Những ‘kỵ binh’ trong làng ngân hàng Việt

Rất nhanh và mãnh liệt như những kỵ binh, một số ngân hàng trước đây thuộc top dưới nay đã vượt lên top giữa trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, xét theo cả khía cạnh quy mô tài sản lẫn quy mô lợi nhuận, trong đó, mức tăng về quy mô lợi nhuận của những “kỵ binh” này là cực kỳ ấn tượng.

Giai đoạn 2017 – 2019, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân của VIB lên đến 81,4%/năm, lợi nhuận theo đó đã chính thức vượt mốc 4.000 tỷ đồng chốt năm 2019. Trong khi đó,lợi nhuận của TPBank cùng giai đoạn ghi nhận mức tăng lên đến 76,4%/năm, đã vượt mốc 3.800 tỷ đồng. Mức tăng lợi nhuận của OCB thậm chí lên đến 91,1%/năm trong 3 năm qua, lợi nhuận theo đó vượt mốc 3.200 tỷ đồng.

Để dễ hình dung về quy mô lợi nhuận trên, có thể đối chiếu sang mức lợi nhuận của các ngân hàng cỡ khá lớn như SHB (lợi nhuận trước thuế chưa đến 3.100 tỷ đồng) hay Sacombank (trên 3.200 tỷ đồng nhưng vẫn kém OCB). Nếu đối chiếu sang bảng lợi nhuận ngân hàng, 3 ngân hàng này đều thuộc về nửa trên.

Công thức thành công của 3 “kỵ binh” này có phần giống nhau khá rõ rệt.

Ở mảng tín dụng – mảng sinh lời chính của các ngân hàng, để đạt được mức sinh lời cao, cả VIB, TPBank và OCB đều chấp nhận tỷ trọng cho vay trung và dài hạn cao trong tổng dư nợ cho vay.

Cụ thể, tính đến hết ngày 31/12/2019, tỷ trọng cho vay trung và dài hạn của VIB lên đến 83,4%. Con số này ở TPBank và OCB lần lượt là 74,8% và 72,5%. Đây đều là những con số thuộc hàng cao nhất hệ thống ngân hàng.

Các khoản cho vay trung và dài hạn thường có lãi suất cao hơn cho vay ngắn hạn, do thời gian càng dài càng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc dồn lực cho vay trung và dài hạn có thể ví như là đẩy rủi ro về tương lai để đổi lấy lợi nhuận ở hiện tại.

Trong trường hợp kinh tế vĩ mô diễn biến tốt, lãi suất ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp…, rủi ro sẽ thấp. Tuy nhiên, nếu có bất ổn vĩ mô, lạm phát và lãi suất không còn giữ ổn định thì ngân hàng có tỷ trọng cho vay trung và dài hạn càng cao càng khó để xoay chiều chiến lược.

Đối với bộ ba ngân hàng này, việc dự báo tình hình kinh tế vĩ mô là cực kỳ quan trọng để “đi trước nhiều bước”, bởi “đi trước một bước” có thể là không kịp.

Bên cạnh lựa chọn mang tính ưu tiên lợi nhuận hơn rủi ro, việc “khởi nguồn” là ngân hàng nhỏ cũng giúp VIB, TPBank và OCB nhanh chóng gia tăng quy mô dư nợ tín dụng do được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn đa phần các ngân hàng khác. Thậm chí, trường hợp của VIB còn nhanh chóng hoàn thành các trụ cột Basel II để nhận được thêm hạn mức theo chính sách khuyến khích từ Ngân hàng Nhà nước.

Thống kê cho thấy giai đoạn 2017 – 2019, tăng trưởng dư nợ cho vay bình quân của VIB, TPBank và OCB lần lượt là 29,1%/năm, 27,2%/năm và 22,7%/năm.

Việc gia tăng cả về quy mô dư nợ tín dụng lẫn mức sinh lời của từng khoản cho vay là nguyên nhân quan trọng bậc nhất giúp các ngân hàng này bứt tốc mạnh mẽ về lợi nhuận trong những năm qua.

Tuy nhiên, không chỉ tín dụng, các hoạt động phi tín dụng của VIB, TPBank và OCB cũng đều ghi nhận tăng trưởng rất ấn tượng, qua đó giảm sự phụ thuộc của ngân hàng vào hoạt động tín dụng vốn tiềm ẩn rủi ro đáng lưu tâm như đã đề cập.

Trong bảng xếp hạng tỷ trọng lãi thuần phi tín dụng năm 2019 (không tính lãi thuần từ hoạt động khác) trong tổng thu nhập hoạt động, nếu loại trừ hai trường hợp đặc biệt là SCB và Sacombank (nguồn thu tín dụng bị “bóp lại” do còn nhiều khó khăn trong giai đoạn tái cơ cấu), OCB chính là ngân hàng đứng đầu về tỷ trọng lãi thuần phi tín dụng.

Đây là một chỉ báo quan trọng cho thấy OCB đang đứng hàng đầu trong hệ thống ngân hàng về mức độ đa dạng nguồn thu.

Hai trường hợp TPBank và VIB đều trong top 10 bảng xếp hạng trên, cũng nghĩa là mức độ đa dạng nguồn thu cao hơn phần lớn các ngân hàng khác.

Được biết, năm 2019, tỷ trọng lãi thuần phi tín dụng trong tổng thu nhập hoạt động của OCB là 26,8%, trong khi ở TPBank và VIB lần lượt là 23,6% và 20,7%.

Mặc dù là những điển hình thành công trong làng ngân hàng Việt ở một thời kỳ mà diễn biến kinh tế vĩ mô thuận lợi nhưng như kỵ binh không thể cứ mãi chạy nhanh, các ngân hàng này sau một thời gian khá dài gia tăng nhanh chóng về quy mô có lẽ cũng đã cần chậm dần lại để tái cân bằng, hướng đến sự phát triển bền vững hơn nữa trong dài hạn. Một lần nữa, đây lại là một lựa chọn, giữa một bên là lợi nhuận và một bên là rủi ro.

Minh Tâm

Theo vietnamfinance