷ USD, nâng nguồn lực dự trữ ngoại hối quốc gia lên tới 52 tỷ USD.

Làm tốt thì dân chốt

Có những yếu tố khách quan tạo điều kiện ổn định tỷ giá trong năm 2017, cũng như để có được lượng mua ròng ngoại tệ kỷ lục nói trên, như: cán cân tổng thể ước tính có thặng dư lớn, vốn đầu tư nước ngoài vào mạnh, Việt Nam xuất siêu, kiều hối tăng…

Bên cạnh đó, đồng USD mất giá mạnh trên thị trường quốc tế cũng là một tham chiếu. Đến 15/12/2017, chỉ số USD Index đã giảm tới 9,1% so với đầu năm.

Còn về điều hành, trong một lần trao đổi với VnEconomy, Thống đốc Lê Minh Hưng từng nói, nếu tạo và giữ được niềm tin, tâm lý thị trường ổn định, thì người dân và hệ thống sẽ đồng thuận và ủng hộ để thực hiện các mục tiêu thuận lợi hơn.

Đó là khi ông nói về quyết tâm thực hiện chuyển hóa nguồn lực ngoại tệ trong dân cư, kích thích doanh nghiệp và người dân chuyển đổi – chuyển hóa sang VND, thay vì trở lại huy động và vay mượn như trước đây.

Như trên, đầu cơ trên thị trường tự do gần như mất hút trong năm 2017, tâm lý thị trường ổn định, một cấu phần lớn trong 13 tỷ USD Ngân hàng Nhà nước mua được do người dân và doanh nghiệp bán lại.

Tất nhiên, niềm tin và tâm lý ở đây dựa trên nền tảng lợi ích kinh tế.

Đó là năm thứ hai liên tiếp Ngân hàng Nhà nước kiểm soát được lạm phát thấp hơn mục tiêu Quốc hội giao, dưới 4%, đồng tiền Việt Nam không bị bào mòn giá trị như nhiều năm trước, mà lãi suất thực dương là thực tế nổi bật với 6-8%/năm gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng.

So sánh với USD, chênh lệch lãi suất “đô – đồng” trở nên hấp dẫn và vượt trội trong năm 2017, nghiêng về chuyển đổi và nắm giữ VND (chênh lệch lãi suất 6-7%/năm).

Tất nhiên, 2017 không phải là một năm riêng lẻ trong điều hành chính sách. Ổn định tỷ giá năm qua còn có những yếu tố gắn sâu với hoạch định những năm trước.

Trước hết, vẫn là cơ chế tỷ giá trung tâm xây dựng vào cuối 2015 và bắt đầu áp dụng từ đầu 2016 cho đến nay. Diễn biến tỷ giá trung tâm đã chuyển sang trạng thái trườn bò, thay vì kiểu tỷ giá tham chiếu trong điều hành đứng im xơ cứng thời gian dài, rồi nhảy cóc tại một số thời điểm như những năm trước.

Tiếp đến, Thông tư 15 ban hành tháng 10/2015 cũng là một cơ chế quan trọng, áp quy định giao dịch kỳ hạn, đẩy lùi hoạt động mua gom ngoại tệ trước hạn thanh toán.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp dù chưa đến hạn thanh toán vẫn dồn mua ngoại tệ phòng rủi ro tỷ giá, gây dồn cầu và tạo áp lực lên tỷ giá. Thông tư 15 đã giãn những nhu cầu này về tương lai, về đúng thời điểm cần thanh toán, qua bắt buộc thực hiện giao dịch kỳ hạn.

Theo Minh Đức

VnEconomy