Nguy cơ leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung: Kinh tế Việt Nam bị tác động ra sao?

Ảnh minh họa: AP/VOV

Việt Nam sẽ phải làm gì để đảm bảo phát triển ổn định kinh tế trong trường hợp xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung? Xin chuyển tới bạn đọc bài viết của ông Raymond Mallon, chuyên gia kinh tế cao cấp của Australia dành riêng cho Báo Đầu tư về vấn đề này.

Lịch sử kinh tế quốc tế đã cho thấy những bài học rõ ràng rằng, việc Mỹ và Trung Quốc tăng cường các rào cản thương mại sẽ không chỉ gây thiệt hại cho hai nền kinh tế này, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến các chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến giá cả leo thang và giảm phúc lợi toàn cầu.

Dư luận quốc tế hy vọng, Trung Quốc và Mỹ sẽ nhận rõ những hậu quả tiềm tàng của một cuộc chiến thương mại kéo dài đối với hai nền kinh tế này cũng như toàn cầu.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bắt đầu leo thang khi Mỹ quyết định đánh thuế đối với thép nhập khẩu. Ảnh: Đ.T
Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung bắt đầu leo thang khi Mỹ quyết định đánh thuế đối với thép nhập khẩu. Ảnh: Đ.T

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ. Trung Quốc cũng là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với khoảng 1.260 tỷ USD tín dụng tính đến cuối năm 2017.

Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Trung Quốc – lớn gần bằng cả thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Người tiêu dùng chịu thua thiệt nhiều nhất

Việc hai quốc gia tăng thuế nhập khẩu hàng hóa sẽ cản trở các chuỗi cung ứng, làm tăng giá tiêu dùng (đặc biệt là tại Mỹ), giảm việc làm.

Điều này sẽ làm giảm thu nhập thực tế ở cả hai quốc gia. Người tiêu dùng tại đây sẽ là đối tượng chịu thua thiệt nhiều nhất.

Những tác động tiêu cực tiềm tàng ở Mỹ thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn, trước tương lai bấp bênh của Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Trong bối cảnh xung đột thương mại kéo dài, các doanh nghiệp có thể di dời hoặc đóng cửa các chuỗi cung ứng của mình, gây tác động lớn hơn tới hoạt động đầu tư, kinh doanh và việc làm.

Có thể cho rằng, người tiêu dùng Mỹ đang muốn cố gắng sử dụng áp lực về chính trị để tránh nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại trong bối cảnh các tập đoàn của Mỹ như Apple, Walmart… hiện phụ thuộc nặng nề vào các chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.

Ngay cả khi Mỹ tiếp tục tăng cường các chính sách bảo hộ, thì sự trả đũa của Trung Quốc sẽ không đem lại lợi ích lớn nhất cho chính Trung Quốc.

Kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra rằng, các quốc gia riêng lẻ thường được lợi từ những cải cách thương mại đơn phương, cho dù các quốc gia khác có bất kỳ hành động gì.

Dĩ nhiên, những lợi ích của cải cách thương mại đơn phương là lớn hơn nếu các nước khác cũng có động thái cải cách tương tự.

Hiện có lý do để hy vọng rằng, Trung Quốc luôn hiểu rõ những tác động bất lợi từ một cuộc chiến thương mại nghiêm trọng, qua đó sẽ hạn chế việc áp dụng những biện pháp trả đũa thẳng thừng.

Thực tế, Trung Quốc ngày càng hiểu rõ lợi ích tiềm tàng từ sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh, từ việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, từ cạnh tranh lành mạnh, nhằm kích thích tăng năng suất và tăng trưởng kinh tế.

Kinh tế Việt Nam ra sao nếu chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang?

Trong trường hợp chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang, vượt ra khỏi lĩnh vực thuế quan, với những hành động kiểu “ăn miếng, trả miếng”, thì kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Trong khi một số lĩnh vực công nghiệp, một số hàng hóa có thể được lợi khi hàng Trung Quốc bị hạn chế vào thị trường Mỹ, thì về tổng thể, tác động tới người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam là không tích cực.

Trung Quốc và Mỹ là những thị trường xuất nhập khẩu quan trọng của Việt Nam. Việc giảm nhu cầu kinh doanh và tiêu dùng tại một trong hai quốc gia này sẽ tác động tiêu cực tới các chuỗi cung ứng của Việt Nam, tới nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ do Việt Nam sản xuất.

Sự giảm sút về nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tại hai quốc gia này cũng sẽ tác động tiêu cực đến các quốc gia khác. Hậu quả là, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc, giữa Mỹ với nhiều nước khác cũng sẽ giảm.

Rất có thể, Trung Quốc sẽ đáp trả các chính sách bảo hộ của Mỹ thông qua việc không cho Mỹ vay vốn. Điều này sẽ tạo áp lực mạnh lên tỷ giá, khiến Mỹ gặp khó khăn hơn trong quản lý thâm hụt tài khóa đang có xu hướng ngày càng tăng, trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Điều này cũng có nghĩa, Trung Quốc cần phải tìm kiếm các thị trường khác ngoài Mỹ để đầu tư những nguồn lực đang dôi dư. Khi đó, các nguồn lực tài chính có thể sẽ đổ vào những thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Căng thẳng thương mại ngày càng tăng với Mỹ sẽ làm gia tăng lợi ích của Trung Quốc trong việc kết thúc đàm phán với các đối tác về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Điều này sẽ giúp Trung Quốc mở rộng các thị trường thay thế.

Việc thực hiện Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và RCEP có thể giúp bù đắp phần nào các tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.

Có thể cho rằng, sự xuất hiện thêm các chính sách bảo hộ, nguy cơ tăng trưởng thu nhập và kinh tế dưới tiềm năng tại Mỹ, Trung Quốc là hệ quả tất yếu sau việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Kinh tế toàn cầu và Việt Nam, theo đó, cũng sẽ chịu hệ lụy tiêu cực.

Tựu trung, sẽ không có bất kỳ quốc gia nào giành chiến thắng trong bất cứ cuộc chiến thương mại nào.

Theo Báo Đầu tư