Cha đẻ của Flappy Bird cũng chia sẻ nhiều quan điểm chân thành trong câu chuyện thành công của mình và câu chuyện khởi nghiệp nói chung.
Năm 2014, Nguyễn Hà Đông là cái tên gây bão không chỉ trong nước mà cả trên thế giới. Thành công bất ngờ của trò chơi Flappy Bird giúp Nguyễn Hà Đông có mặt trong danh sách “10 triệu phú Internet đi lên từ con số 0” của tờ The Richest.
The Richest cũng cho biết, với Flappy Bird, trong suốt thời gian tồn tại, tựa game này đã giúp Nguyễn Hà Đông kiếm được khoảng 50.000 USD (khoảng hơn 1 tỷ đồng) mỗi ngày và khoảng 3 triệu USD từ quảng cáo trong game, cho dù đây là một game hoàn toàn miễn phí.
Tuy nhiên, khi cả thế giới tập trung chú ý đổ dồn vào Flappy Bird, ngày 10/2/2014, Nguyễn Hà Đông đột ngột đăng thông báo gỡ bỏ Flappy Bird khỏi các chợ ứng dụng. Trên trang Twitter của mình, anh viết, đại ý, cuộc sống đơn thuần của anh đã bị huỷ hoại bởi trò chơi đấy.
“Truyền thông đánh giá quá mức thành công của trò chơi này. Đấy là điều tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Xin cho tôi một chút bình yên”, Nguyễn Hà Đông từng viết như vậy, và sau đó anh biến mất hoàn toàn khỏi truyền thông.
Trong lần tái xuất gần đây nhất tại sự kiện do Đại học Bách Khoa tổ chức tối ngày 18/11, Nguyễn Hà Đông lý giải anh gỡ bỏ Flappy Bird đơn giản vì “bẩm sinh tôi không chịu được áp lực”.
Ở thời điểm hiện tại, Nguyễn Hà Đông cùng một người bạn của mình, cũng là một sinh viên Bách Khoa K49, đang tự thành lập công ty riêng chuyên về game. Và công ty cũng chỉ có 2 người.
Hà Đông tiết lộ đang phát triển một sản phẩm game mới nhưng xác suất thành công như Flappy Bird chỉ là 0,1%.
“Tôi không muốn nói trước vì nói trước khó mà đạt được. Game trông rất đơn giản nhưng trình độ công nghệ trong game này chưa có bao giờ”, Nguyễn Hà Đông nói ngắn gọn về sản phẩm mới của mình.
Không có công thức cho khởi nghiệp, chỉ cần mỗi người tự thấy đúng là được
Cha đẻ của Flappy Bird cho biết anh đã có một quá trình dài làm việc trước khi bắt tay vào khởi nghiệp. 15 tuổi Nguyễn Hà Đông bắt đầu học lập trình; 17 tuổi anh lập trình game; năm thứ 2 đại học anh đi làm cho công ty game và sau đó tự mình làm từ 2011.
Tuy nhiên, Hà Đông cho rằng không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi có nên khởi nghiệp khi còn là sinh viên hay không.
“Tôi nghĩ mỗi người một khác, vì vậy chỉ cần họ thấy đúng là được”.
Năm 2017, Nguyễn Hà Đông từng chia sẻ, mỗi năm anh sẽ tài trợ cho 5 dự án của sinh viên, với số tiền tối đa 200 triệu đồng/dự án. Tại sự kiện của Đại học Bách Khoa, khi được hỏi lại về câu chuyện này, Nguyễn Hà Đông đính chính rằng anh không rót vốn mà thực tế là cho tiền để các dự án này tiếp tục phát triển.
“Tôi không rót vốn startup. Có một số bạn sinh viên cần tiền để làm nghiên cứu thì tôi cho tiền. Quan trọng là bạn làm đến mức nào rồi, bạn cần bao nhiêu và tiêu vào việc gì, nếu mà thấy hợp lý thì tôi sẽ cho”, Nguyễn Hà Đông nói về tiêu chí tài trợ vốn của mình.
Trước một câu hỏi khác về bí quyết thành công, anh thành thật chia sẻ: “Đối với tôi 17 năm qua chỉ có màn hình máy tính, nên tôi không có nhiều câu chuyện để kể. Tôi nghĩ rằng mình phải đánh đổi một số thứ để có được thành công như vậy. Cái mà tôi đánh đổi chính là sự trưởng thành của mình”.
Theo cafebiz