Mua bán trực tuyến sẽ ‘lột xác’ với livestream trong năm 2020?

Kinh doanh bằng công nghệ livestream của giới bán lẻ trực tuyến xuất phát từ Trung Quốc và đang lan ra thế giới.

Các công ty bán lẻ từ lâu đã dùng sức mạnh của video để xây dựng tên tuổi cho sản phẩm của mình, nhưng theo giới quan sát, 2019 chính là năm đánh dấu thương mại điện tử kết hợp với livestream lên ngôi.

Thương mại điện tử + livestream

Việc áp dụng livestream vào thương mại điện tử xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2014 khi Mogujie, mạng xã hội chuyên về thời trang của Trung Quốc, bắt đầu thử dùng phương thức này.

Taobao, trang mua sắm trực tuyến Trung Quốc thuộc “gã khổng lồ” về thương mại điện tử Alibaba, nhanh chóng làm theo ngay sau đó.

Cả 2 nền tảng thương mại điện tử kể trên đều cung cấp dịch vụ bán quần áo thuộc loại tầm trung và bình dân cho các phụ nữ trẻ, độ tuổi dao động từ 18 đến 23.

Nhưng do khả năng mua sắm hạn chế của nhóm khách hàng này, doanh thu bình quân từ các giao dịch không cao; do đó, tăng cường số lượng khách hàng là mục tiêu mà các trang mạng mua sắm trực tuyến nhắm tới.

Và với livestream, người bán có thể thử nhiều kiểu quần áo cho khách hàng xem, cũng như có thể tương tác trực tiếp với người xem thông qua video chát. Người xem cũng có thể hỏi người bán về chất liệu vải của bộ quần áo, có thể trải nghiệm được món hàng như thể đang lựa trực tiếp ở cửa hàng, cũng như có thể yêu cầu người bán mặc thử kèm theo một số phụ kiện như bông tai, vòng lắc… xem có hợp hay không.

Với kịch bản như trên, có thể thấy livestream có khả năng đảm nhiệm được 3 vai trò then chốt: 1. Có thể mang lại yếu tố giải trí, 2. Có thể giúp khách hàng biết rõ hơn sản phẩm họ quan tâm, và 3. Có thể giúp bán được hàng.

“Khách hàng có thể trực tiếp nhìn thấy sản phẩm sẽ giúp tăng khả năng sản phẩm đó được đặt mua. Phần lớn khách hàng đều muốn được thỏa mãn nhu cầu mua sắm ngay tức thì. Sự phát triển của điện thoại di động và các ứng dụng thanh toán trực tuyến cũng góp phần giúp mua bán livestream trở nên thông dụng hơn”, theo chia sẻ của ông Nguyễn Tường Châu, giám đốc truyền thông tại Economy Group Media (EGM), tập đoàn có tiếng về tổ chức các sự kiện livestream tại Việt Nam.

Livestream ngày nay

Hồi tháng 6 vừa qua, trên TaoBao, nền tảng mua sắm online của Alibaba, hơn 300 nghệ sĩ nổi tiếng gồm ca sĩ, diễn viên đã tham gia vào diễn đàn livestream mua sắm trực tuyến, đồng thời 600 chủ doanh nghiệp rao bán các sản phẩm của họ. Kết quả là chỉ trong vỏn vẹn 90 phút đầu tiên, Taobao đạt doanh thu bán hàng lên đến 280 triệu USD.

Taobao dự đoán đến năm 2021, livestream sẽ tạo ra hơn 50 triệu giao dịch mua bán.

Các nền tảng thương mại điện tử đình đám tại Trung Quốc như JD.com, Kaola và Xiaohongshu (Tiểu Hồng Thư) đều đang đổ hàng triệu USD vào xây dựng hệ sinh thái livestream cho riêng mình.

“Ngoài các ngành đang ăn nên làm ra từ công nghệ này, như kinh doanh đồ trang sức, thời trang nữ giới và trẻ em, các sản phẩm làm đẹp, thiết bị đồ dùng, nông sản nhiều khả năng cũng sẽ phát triển nhờ livestream”, ông Châu, chuyên gia truyền thông điều hành mảng livestream của EGM, nhận định.

Livestream sẽ biến đổi thương mại điện tử trong tương lai?

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục cầm chân người tiêu dùng ở nhà, livestream đang tạo ra một xu hướng mới cho giới kinh doanh, bao gồm cả các thương hiệu cao cấp.

Trong thời gian cách ly, nhiều doanh nghiệp buộc phải sáng tạo để sáng tạo và livestream được nhiều công ty xem như cứu cánh: các chuỗi nhà hàng, quán ăn mời khách hàng tham gia các sự kiện livestream với giới nghệ sĩ nổi tiếng, hoặc các hãng thời trang livestream các chương trình công bố các bộ trang phục mới.

Công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (VAR) cũng hứa hẹn sẽ đem lại trải nghiệm mua sắm livestream 3D, giúp người xem có thể nhìn ngắm các món hàng ở mọi góc độ và càng làm cho việc mua sắm trực tuyến trở nên thật hơn.

Mặc dù rất phổ biến tại châu Á, với tốc độ tăng trưởng bình quân ở mức 46,4% hàng năm, nhưng livestream lại phát triển khá chậm tại thị trường Âu, Mỹ.

Trong năm 2019, chỉ có 2 “ông lớn” là Amazon, Wayfair và một vài nhãn hàng nhỏ lẻ triển khai dịch vụ livestream. Dẫu vậy, giới chuyên gia cho rằng livestream trong tương lai vẫn sẽ tập trung tại thị trường châu Á.

Minh Đức