Nhiều bệnh nhân Covid-19 trẻ ở Bắc Giang chuyển nặng nhanh

Biến chủng mới khiến bệnh nhân diễn biến nhanh, sau vài ngày phổi đã trắng xoá khiến bác sĩ áp lực hơn.

2 ekip của Bệnh viện Chợ Rẫy bắt đầu cắm chốt tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang từ ngày 26/5. Đây là nơi tập trung điều trị những bệnh nhân Covid-19 nặng.

BS CKII Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia hỗ trợ Bắc Giang đợt này.

BS Linh là người từng có mặt tại hầu khắp các điểm nóng Covid-19 từ Đà Nẵng, Gia Lai và được gọi quen thuộc với cái tên “bác sĩ 91” vì đã trực tiếp điều trị cho bệnh nhân 91, phi công người Anh.

BS Linh chia sẻ, trong 5 ngày qua, anh đã tiếp nhận 3 ca phải thở máy, lọc máu liên tục, 7 ca thở oxy dòng cao.

Đặc biệt có 1 ca được chuyển từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang sang Bệnh viện Phổi Bắc Giang ngay trong đêm.

Ca bệnh này, ban đầu bác sĩ tiên lượng xấu, phải can thiệp ECMO nhưng đội ngũ đã xử lý đặt nội khí quản, sau đó lọc máu, thấy chuyển biến nên không cần ECMO.

Dù đã có kinh nghiệm từ các đợt dịch trước cũng như đã nghiên cứu rất kỹ về chủng mới và tiên lượng nhiều nguy cơ bệnh nhân có thể gặp song đợt dịch lần này vẫn khiến các bác sĩ căng thẳng.

Số ca bệnh nặng ở Bắc Giang tăng nhanh do ca mắc mới liên tục tăng và hầu hết bệnh nhân còn quá trẻ nên chúng tôi chịu căng thẳng và áp lực lớn hơn”, BS Linh chia sẻ.

Theo BS Linh, dịch đợt 2 ở Đà Nẵng chủ yếu là bệnh nhân lớn tuổi và nhiều bệnh nền, ca trẻ nhất là hơn 40 tuổi. Tại Đà Nẵng, các bệnh nhân trẻ gần như không có triệu chứng, không có hình ảnh tổn thương phổi hoặc phải chụp CT mới thấy rõ tổn thương.

Còn tại Bắc Giang, sau vài ngày chụp X-quang kiểm tra đã thấy phổi bệnh nhân trắng xoá.

“Vì vậy công tác hồi sức tích cực lần này khó hơn, phải theo dõi nhiều hơn, cực hơn vì ranh giới bệnh nhân nặng diễn tiến tới nguy kịch rất nhanh.

Nếu không theo dõi sát, không chủ động, nguy cơ tử vong dễ xảy ra. Ca tử vong ở Bắc Giang vừa qua còn quá trẻ, bệnh nhân mất khi có con mới 6 tuổi”, BS Linh nói.

Song cũng chính vì nhiều bệnh nhân trẻ nên các bác sĩ quyết tâm phải cứu bằng được các bệnh nhân. Kiên quyết không để bệnh nhân tử vong.

Do phải theo dõi bệnh nhân, ban ngày các bác sĩ tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang tập trung theo dõi chăm sóc các bệnh nhân nặng. Ca tối, bố trí 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng của Bệnh viện Chợ Rẫy trực và xử lý các tình huống.

Đến thời điểm hiện tại, theo BS Linh, đội ngũ y bác sĩ Chợ Rẫy đã quen với công việc và đang kiểm soát được tình hình điều trị những ca nặng tại Bắc Giang

Anh hy vọng góp phần cùng Bắc Giang dập dịch nhanh chóng và hạn chế các trường hợp tử vong đáng tiếc.

Thúy Hạnh

Theo Vietnamnet

___

Xem thêm:

28 bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, có 5 ca đang thở ECMO

Việt Nam đang điều trị kỷ lục hơn 4.200 bệnh nhân Covid-19, trong số này có 28 bệnh nhân nguy kịch.

