Nên cân nhắc về hiệu quả chính sách thuế với nước ngọt

Bộ Tài chính vừa hoàn thành dự thảo lần 2 Luật Sửa đổi các luật thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và xuất khẩu, nhập khẩu.

Bộ Tài chính cũng giữ nguyên quan điểm: Bổ sung thu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng nước ngọt. Tuy nhiên, việc áp thuế TTĐB với nước ngọt giống như rượu, bia, thuốc lá liệu có bảo đảm công bằng, bình đẳng là câu hỏi đang được đặt ra trước khi luật thuế mới dự kiến có hiệu lực từ năm 2019.

Nước ngọt sẽ chịu thuế như rượu, bia, thuốc lá?

Sau khi dự thảo lần một Luật Sửa đổi các luật thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và xuất khẩu, nhập khẩu được Bộ Tài chính gửi đến các bộ, ngành, để lấy ý kiến, trong đó, có đề xuất áp thuế TTĐB với nước ngọt, nhiều ý kiến không đồng tình đã được phản hồi tới Bộ Tài chính. Tuy nhiên, tại dự thảo lần hai vừa hoàn thiện, Bộ Tài chính vẫn kiên định giữ quan điểm “Bổ sung nước ngọt có đường, trừ sữa, vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”. Nếu dự luật thuế này được thông qua, người tiêu dùng sẽ phải trả thuế tương ứng với 22% trị giá của mỗi sản phẩm nước ngọt (bao gồm 12% thuế giá trị gia tăng và 10% thuế TTĐB).

Mức thuế này được đề xuất áp dụng từ năm 2019. Theo quan điểm của Bộ Tài chính thì đây là nguồn lực quan trọng để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế – xã hội đang đặt ra, trong đó có nhiệm vụ về chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Nhiều băn khoăn

Tại tọa đàm “Xu hướng điều chỉnh chính sách thuế hiện nay trên thế giới – Một số hàm ý cho Việt Nam” tổ chức mới đây tại Hà Nội, do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – ASEAN tổ chức, ông Wayne Barford, Cố vấn cao cấp, Trung tâm Đầu tư và thuế quốc tế (ITIC) cho biết: “Nghiên cứu về việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát ở 157 quốc gia cho thấy, đây không phải là xu hướng phổ biến trên thế giới và trong khu vực. Trên thế giới, chỉ có 40 quốc gia áp dụng thuế này và tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chỉ có 4 quốc gia (Thái Lan, Lào, Campuchia, Brunei) chiếm khoảng 2,2% dân số trong khu vực, đang áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt.

Ngay cả những nước phát triển đang đối mặt với tỷ lệ người béo phì tăng nhanh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Úc, New Zealand, Canada,… cũng không áp thuế TTĐB đối với nước ngọt. Do có nhiều nguyên nhân và yếu tố khác nhau liên quan nguy cơ béo phì và bệnh tiểu đường, các quốc gia  này cho rằng áp thuế đối với nước ngọt không phải là giải pháp để giảm hay ngăn chặn các căn bệnh này, trong khi có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực không đáng có đối với ngành công nghiệp nước giải khát và kinh tế địa phương.

Hàn Quốc và Canada lựa chọn sử dụng những biện pháp quy định về nhãn mác của các sản phẩm thức ăn và đồ uống. Các hoạt động đào tạo và những nỗ lực nhằm kêu gọi các nhà sản xuất giảm lượng đường trong sản phẩm, đặc biệt trong các sản phẩm dành cho trẻ em, cũng đang được đẩy mạnh.

Mặc dù đang đối mặt với tỷ lệ thừa cân, béo phì và tiểu đường tăng nhanh, Chính phủ Úc vẫn tiếp tục kiên quyết phản đối áp dụng bất kỳ khoản thuế nào áp cho đồ uống có đường hoặc các thực phẩm không lành mạnh khác. Trợ lý Bộ trưởng Y tế Úc David Gillespie cho biết, áp thuế TTĐB đối với nước ngọt là vấn đề thuộc “phạm trù đạo đức” làm như vậy là “can thiệp sâu vào đời sống người dân”.

Ông cho rằng: “Không cần tốn thời gian tranh luận: điều quan trọng đối với tất cả những người đề xuất áp thuế đối với đường, chất béo, bất cứ loại thuế nào, sẽ chỉ làm cho dân chúng tức giận và sẽ không làm thay đổi thói quen ăn uống của họ. Đây là sự sống còn hằng ngày, là vấn đề lựa chọn cá nhân vượt trên các vấn đề kinh tế.  Mọi người mua những gì họ thích và chúng ta, với tư cách là chính phủ, sẽ không tỏ ra đạo đức và nói với họ rằng, chúng tôi cảm thấy tốt hơn nếu áp thuế vào một số sản phẩm nhất định”.

