Ngân hàng mở: Xu thế của thời đại 4.0

Ngân hàng mở (Open Banking) là một trong những dấu ấn quan trọng nhất kể từ khi bắt đầu đổi mới công nghệ tài chính. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2018, Open Banking đã khiến cho quá trình số hóa theo hướng thông minh và cởi mở trong ngành ngân hàng được ghi nhận.

Theo đó, ứng dụng giao diện lập trình mở (Open API) trở thành từ khóa của hệ sinh thái ngân hàng mở, khiến giới nghiên cứu, hoạch định chính sách ngành Tài chính – Ngân hàng đặc biệt quan tâm.

Từ nhận thức khái niệm…

Open Banking là thuật ngữ mới xuất hiện trong ngành dịch vụ tài chính. Theo đó, ngân hàng cho phép bên thứ ba viết ứng dụng và cung cấp dịch vụ từ chính dữ liệu của ngân hàng. Với việc ứng dụng giao diện lập trình (API) – công nghệ cho phép các bên thứ ba truy cập vào dữ liệu mở hay truy cập bảo mật đến các dữ liệu đóng của một tổ chức khi được sự đồng ý của chủ sở hữu dữ liệu và tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan. Khi được chia sẻ thông qua Open API, dữ liệu có thể được sử dụng để các công ty Fintech tạo thêm nhiều ứng dụng mới, cung cấp thêm tiện ích cho khách hàng, hỗ trợ khách hàng kiểm soát thông tin cũng như ra quyết định tốt hơn(1).

Thuật ngữ Open Banking lần đầu tiên xuất hiện trong Chỉ thị dịch vụ thanh toán sửa đổi (PSD2) của Liên minh châu Âu (EU). Theo PSD2, ngân hàng mở cho phép các bên cung cấp dịch vụ thanh toán thứ ba được quyền truy cập thông tin dữ liệu ngân hàng của khách hàng thông qua các giao diện lập trình ứng dụng mở được bảo mật.

Việc các ngân hàng sử dụng Open API trong phát triển mô hình kinh doanh mới là nhu cầu khách quan, có thể dự báo được. Trong mô hình này, ngân hàng sẽ là người cung cấp các dịch vụ thông qua Open API và cùng các đối tác của mình xây dựng một hệ sinh thái nhằm thỏa mãn các yêu cầu của người dùng. Bằng cách khuyến khích các ngân hàng và các nhà phát triển bên thứ ba để làm việc với nhau thông qua các Open API của ngân hàng, trải nghiệm tài chính của khách hàng có thể được cải thiện mạnh mẽ.

API thực chất là một “giao diện” giữa phần mềm với phần mềm. Theo đó, hệ điều hành, ứng dụng, các đơn vị trong tổng thể (module) trong hệ thống… giao tiếp với nhau và tận dụng năng lực của nhau(2). Có thể nói, một trải nghiệm phần mềm đầy đủ chính là do nhiều phần mềm giao tiếp với nhau mà thành, mỗi phần mềm cũng là do nhiều module, hoặc gói (package) kết hợp lại. Việc chia nhỏ các phần mềm ra nhiều lớp sẽ giúp cho các lập trình hoặc module có thể tận dụng lẫn nhau. Vì thế, Open API có chức năng khớp nối các thành phần của các phần mềm lại với nhau.

Việc cung cấp API giống như một người tự giới thiệu về khả năng của mình, và bên đối tác yêu cầu anh ta giúp đỡ để làm điều đó. Phần mềm gọi đến có thể cung cấp dữ liệu đầu vào cùng với đòi hỏi dữ liệu đầu ra và thực hiện cam kết từ phần mềm cung cấp API. Nhờ có API mà Facebook có thể thực hiện tính năng xác thực hộ các dịch vụ khác nhau. Theo giới quan sát, “Microsoft cung cấp 22 API tri giác” điều này có nghĩa là người dùng có thể mang khả năng “tri giác” do Microsoft cung cấp vào bên trong ứng dụng của họ. Người dùng được hưởng lợi, nhưng thực chất họ đang phụ thuộc vào Microsoft.

Ngày nay khi nói tới các bước tiến của phần mềm là nói tới API. Các phần mềm nổi tiếng của các hãng công nghệ hoặc gói công cụ phát triển phần mềm (SDK) thì chủ yếu và quan trọng nhất là API. Vì SDK, thực chất là gồm nhiều API có sẵn để các lập trình viên có thể tạo ra sản phẩm riêng một cách dễ dàng hơn. Có thể nói không quá rằng: “Thiếu Windows, thiếu iOS hay Android thì loài người có thể vẫn sống sót được, nhưng thiếu khái niệm API thì chắc chắn là thế giới… ngừng quay”(3). Bởi các API trong hệ điều hành là cơ sở để thế giới ứng dụng bùng nổ, các API giữa các module trong các hệ thống doanh nghiệp là cơ sở để nền kinh tế phát triển.

