Nhập hàng nhái trôi nổi nhưng livestream bán giá hàng chục triệu đồng

Một chiếc áo hàng hiệu được rao bán qua livestream với giá 6,3 triệu đồng song chủ shop khai nhận với cơ quan chức năng là hàng trôi nổi và tự định giá.

Khi livestream trên mạng xã hội, một số chủ cửa hàng đã bán hàng giả, hàng nhái giá rẻ nhưng vẫn quảng cáo là hàng hiệu giá cao để kiếm lời.

“Váy len Gucci giá hơn 33 triệu đồng nhưng mua của cửa hàng sẽ được giảm giá vài triệu đồng”, đây là lời quảng cáo của chủ shop thời trang tại quận Hà Đông (Hà Nội) trong một phiên livestream bán hàng trên mạng xã hội. Tuy nhiên, ngày 22/4, khi Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 11 thuộc Cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra bất ngờ thì nguồn gốc số “hàng hiệu” trên lại được chủ cửa hàng thừa nhận là hàng trôi nổi.

Không chỉ vậy, những con số 6-7 triệu đồng hay tới 30 triệu đồng cho mỗi sản phẩm thuộc thương hiệu nổi tiếng như Adidas, Burberry, Gucci, Zara… cũng đều do chủ cửa hàng này tự định giá.

Thực tế, hình thức bán hàng qua livestream ngày càng phổ biến thì các chiêu trò lừa đảo, che mắt người tiêu dùng ngày càng tinh vi. Nhiều chủ cửa hàng vì lợi nhuận mà quảng cáo, “thổi giá” và phù phép hàng giả, hàng nhái giá rẻ thành hàng hiệu giá cao.

Ông Trần Việt Hùng, Phó cục trưởng Cục QLTT Hà Nội, cho biết đơn vị đã và đang triển khai kế hoạch tăng cường chống gian lận thương mại và hàng giả trên không gian mạng.

“Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng thương mại điện tử để giới thiệu, cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ”, ông nhấn mạnh.

Lực lượng chức năng cũng khuyến cáo tình trạng chủ cửa hàng lập nhiều tài khoản giả chốt đơn ảo, tạo hiệu ứng đám đông để lấy lòng tin của người tiêu dùng. Khi có được lòng tin sẽ trà trộn bán các sản phẩm giả, nhái các nhãn hiệu nổi tiếng để lừa đảo người tiêu dùng.

Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh nhận định từ năm 2018 đến nay, lực lượng QLTT cả nước đã xử lý hàng chục nghìn vụ việc vi phạm liên quan đến các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, năm 2018-2019, lực lượng QLTT cả nước xử lý gần 10.000 vụ việc, phạt tiền vi phạm hành chính khoảng 84 tỷ đồng; đến năm 2022 xử lý 3.069 vụ việc vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 38 tỷ đồng. Riêng trong 3 tháng đầu năm, lực lượng đã xử lý 1.764 vụ vi phạm với số tiền xử phạt trên 15,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hàng giả, hàng nhái tiếp tục là vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Ông Linh nhận định nhận thức của người tiêu dùng chưa cao, còn khá dễ dãi nên việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn có cơ hội lưu thông.

Mới đây, Tổng cục QLTT và SCHOTT AG – tập đoàn thủy tinh chuyên dụng đến từ Đức đã ký biên bản ghi nhớ, đẩy mạnh công tác phòng chống hàng giả và vi phạm sở hữu trí tuệ.

Ông Simon Kreye, Phó đại sứ Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam đánh giá, đây là một bước tiến quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Đức trong lĩnh vực bảo vệ sở hữu trí tuệ và an toàn cho người tiêu dùng. Các sản phẩm giả mạo không chỉ gây tổn hại đến uy tín và sự đổi mới của doanh nghiệp mà còn đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của người tiêu dùng.

Theo Zing