Hiện nay, nhiều dự án bất động sản tại Sài Gòn, Đồng Nai đang dần bị các doanh nghiệp Trung Quốc có tiềm lực tài chính hùng hậu tìm mọi cách thâu tóm.
Nhà đầu tư bất động sản đến từ Hồng Kông (Trung Quốc) Alpha King liên tục thâu tóm các khu đất vàng tại trung tâm TP.HCM như Sabeco Pearl 2-4-6 Hai Bà Trưng, 289 Trần Hưng Đạo, 87 Cống Quỳnh…
Giới thạo tin cho biết Alpha King hiện đang có kế hoạch thực hiện 11 dự án cao ốc tại khu trung tâm với tham vọng thay đổi “skyline” của thành phố.
Công Cổ phần Phát triển Bất động sản Alpha King Việt Nam có văn phòng ở tòa cao ốc văn phòng Vạn Thịnh Phát tại số 8, Nguyễn Huệ, quận 1 TP HCM do ông Chan Ming Simon là người đại diện pháp luật.
Tổng giám đốc là ông Cheung Clarence Leonard. Các cổ đông chính là: Alpha King Investment Limited (trụ sở tại Hồng Kông) giữ 93,3%, 2 cá nhân là Li Yibin và Chiu Keung Kenneth nắm giữ mỗi người 3,3%.
Ông Chan Ming Simon đồng thời là người điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư Golden Hill (Golden Hill Invest). Tháng 4/2017, công ty này đã sáp nhập với Công ty TNHH đầu tư xây dựng Ngân Bình, sau đó tăng vốn điều lệ lên 2.798 tỷ đồng.
Sau khi sáp nhập với Ngân Bình, Công ty Golden Hill Invest cũng đồng thời kế thừa quyền đầu tư dự án Cao ốc phức hợp Ngân Bình (Golden Hill) tại số 87 Cống Quỳnh phường Nguyễn Cư Trinh quận 1 có diện tích đất rộng 8.320 m2.
Dự án cao ốc Ngân Bình đã được UBND TP HCM cấp phép năm 2008 nhưng do chủ đầu tư cũ gặp khó khăn về tài chính nên tạm ngưng đến nay. Quy mô xây dựng gồm 2 khối tháp cao 35 tầng và 4 tầng hầm.
Theo một báo cáo của Văn phòng UBND TP HCM, năm 2012 dự án có quy mô dân số từ 1.747 người, tương ứng số căn hộ 499 căn.
Tuy nhiên, chủ đầu tư đã đề xuất thay đổi thiết kế với quy mô dân số 2.200 người, tương ứng số căn hộ 1.000 căn. Hiện trạng dự án đang được thi công với nhà thầu Bauer.
Ngoài dự án cao ốc Ngân Bình, Alpha King đã thâu tóm xong dự án tại số 289 đường Trần Hưng Đạo và 74 đường Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, Quận 1.
Khu đất này trước đây do công ty Đức Khải làm chủ đầu tư với tên gọi Momentum Tower và hiện đã đổi tên là Alpha Town.
Dự án khuôn viên rộng 4.261,7 m2, mật độ xây dựng khối đế 69,86% và khối tháp 41,96%, hệ số sử dụng đất được phê duyệt là 12,94 lần (5,64 lần cho căn hộ và 7,31 lần cho thương mại văn phòng dịch vụ).
Mới đây, UBND TP HCM đồng ý cho chủ đầu tư loại bỏ chức năng căn hộ ở để xây dựng công trình với chức năng thương mại – dịch vụ – văn phòng; tăng hệ số sử dụng đất là 3 và giữ nguyên các tầng hầm với chức năng để xe; không điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất chức năng thương mại – dịch vụ – văn phòng, để đảm bảo chiều cao công trình hài hòa với không gian kiến trúc cảnh quan tại khu vực.
