Những chuyến xe đón công dân từ “tâm dịch” TPHCM về quê có gì đặc biệt?

Sáng 21/7, tỉnh Quảng Nam tổ chức khởi hành đi đón bà con Quảng Nam từ TPHCM có hoàn cảnh khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 về quê.

Sáng nay 21/7, đoàn 10 xe đầu tiên đã xuất phát đi đón khoảng 300 bà con Quảng Nam ở TPHCM về quê, giữa lúc dịch Covid-19 ở TPHCM đang diễn biến hết sức phức tạp.

Ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho hay, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam, thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các địa phương trong cả nước đang hướng về TPHCM và các địa phương đang bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong đó có tỉnh Quảng Nam.

Đối với Quảng Nam, tỉnh đã chủ động sẵn sàng tất cả các phương án để triển khai một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, đảm bảo nhất với mục tiêu đón bà con về quê an toàn. Nguồn kinh phí thực hiện vận động xã hội hóa.

Để đảm bảo an toàn phòng dịch, xe được lắp đặt vách ngăn kín với 4 ghế ngồi nhằm tạo khoang riêng cho tài xế, cán bộ y tế và tình nguyện viên.

Việc tổ chức đưa bà con về quê lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa thể hiện tinh thần trách nhiệm, nhưng cũng là tình cảm của cán bộ, nhân dân tỉnh Quảng Nam đối với bà con ở miền Nam nói chung và TPHCM nói riêng”, ông Lê Trí Thanh phát biểu.

Xe được trang bị các thiết bị sát khuẩn gồm máy xịt khuẩn và đo thân nhiệt tự động, 4 đèn UV diệt khuẩn tại cửa gió hút điều hòa.

Trên mỗi xe bố trí 2 nhân viên lái xe, một cán bộ y tế và một tình nguyện viên hỗ trợ người dân trong suốt chuyến đi.

Trên xe có đầy đủ thuốc men, vật tư y tế cần thiết, thức ăn, nước uống… 

Để đảm bảo an toàn phòng dịch, xe được lắp đặt vách ngăn kín với 4 ghế ngồi nhằm tạo khoang riêng cho tài xế, cán bộ y tế và tình nguyện viên.

Đặc biệt, xe được trang bị các thiết bị sát khuẩn gồm máy xịt khuẩn và đo thân nhiệt tự động, 4 đèn UV diệt khuẩn tại cửa gió hút điều hòa. Trên xe có đầy đủ thuốc men, vật tư y tế cần thiết, thức ăn, nước uống…

Xe được phun thuốc khử khuẩn trước khi xuất phát. Tài xế được trang bị đồ bảo hộ gồm quần áo, mũ trùm đầu, kính, khẩu trang, găng tay, bọc giày.

Dự kiến, các chuyến xe sẽ đưa khoảng 10 nghìn người đăng ký về quê và được chia thành nhiều đợt đưa đón cho đến khi kết thúc.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam tiễn đoàn xe vào TPHCM đón bà con về quê.

Khi đến TPHCM, xe sẽ đón người dân tại các địa điểm do UBND hoặc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cấp huyện của tỉnh Quảng Nam và Hội đồng hương cấp huyện tương ứng tại TPHCM thống nhất.

Trước khi lên xe, người dân phải có kết quả xét nghiệm âm tính bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR trong vòng 48h trước khi lên xe.

Dự kiến, xe xuất phát từ TPHCM vào buổi chiều (lúc 17-18h), di chuyển trong đêm và đến Quảng Nam vào sáng sớm hôm sau. Phương tiện không dừng, đỗ trong suốt quá trình di chuyển; chỉ dừng, đỗ khi thật sự cần thiết và đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Sau khi về Quảng Nam, xe đưa người dân đến các khu cách ly của địa phương. Trường hợp người có bệnh lý nền thì đưa về cách ly tại Trung tâm y tế huyện.

Tỉnh Quảng Nam cũng chuẩn bị triển khai các phương án đón bà con bằng những phương tiện khác như máy bay, tàu hỏa. Việc đón bà con về Quảng Nam được sắp xếp, tính toán phù hợp với năng lực tiếp nhận và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Cũng trên các chuyến xe này, hơn 100 tấn hàng cứu trợ của Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam đã được gửi vào TPHCM để hỗ trợ đến người dân vùng dịch.

Đắk Lắk tiếp nhận danh sách công dân ở vùng dịch muốn về quê

Sáng 21/7, lãnh đạo Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk cho biết, Sở đã có văn bản gửi UBND huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thông tin đến các phường, xã, thị trấn, thôn, buôn tuyên truyền các hộ trên địa bàn có người thân đang ở vùng dịch mong muốn về quê đăng ký danh sách với địa phương.

Gia đình có thể đăng ký danh sách người thân từ vùng dịch mong muốn về Đắk Lắk.

Sau đó, Phòng LĐ-TB&XH các địa phương tổng hợp gửi Sở để có số liệu và lên danh sách hỗ trợ. Người dân có thể đăng ký cho người dân bằng nhiều cách như: qua đường dây nóng, trang web, Zalo của Sở LĐ-TB&XH hoặc đăng ký trực tiếp với chính quyền các địa phương.

Cũng theo vị lãnh đạo này, vừa qua, Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk có văn bản gửi các đơn vị đồng cấp tại TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai đề nghị hỗ trợ cung cấp thông tin của công dân của Đắk Lắk đang làm việc, sinh sống tại các địa phương này và vẫn đang chờ phản hồi.

Hiện các địa phương vùng dịch đang thực hiện theo Chỉ thị 16, muốn đưa người dân về phải có sự đồng ý của địa phương các tỉnh bạn thì mới tiến hành được”, lãnh đạo Phòng Lao động, Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp cho hay.

Đối với thông tin danh sách của các công dân, sau khi cập nhật sẽ lên phương án hỗ trợ đưa công dân về địa phương. Thời điểm có văn bản đề nghị của các tỉnh bạn thì UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ có văn bản kèm theo danh sách đăng ký này.

“Việc người dân đăng ký danh sách cho người thân giúp quá trình tổng hợp nhanh chóng, không bị thụ động. Bên cạnh đó, có nhiều trường hợp đột xuất như: người dân đi khám, chữa bệnh, thăm thân nhân… có thể địa phương vùng dịch không quản lý hết”, vị lãnh đạo thông tin thêm.

Thời gian đăng ký đến hết 17h ngày 22/7.

Thúy Diễm

Công Bính

Theo Dân trí