Sau một năm thăng hoa, hiện số người sở hữu lượng cổ phiếu trị giá trên 1.000 tỷ đã vượt quá con số 50.
Thị trường chứng khoán năm 2017 đã khép lại với nhiều dấu ấn quan trọng. Năm 2017 không chỉ là năm thị trường chứng khoán bùng nổ mà còn là năm hàng loạt doanh nghiệp tỷ đô đã lên sàn niêm yết, kéo theo rất nhiều gương mặt mới vào top những người giàu có nhất trên thị trường chứng khoán.
Theo dữ liệu của CafeF, trên thị trường chứng khoán có đến 51 người sở hữu khối tài sản hơn 1.000 tỷ đồng. Đây đều là những ông, bà chủ của những tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam. Bên cạnh những cái tên mà thị trường chứng khoán đã quen tên nhiều năm như tỷ phú Phạm Nhật Vượng, tỷ phú Trịnh Văn Quyết, tỷ phú Trần Đình Long, tỷ phú Phạm Thu Hương…thì còn nhiều gương mặt mới nổi là lãnh đạo cấp cao, cổ đông lớn…của những doanh nghiệp mới lên sàn năm 2017 này.
Sở hữu khối tài sản lên đến hơn 26.200 tỷ đồng trên sàn chứng khoán nhưng bà Thảo lại được nhiều người biết đến với câu nói: “Một ngày của tôi bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc lúc 2h đêm. Có lúc phải đưa cả 2 con đi công tác cùng”
Đầu tiên phải kể đến Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Đưa cổ phiếu VJC của Hãng hàng không VietJet lên sàn niêm yết vào tháng 2 năm 2017, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã ghi danh vào top 3 những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt với tài sản lên đến hơn 26.200 tỷ đồng. Bà Thảo hiện sở hữu hơn 10,3 triệu cổ phiếu HDBank và hơn 39,5 triệu cổ phiếu VJC. Cổ phiếu VJC của VietJet đã tăng bền bỉ từ mức 80.000 đồng (tính theo giá điều chỉnh) đầu năm lên ngưỡng 143.000 đồng hiện tại tương đương mức tăng gần 80%.
Vị CEO của Vietjet cũng đã lọt top 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Theo bảng xếp hạng những người giàu nhất hành tinh của Forbes, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cũng là một trong 2 đại diện của Việt Nam được ghi danh.
VietJet được đánh giá là một hiện tượng nổi bật trong ngành hàng không Việt Nam và khu vực. Là người đứng sau cuộc chiến giành ngôi vương trong ngành hàng không Việt nhưng tỷ phú Thảo lại được nhiều người biết đến với đoạn chia sẻ: “Một ngày của tôi bắt đầu từ 5h sáng và kết thúc lúc 2h đêm. Có lúc phải đưa cả 2 con đi công tác cùng”.
Năm 2017 là năm nhà đầu tư chứng kiến thị trường chứng khoán thăng hoa hơn bao giờ hết và tất nhiên, các công ty chứng khoán là những công ty đầu tiên được hưởng lợi. Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhiều năm ròng “ẩn danh” đã quyết định lên sàn niêm yết, nhập cuộc vui với thị trường chứng khoán với mã cổ phiếu VCI. Tổng giám đốc Tô Hải của VCSC vì thế cũng lọt top doanh nhân sở hữu nghìn tỷ giá trị cổ phiếu niêm yết.
Lên sàn vào tháng 8 năm 2017, cổ phiếu VPB của VPBank tạo được dấu ấn đặc biệt trong mắt nhà đầu tư. Nếu như VietJet nổi tiếng với cụm từ “Hãng hàng không Bikini” thì VPBank cũng tạo được cảm giác năng động, trẻ trung khi là ngân hàng tiên phong trong mảng tài chính tiêu dùng, cho vay tiêu dùng tín chấp. Fe Credit là công ty con 100% vốn của VPBank và mạng lưới kinh doanh của công ty này đã phủ hơn 9.000 điểm bán hàng với hơn 5.500 đối tác ở khắp 63 tỉnh thành cả nước. Tổng dư nợ cho vay của Fe Credit tính tại thời điểm cuối năm 2016 là 1,41 tỷ USD.
Ngân hàng “trẻ” VPBank lên sàn niêm yết đã kéo theo hàng loạt gương mặt đa phần là lãnh đạo ngân hàng này vào top những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt. Chủ tịch của chính ngân hàng là ông Ngô Chí Dũng đã có mặt trong danh sách những CEO giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam với vị trí thuộc top 20. Ông Dũng sở hữu hơn 70,2 triệu cổ phiếu VPB với giá trị thị trường gần 2.800 tỷ đồng. Mẹ (bà Vũ Thị Quyên) và vợ (bà Hoàng Anh Minh) của ông Ngô Chí Dũng cũng là cổ đông lớn của VPBank với sở hữu tổng cộng hơn 130 triệu cổ phiếu tương đương giá trị ~5.350 tỷ đồng. Cả mẹ và vợ ông Dũng đều thuộc top 20 người giàu nhất thị trường chứng khoán.
Ngoài ông Dũng, VPBank còn đóng góp thêm một gương mặt mới trong top 20 lãnh đạo doanh nghiệp giàu nhất là ông Bùi Hải Quân, phó chủ tịch HĐQT với tài sản gần 36 triệu cổ phiếu VPB tương đương 1.424 tỷ đồng. Vợ của ông Quân là bà Kim Ngọc Cẩm Ly cũng đang sở hữu hơn 66,3 triệu cổ phiếu VPB tương ứng giá trị 2.640 tỷ đồng.
6 cá nhân khác là người thân của bà Đào Thị Kim Phụng gồm: bà Trần Ngọc Lan, ông Lê Việt Anh, bà Nguyễn Phương Hoa, ông Nguyễn Như Pho, bà Trần Thị Như Hạnh, ông Lê Thanh Liêm đều là những người giàu hơn nghìn tỷ trên thị trường chứng khoán khi là cổ đông lớn của VPBank. Tổng cộng người thân của bà Phụng nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá ~12.000 tỷ đồng.
VPBank còn có Bà Nguyễn Thu Thủy là vợ của ông Lô Bằng Giang (phó chủ tịch VPBank) cũng nắm giữ lượng cổ phiếu trị giá hơn 1.850 tỷ đồng.
Những tháng cuối cùng của năm 2017, Văn Phú Invest (mã chứng khoán VPI) lên sàn niêm yết. Ông Tô Như Toàn là Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc công ty đã lọt top những người sở hữu trên 1.000 tỷ đồng giá trị cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Ông Toàn hiện sở hữu 40 triệu cổ phiếu VPI tương đương giá trị 1.440 tỷ đồng.
Văn Phú Invest là một trong những công ty bất động sản lớn khu vực miền Bắc. Dự án đầu tay và là dự án ghi danh Văn Phú Invest vào danh mục những công ty lớn bất động sản là Khu đô thị mới Văn Phú-Hà Đông hồi năm 2006 với quy mô dân số khoảng 20.000 người.
Khi mới lên sàn niêm yết, cổ phiếu VPI gây tiếng vang khi có giao dịch mua hơn 8,7 triệu cổ phiếu tương đương hơn 280 tỷ đồng của khối ngoại.
Theo Phương Chi
Cafef/Trí thức trẻ