… Đến tính khách quan và nhu cầu thực tiễn

Năm 2018 được coi là năm bắt đầu kỷ nguyên ngân hàng mở và giới nghiên cứu dự báo rằng, mô hình ngân hàng này sẽ thay đổi căn bản mô hình kinh doanh, tiếp thị, kiểm soát rủi ro, và hoạt động mở là cơ hội cho ngành ngân hàng đổi mới và phát triển vượt bậc.

Tập đoàn IDC đã thực hiện khảo sát 146 ngân hàng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, kết quả là 70% số ngân hàng mở tăng phạm vi tiếp cận khách hàng của họ và 40% trong số này nhận thấy các luồng doanh thu trực tiếp/gián tiếp thay đổi trong ngân hàng mở và họ có khả năng sẽ gia tăng tính mở của ngân hàng vào những năm tới.

Open Banking là một xu hướng xuất phát từ nhu cầu khác nhau ở mỗi nước. Ở Anh là từ nhu cầu tuân thủ pháp luật. Theo đó, các cơ quan quản lý chủ động ban hành các hướng dẫn hoặc ra quy định bắt buộc các ngân hàng và tổ chức tài chính truyền thống chia sẻ thông tin khách hàng miễn phí hoặc tính phí nhẹ. Tuy nhiên, tại Hồng Kông, Open Banking đang khá thịnh hành, nên các cơ quan quản lý lại sử dụng phương pháp “thận trọng để chờ xem”. Trên phạm vi toàn cầu, nhiều quốc gia hiện đã có chiến lược và các chính sách cụ thể để xây dựng hệ thống khung pháp lý làm cơ sở cho việc ứng dụng Open Banking, nhằm khai thác tiềm năng bởi đây là xu hướng tất yếu của hoạt động kinh doanh ngân hàng hiện đại.

Tại Đức: Năm 2010, Dự án ngân hàng mở (Open Bank Project) được phát triển bởi sự hợp tác của các ngân hàng lớn nhất thuộc sở hữu nhà nước. Nhiệm vụ chính của các dự án là thiết lập các Open API cho các ngân hàng, giúp cho các nhà phát triển và các công ty Fintech có thể sử dụng để tạo các ứng dụng tiện ích hơn cho khách hàng từ dữ liệu các ngân hàng chia sẻ với sự chấp nhận của khách hàng.

Tại EU: Năm 2015, Nghị viện châu Âu (EP) đã ban hành Chỉ thị về dịch vụ thanh toán sửa đổi (PSD2) để xây dựng nền tảng cho việc phát triển Open Banking. Theo lộ trình thì PSD2 đã luật hóa trong các quốc gia thành viên từ năm 2018, với việc cho phép các bên thứ ba phát triển dịch vụ thanh toán trên nền tảng của các định chế tài chính với sự đồng ý của khách hàng và vấn đề bảo mật được đặc biệt coi trọng.

Tại Singapore: Tháng 11/2016,  Hiệp hội Ngân hàng và Ngân hàng Trung ương đã phát hành ấn phẩm “Finance-as-a-Service: API Playbook” như một hướng dẫn toàn diện cho các định chế tài chính, các công ty Fintech và các tổ chức quan tâm khác trong việc phát triển và áp dụng kiến ​​trúc hệ thống dựa trên nền tảng là các Open API, mở đầu cho hệ sinh thái ngân hàng mở tại nước này.

Tại Nhật Bản: Tháng 5/2017, Luật Ngân hàng sửa đổi đã quy định rõ trách nhiệm của các ngân hàng phải có các chính sách cụ thể để hợp tác với bên thứ ba cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cũng như công bố các mốc thời gian để phát triển các API làm nền tảng kết nối.

Tại Australia: Tháng 8/2017, đã xác định chức năng chính của ngân hàng mở là trao quyền cho khách hàng truy cập và kiểm soát tốt hơn dữ liệu ngân hàng của mình. Những lợi ích tiềm năng của hệ thống ngân hàng mở cũng như các chi phí phát sinh để đảm bảo quyền về dữ liệu của khách hàng.

Tại Hồng Kông (Trung Quốc): Tháng 9/2017, Cơ quan quản lý tiền tệ Hồng Kông đã công bố ấn phẩm Kỷ nguyên mới của ngân hàng thông  minh với 7 sáng kiến, trong đó, có việc áp dụng các Open API.