Những luận điểm chính của người Úc phản đối các kêu gọi áp thuế TTĐB đối với nước ngọt bao gồm: Nhiều nghiên cứu cho thấy, lượng tiêu thụ đường của người Úc đang giảm và nước ngọt chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong chế độ ăn của người Úc. Thuế TTĐB đối với nước ngọt là thuế gián thu và có ảnh hưởng trực tiếp với người có thu nhập thấp, đồng thời sẽ không có tác dụng thay đổi hành vi tiêu dùng. Người Úc cũng tin rằng, giáo dục là một giải pháp hiệu quả hơn nhiều so với áp thuế.

Cũng giống như Úc, những người ủng hộ sức khoẻ cộng đồng lập luận rằng, New Zealand đang phải đối mặt với dịch bệnh béo phì, dẫn đến nhu cầu áp thuế TTĐB đối với nước ngọt nhằm làm giảm lượng tiêu thụ, do đó giảm tỷ lệ béo phì, bệnh tiểu đường cũng như sâu răng. Họ cũng cho rằng, New Zealand là quốc gia có tỷ lệ người béo phì cao thứ ba trên thế giới, sau Mê-xi-cô và Hoa Kỳ và tỷ lệ người New Zealand bị mắc bệnh tiểu đường cũng rất cao. Tuy nhiên, chính phủ New Zealand hiện nay đã bác bỏ sự cần thiết phải áp thuế TTĐB đối với nước ngọt và cho rằng, họ không có kế hoạch bổ sung bất kỳ chính sách thuế TTĐB nào trong tương lai.

Chính sách thuế TTĐB đối với nước ngọt tương tự ở các nước khác cũng đã thất bại. Ví dụ, Đan Mạch và Indonesia là những nước từng áp dụng thuế TTĐB đối với nước ngọt trong một thời gian dài nhưng đều đã phải bãi bỏ loạt thuế này do không có hiệu quả, nhất là khi những nước này muốn dùng chính sách thuế như giải pháp ngăn ngừa bệnh béo phì, tiểu đường. Thái Lan và Brunei đã áp dụng thuế TTĐB với nước ngọt trong nhiều năm, nhưng tỷ lệ người bị béo phì, mắc bệnh tiểu đường ở các quốc gia này vẫn liên tục tăng.

Có thể nói, khá nhiều quốc gia có quan điểm cho rằng, việc áp thuế TTĐB với nước  ngọt không phải là giải pháp tốt nhằm giảm hay ngăn chặn tình trạng thừa cân béo phì. Vì vậy, thay vì áp dụng chính sách thuế này, họ áp dụng các chính sách nhằm giảm lượng đường và chất béo trong thực phẩm và đồ uống chế biến sẵn, ban hành các quy định về dán nhãn ghi rõ thành phần dinh dưỡng như calo, protein, chất béo, đường, cholesterol, và natri, khuyến cáo đối với các sản phẩm có hàm lượng đường và chất béo cao, thực hiện các chiến dịch tuyên truyền về dinh dưỡng, về chế độ ăn uống lành mạnh, về thói quen vận động và rèn luyện thể lực.

Hiện nay, Bộ Tài chính cũng chưa có đánh giá cụ thể hơn về việc liệu áp thuế TTĐB đối với nước ngọt có thể giúp làm giảm hoặc làm chậm tốc độ tăng tỷ lệ béo phì ở Việt Nam hay không và nếu giảm thì mức độ là bao nhiêu. Đây là yếu tố quan trọng để cân nhắc về hiệu quả của chính sách thuế này.

Thực tế, nước giải khát có đường vẫn có thể là một phần của lối sống lành mạnh bao gồm một chế độ ăn uống cân bằng hợp lý và hoạt động thể chất thường xuyên. Điều quan trọng nhất là chế độ ăn uống của một người phải bao gồm chất dinh dưỡng từ nhiều loại thức ăn và đồ uống cũng như sự cân bằng giữa năng lượng tiêu thụ với năng lượng tiêu hao thông qua vận động thường xuyên hoặc rèn luyện thể chất.

 

Theo Ngọc Minh

Tiền Phong