Nhiều lãnh đạo ngân hàng sẽ rời ghế “nóng”

Nhiều lãnh đạo ngân hàng phải lựa chọn rời ghế “nóng” trong kỳ họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay để tuân thủ Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Một lựa chọn khó

Ngày 28/3, LienVietPostBank đã tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2018. Điều đáng quan tâm là, Ngân hàng thay đổi HĐQT và Ban Kiểm soát cho nhiệm kỳ mới 2018 – 2023, với 8 thành viên HĐQT và 3 thành viên Ban Kiểm soát.

Tân Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này là ông Nguyễn Đình Thắng (sinh năm 1957, giữ cương vị Phó chủ tịch HĐQT LienVietPostBank từ tháng 4/2017, thành viên HĐQT từ năm 2008).

Trước đó, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, ông Nguyễn Đức Hưởng đã có đơn xin rời ghế “nóng” trong kỳ ĐHĐCĐ lần này, với lý do sức khỏe.

.
.

Một ngân hàng nữa là Kienlongbank năm nay cũng bầu lại HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2018 – 2022. Thời điểm này, Ngân hàng đã lên kế hoạch lấy ý kiến cổ đông và sẽ tổ chức ĐHĐCĐ trong tháng 4.

Hiện Chủ tịch là ông Võ Quốc Thắng; Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc là ông Võ Văn Châu và Trưởng ban kiểm soát là ông Lê Khắc Gia Bảo.

Tương tự, tại Nam A Bank, HĐQT Ngân hàng này đã bầu ông Trần Ngọc Tâm vào vị trí Tổng giám đốc ở tuổi 45, từ Phó tổng giám đốc.

Nhân sự cấp cao ngân hàng được dự báo tiếp tục dịch chuyển mạnh trong thời gian tới theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 15/1/2018.

Theo đó, chủ tịch, thành viên HĐQT, tổng giám đốc của tổ chức tín dụng không được kiêm nhiệm chức vụ tương tự ở doanh nghiệp khác.

Quy định này khiến hàng loạt lãnh đạo ngân hàng buộc phải lựa chọn: hoặc là đứng ở ngân hàng, hoặc chuyển qua doanh nghiệp.

Nhiều lãnh đạo ngân hàng đang trong tình thế đó, nhưng đến nay, mới có vài người chính thức đưa ra chọn lựa cho mình, như ông Dương Công Minh (Sacombank), ông Đỗ Quang Hiển (SHB), ông Đỗ Minh Phú (TPBank), bà Thái Hương (BacABank)…, trong khi rất nhiều người tại các ngân hàng như Kienlongbank, SeABank, ABBank, HDBank, Việt Á… vẫn đang kiêm nhiệm.

Có thể nói, đây là một lựa chọn khó khăn. Tuy nhiên, đã là quy định của pháp luật thì mọi cá nhân, tổ chức phải tuân thủ.

Tâm điểm mùa họp ĐHĐCĐ

Nhân sự cấp cao ngành ngân hàng không chỉ biến động ở khối cổ phần quy mô nhỏ và vừa, mà ngay ở những nhà băng lớn hiện cũng đang “khuyết” nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao.

Tại Ngân hàng BIDV, sau khi ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT, về hưu hồi tháng 9/2016, đến nay, ngân hàng này vẫn chưa có chủ tịch mới.

Nhiều người dự đoán tại mùa ĐHĐCĐ năm nay, Ngân hàng sẽ có người kế nhiệm vị trí nóng.

Trong số các ứng viên, có một nhân sự thu hút được sự chú ý của thị trường thời gian qua, đó là ông Phạm Quang Tùng – từng là Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) – được điều động sang BIDV hồi tháng 12/2017.

Nhân sự cấp cao ngân hàng được dự báo tiếp tục dịch chuyển mạnh trong thời gian tới theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Trong khi đó, tại Eximbank, ĐHĐCĐ thường niên năm nay dự kiến diễn ra vào ngày 27/4, với 4 ứng viên hiện thời, các cổ đông sẽ phải chọn ra 2 người vào HĐQT.

Căn cứ danh sách nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã được cổ đông đề cử, ứng cử nêu trên, HĐQT sẽ xem xét điều kiện, tiêu chuẩn đáp ứng quy định đối với các ứng cử viên và trình xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước thông qua danh sách nhân sự dự kiến làm thành viên HĐQT trước khi tiến hành bầu tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 theo quy định.

Theo một nguồn tin đáng tin cậy, 4 ứng viên vào HĐQT Eximbank kỳ này có những người quen thuộc từng chạy đua vào nhà băng này 2 năm trước. Hiện HĐQT Eximbank có 9 thành viên.

Thực tế, vấn đề nhân sự cấp cao ở Eximbank đã nóng từ năm 2015 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu thực sự ổn định. Trước đó, Eximbank trải qua nhiều lần ĐHĐCĐ bất thành, vì không tìm được sự đồng thuận của cổ đông lớn trong vấn đề lựa chọn người vào HĐQT, bởi người của nhóm cổ đông lớn không được ứng cử vào HĐQT.

Trong khi đó, Sacombank sẽ họp ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 20/4 để bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2017 – 2021, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập.

Ông Kiều Hữu Dũng, Phó chủ tịch HĐQT thường trực Sacombank xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. HĐQT Sacombank cho biết, sẽ trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT ngân hàng đối với ông Dũng tại phiên họp ĐHĐCĐ này.

Cuộc sàng lọc nhân sự cấp cao ngành ngân hàng đang “nóng” và theo dự báo của TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cuộc sàng lọc này sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.

Vân Linh/Báo Đầu tư