Tại Anh: Năm 2019, cơ quan quản lý cạnh tranh và điều hành thị trường (CMA) đã công bố báo cáo về thị trường ngân hàng bán lẻ, trong đó, yêu cầu 9 ngân hàng lớn (HSBC, Barclays, RBS, Santander, Bank of Ireland, Allied Irish Bank, Danske, Lloyds và Nationwide) bắt buộc phải công bố chuẩn dữ liệu, phát hành dữ liệu bảo mật để có thể dễ dàng chia sẻ trực tuyến với các bên thứ ba được ủy quyền.

Tại Việt Nam: Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 về việc Chủ động, tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, đây chính là nền tảng để các bộ, ban, ngành xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin và công nghệ số để bảo đảm an toàn, an ninh mạng tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng, bình đẳng trong tiếp cận các cơ hội phát triển nội dung số. Các ngân hàng thương mại cũng đã nhận thức được tiềm năng, thách thức cũng như nhu cầu cấp thiết phải đáp ứng nhu cầu xây dựng hệ sinh thái ngân hàng mở.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng bước đầu xây dựng, thử nghiệm và dần hoàn thiện các khung pháp lý để quản lý hoạt động Open Banking theo tinh thần của Chỉ thị số 16/CT-TTg. Thống đốc NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực Fintech theo Quyết định số 328/QĐ-NHNN ngày 16/3/2017. Theo đó, nghiên cứu, xây dựng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông qua giao diện chương trình ứng dụng Open API là một trong số nhiệm vụ trọng tâm của Ban.

Tháng 6/2018, Cục Công nghệ thông tin của NHNN đã tiến hành khảo sát giao diện kết nối ứng dụng Open API trong lĩnh vực tài chính ngân hàng để xác định: (1) Hiện trạng cung cấp, chia sẻ dữ liệu giữa ngân hàng với khách hàng và bên thứ ba; (2) Nhu cầu về chuẩn kết nối chung cho ngành Ngân hàng với các công ty Fintech. Kết quả khảo sát chính là cơ sở để NHNN hoạch định khung pháp lý xây dựng hệ sinh thái Open Banking tại Việt Nam. Hồi tháng 10/2018, Cục Công nghệ thông tin (NHNN) đã ký biên bản hợp tác chung với Cơ quan Xúc tiến CNTT Hàn Quốc (NIPA) và Viện Tài chính viễn thông và Thanh toán bù trừ Hàn Quốc (KFTC) về giao diện Open API trong lĩnh vực ngân hàng.

NHNN cũng đang nghiên cứu để ban hành chuẩn dữ liệu mở để tạo điều kiện cho các ngân hàng cũng như cộng đồng Fintech hướng tới một hệ thống ngân hàng mở, không chỉ dừng lại ở việc nâng cao trải nghiệm khách hàng đối với sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng công nghệ số mà còn tạo sân chơi bình đẳng trong hệ thống các ngân hàng.

Giới chuyên gia cho rằng, phát triển Open API sẽ là hướng tiếp cận giúp ngân hàng giải quyết được bài toán đa dạng hóa dịch vụ tài chính, tiếp cận đến các tệp khách hàng khác nhau với chi phí về nguồn lực con người, tài chính hợp lý và thời gian phát triển sản phẩm sẽ được rút ngắn đáng kể.

Các chuyên gia về chuyển đổi số của Microsoft khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng nhận thấy, một nền tảng công nghệ cho Open Banking không chỉ bao gồm năng lực tạo ra và quản lý API mà còn đòi hỏi nhiều năng lực công nghệ khác được cung cấp trong một môi trường kết hợp điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu riêng của ngân hàng. Theo đó, việc phân tích dữ liệu sẽ giúp ngân hàng xác định được nhu cầu, hành vi, phân khúc khách hàng; định hướng nhân viên ngân hàng tập trung vào những đối tượng khách hàng mang lại nhiều giá trị nhất.

Về chuẩn Open API, trong quá trình nghiên cứu Cục CNTT nhận thấy, để triển khai được trong ngành Ngân hàng Việt Nam, có nhiều vấn đề về pháp lý và công nghệ cần được làm rõ và tháo gỡ như: Tính bảo mật, quyền riêng tư, mô hình, chuẩn kết nối giữa hệ thống ngân hàng, các công ty Fintech; phạm vi và lộ trình mở dữ liệu của ngân hàng; các vấn đề về an ninh trong bảo vệ hệ thống trước nguy cơ truy cập bất hợp pháp… Điều quan trọng nhất trong mô hình Open Banking là bên thứ ba có quyền tiếp cận dữ liệu ngân hàng, nên giới chuyên gia cho rằng, phải có một cơ chế an toàn, thống nhất để chia sẻ dữ liệu. Vì thế, NHNN nên xem xét thành lập một trung tâm trung gian làm nhiệm vụ thẩm định, chứng nhận, cấp phép và kiểm tra các bên thứ ba được phép sử dụng Open API của các ngân hàng(4).

Theo Thị trường Tài chính Tiền tệ