Tiểu ban Điều trị cho biết, đến chiều 31/5, cả nước đã ghi nhận 7.236 ca mắc Covid-19, trong đó đã chữa khỏi 2.950 bệnh nhân. Hiện vẫn còn 4.235 bệnh nhân đang điều trị tại 92 cơ sở y tế trên cả nước, trong đó Bắc Giang đang có đến hơn 2.200 bệnh nhân.

Tại các cơ sở điều trị, nhiều nhất là Bệnh viện Dã chiến số 2 Bắc Giang đặt tại nhà thi đấu của tỉnh đang điều trị hơn 600 bệnh nhân, kế đó là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương với 359 bệnh nhân.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị, có 126 bệnh nhân tiên lượng nặng; 104 ca đang phải thở oxy; 23 ca thở máy không xâm nhập; 28 ca nguy kịch, trong đó có có 23 ca đang thở máy xâm nhập (19 ca tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), 5 đang phải can thiệp ECMO (4 ca ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, 1 ca ở TP. HCM).

Ca mới nhất phải can thiệp ECMO là bệnh nhân 6043, nam, 80 tuổi, quê ở Bắc Ninh. Cụ ông có tiền sử tăng huyết áp, suy thận độ 2, được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, sau đó chuyển tuyến lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Các bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cấp cứu, giành giật sự sống cho bệnh nhân giữa đêm. Ảnh: Thanh Đặng

Sau 3 ngày nhập viện, đến ngày 29/5, bệnh nhân tiến triển nặng lên, phải thở máy không xâm nhập.

20h cùng ngày, bệnh nhân tiếp tục trở nặng rất nhanh, nguy kịch. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân suy hô hấp, viêm phổi do SARS-CoV-2, chỉ định thở máy, điều trị tích cực.

Đêm 29/5, bệnh nhân phải can thiệp đặt ECMO (trao đổi tuần hoàn ngoài cơ thể). Đến hôm nay, bệnh nhân vẫn thở ECMO kết hợp thở máy qua nội khí quản, duy trì an thần, giãn cơ.

Ngoài ra tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng đang có 3 bệnh nhân khác phải can thiệp ECMO, trong đó có nam thanh niên 37 tuổi khỏe mạnh từ Bắc Ninh chuyển lên (bệnh nhân 3207), bệnh nhân nhiều bệnh nền ở Thái Bình, 54 tuổi (bệnh nhân 3019) và bệnh nhân 3354, nam, 76 tuổi quê ở Lạng Sơn.

Ca ECMO còn lại là bệnh nhân 2983, nữ, 65 tuổi, địa chỉ tại An Phú, An Giang. Đây là ca bệnh nhập cảnh, từ nước ngoài về qua cửa khẩu Long Bình, được cách ly tại An Giang từ ngày 3/5.

Cùng ngày, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính, được chuyển đến Trung tâm y tế huyện An Phú điều trị. Ngày 13/5, bệnh nhân chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM. Hiện phổi bệnh nhân này đang đông đặc 90%.

Theo đánh giá, biến chủng Ấn Độ đang chiếm ưu thế trong đợt dịch lần 4 tại Việt Nam làm tình trạng bệnh nặng thêm, gây khó khăn cho điều trị. Rất nhiều bệnh nhân trẻ diễn biến nhanh, trong đó có trường hợp nữ công nhân 38 tuổi ở Bắc Giang tử vong.

Do đó, chiến lược điều trị trong giai đoạn hiện nay tập trung vào khoảng 20% bệnh nhân có thể diễn biến nặng. Trong số này, 10% có thể diễn biến từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu; 5% diễn biến chuyển thành nặng và 5% thành rất nặng.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 phải theo dõi sát diễn biến bệnh nhân, nhiều ca bệnh có nồng độ oxy trong máu ở mức 99% nhưng khó thở đã tăng thêm 22 lần thì phải đặc biệt lưu ý.

Các tỉnh chưa có dịch cũng phải nâng cao hơn nữa năng lực điều trị hồi sức tích cực, chủ động các tình huống xấu.

Thúy Hạnh

Theo Vietnamnet