Giới thạo tin cho biết Alpha King hiện đang có kế hoạch thực hiện 11 dự án cao ốc tại trung tâm TP HCM với tham vọng thay đổi “skyline” của thành phố. Bao gồm các dự án như: SJC Tower, Saigon One Tower…
Tháng 5/2017, một Tập đoàn kiến trúc của Singapore cho biết đang thực hiện dự án hoàn thiện công trình tòa cao ốc có vị trí chiến lược ở giao lộ đường Hàm Nghi và Võ Văn Kiệt của chủ đầu tư là CTCP phát triển Bất động sản Alpha King.
Dự án này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018. Với vị trí nằm ở trái tim của quận 1 TP HCM, đây sẽ là tòa cao ốc văn phòng hạng A, chung cư cao cấp và trung tâm thương mại. Điểm nhấn là quán bar ngoài trời cao nhất Việt Nam…
Qua kiểm chứng một số nguồn tin riêng cho thấy nhiều khả năng đây chính là dự án Saigon One Tower – tòa cao ốc đã nhiều năm nằm phủ bụi và im lìm cạnh tòa nhà Bitexco.
Tuy nhiên, sau đó Saigon One Tower đã được VAMC thu giữ và sắp được đấu giá mới mức khởi điểm hơn 6.000 tỷ đồng.
Một dự án đất vàng khác cũng được đồn đoán về tay Alpha King là dự án khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1) trước đây có tên là Sài Gòn Mê Linh Tower.
Dự án được duyệt xây tháp đôi 48 tầng và 36 tầng, 3 tầng hầm với tổng mức đầu tư 2.423 tỷ đồng, trên khu đất rộng khoảng 6.000m2.
Năm 2017, Tập đoàn China Fortune Land Development (CFLD) đã chi hàng chục triệu USD mua lại toàn bộ cổ phần trong dự án Đại Phước Lotus từ hai quỹ đầu tư VinaLand Limited và VinaCapital Việt Nam Opportunity Fund Limited – VOF (thuộc VinaCapital).
Số tiền mà hai quỹ trên thu về trong thương vụ chuyển nhượng này lần lượt là 48,8 triệu USD (khoảng 1.100 tỷ đồng) và 16,5 triệu USD (370 tỷ đồng).
Dự án Đại Phước Lotus có vị trí tương đối thuận lợi khi nằm trên cù lao Ông Cồn tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), tiếp giáp với quận 2 và quận 9 của TP.HCM.
Dự án được VinaLand Limited và Vina Capital mua lại từ năm 2007, hiện tại, dự án đang trong giai đoạn đầu xây dựng và kinh doanh. Ngay sau khi chuyển nhượng, dự án Đại Phước Lotus đã được đổi tên thành Swan Bay.
Đại Phước Lotus không phải là dự án đầu tiên đánh dấu sự kiện diện của China Fortune Land Development tại Việt Nam.
Trước đó vào tháng 9/2016, Tập đoàn này cũng thể hiện tham vọng của mình tại thị trường Việt Nam khi thông qua CFLD Vietnam hợp tác với Tập đoàn Tín Nghĩa để phát triển khu đô thị Đông Sài Gòn và khu công nghiệp Ông Kèo tại Đồng Nai.
Cả hai dự án này đều có vị trí liền kề với Dự án sân bay quốc tế Long Thành đang được nghiên cứu triển khai.
Được biết, China Fortune Land Development là tập đoàn chuyên phát triển những thành phố công nghiệp tại Trung Quốc.
Tính đến tháng 6/2016, China Fortune Land Development có trên 1.100 đối tác chiến lược trong lĩnh vực thành phố công nghiệp, với khoản đầu tư vốn khoảng 4,1 tỷ USD.
Doanh nghiệp đã hiện diện trên hơn 50 vùng miền trên thế giới trong đó có Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam, Mỹ.
Hoàng Thơ (t/h)/Theo Tạp chí Kinh tế Tập đoàn