Ông Trần Bá Dương: Giá xe hơi sau năm 2018 còn đi lên

Ông Trần Bá Dương cho rằng, ôtô thương hiệu Việt là khát vọng nhưng chỉ nên làm khi doanh nghiệp tham gia được vào chuỗi giá trị. Ảnh: Hoài Thu

Chủ tịch Thaco cho rằng giá xe hơi các năm tới sẽ trong xu hướng đi lên chứ khó giảm như kỳ vọng.

Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco) nhận định như vậy về thị trường xe năm 2018 trước biến động loạt thuế nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN sẽ về 0% theo cam kết Hiệp định thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) từ 1/1/2018.

– Từ 1/1/2018, thuế suất nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN chính thức về 0% theo cam kết với Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) và nhiều người cho rằng giá xe sẽ giảm sâu. Còn quan điểm của ông thế nào?

– Cấu trúc giá thành ôtô gồm giá sản xuất, chi phí quản lý từ khâu phân phối đến bán lẻ, đặc biệt là thuế, phí. Năm 2018 là cột mốc thuế nhập khẩu xe khu vực ASEAN về bằng 0%, đồng thời xe có dung tích xi lanh từ 2.0 trở xuống thuế suất tiêu thụ đặc biệt giảm 5%. Do công thức tính giá xe ở Việt Nam theo kiểu “thuế chồng thuế”, nên khi các loại thuế này giảm lần lượt về 0% và 5%, giá thành xe hơi giảm đáng kể.

Những gì xảy ra với thị trường ôtô năm 2017 là do năm 2016 quá khởi sắc khiến tất cả doanh nghiệp lập kế hoạch đều đưa ra mức tăng trưởng 5-10%. Nhưng thực tế thị trường lại không tăng, quay ngược đầu giảm, một phần do tâm lý khách hàng chờ xe xuống giá sau thời điểm 1/1/2018, phần nữa do nền kinh tế và khả năng mua sắm của người dân giảm sút.

Ngoài ra, khi nhập hàng trong năm 2017, các doanh nghiệp phải chịu thuế suất nhập khẩu 30% và sang năm 2018 thuế này về 0%. Vì thế dễ nhận thấy vừa qua các hãng đua nhau giảm giá bán để đẩy hàng, kích cầu mua sắm. Điển hình các doanh nghiệp như Toyota, Hyundai Thành Công hay Thaco đều đưa ra bảng giá xe năm 2018 nhưng áp dụng từ tháng 12/2017.

Sang năm nếu các hãng không nhập nhiều xe thì không có cớ gì họ bán thấp hơn giá thành. Tôi nghĩ giá ôtô năm 2018 sẽ là giá cuối cùng và sẽ đi lên chứ không thể giảm hơn nữa.

– Trong năm 2017, tỉnh Quảng Nam đã 2 lần gửi báo cáo tới cấp có thẩm quyền về việc giảm thu ngân sách, nguyên nhân chỉ ra là đóng góp của doanh nghiệp ôtô trên địa bàn giảm. Thực tế này theo ông có tiếp diễn trong năm tới?

– Những năm trước đây Trường Hải đóng góp 60-70% thu ngân sách của tỉnh Quảng Nam, như năm 2016 chúng tôi nộp ngân sách 14.300 tỷ đồng. Năm nay thị trường ôtô giảm sút trong đó xe con giảm 15%, xe tải giảm hơn 20%… nên đóng góp ngân sách của công ty giảm khoảng 1.700 tỷ đồng. Nhưng năm nay tỉnh cũng có nguồn thu khác, nên dù Trường Hải giảm nộp ngân sách nhưng số thu của Quảng Nam không giảm.

Năm 2018 với thuế nhập khẩu linh kiện về 0%, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm về 5%, về mặt cơ học tiền nộp ngân sách của Trường Hải sẽ giảm. Tuy vậy, sơ bộ tính toán thì mức này sẽ thấp hơn năm 2017.

– Hiện nhiều hãng xe cho biết không có hàng nhập về bán cho năm sau do vướng quy định mới tại Nghị định 116 về phát triển công nghiệp ôtô có hiệu lực từ đầu năm 2018. Theo ông khó khăn này đến từ đâu?

– Tất cả các cuộc họp, góp ý và bàn về Nghị định 116 đều có sự tham gia của các thành viên Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), trong đó có Trường Hải. Bản thảo cuối cùng cũng đều được gửi cho các thành viên, doanh nghiệp ôtô góp ý. Vì thế những quy định tại Nghị định này không làm mọi người cảm thấy bất ngờ.

Việc không nhập thêm hàng trước thời điểm 2018 khi thuế nhập khẩu chưa về 0% không chỉ của riêng ai mà kể cả Thaco. Chúng tôi không cớ gì đi nhập một xe phải đóng thuế nhập 30%, rồi đến 2018 phải bán cạnh tranh với xe thuế bằng 0%. Đấy là điều tất yếu.

Hiện nay, bên cạnh các liên doanh có xe lắp ráp để bán thì các hãng cũng chào mời xe, nhận đặt hàng và giao xe sau ngày 1/1/2018. Tuy nhiên, sự hưởng ứng của khách hàng, trong đó có cả Thaco không nhiều.

– Những chính sách phát triển công nghiệp ôtô được đưa ra gần đây khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước. Vậy ông nghĩ sao về việc xây dựng thương hiệu ôtô Việt, giấc mơ mà bao lâu này vẫn chưa thành hiện thực?

– Hiện nay thị trường thế giới mới chấp nhận xe sản xuất của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu… chia theo phân khúc hạng xe phổ thông, trung cấp, cao cấp, hay xe siêu sang. Ngay quốc gia láng giềng Trung Quốc sản xuất được xe con, nhưng mới chỉ tiêu thụ được ở thị trường trong nước, chứ chưa ra được thế giới.

Khi Việt Nam mơ ước có sản phẩm thương hiệu quốc gia, không chỉ riêng ôtô, chinh phục được khách hàng trong và ngoài nước thì đó là sự tự hào, hãnh diện và đáng trân trọng. Sản phẩm ôtô, đặc biệt xe con, là sản phẩm công nghệ tích hợp của kinh nghiệm trong chuỗi giá trị nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chi tiết, vận hành… và công nghệ. Điều này đòi hỏi phải có thời gian và sự tích luỹ.

Ở chiều ngược lại chúng ta phải hiểu và chấp nhận thực tế “thị trường, chinh phục được khách hàng mới là điều kiệu tiên quyết quyết định”. Đơn cử, Trường Hải đầu tư mở rộng nhà máy với trang bị dây chuyền máy móc hiện đại, nhưng nếu sản phẩm sản xuất ra không được khách hàng mua thì nó chỉ là nhà máy chết.

Trong xu thế hội nhập, quan điểm của tôi vẫn chọn phương án tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Hãy sản xuất những chi tiết, phụ tùng mà mình có lợi thế để đảm bảo chất lượng, giảm giá thành ôtô trong chuỗi giá trị đó. Trong một thương hiệu nước ngoài mà chúng ta làm được bao nhiêu phần trăm trong đó, đồng nghĩa mình đã có giá trị.

Đến một mức nào đó, đạt đến độ chín muồi, làm chủ được công nghệ, tự tin làm được thương hiệu một cách dài hơi, không vay mượn thì chúng ta có quyền sử dụng thương hiệu Việt để đáp ứng sự mong mỏi, mơ ước của người dân Việt Nam. Không nên chạy theo thương hiệu Việt Nam khi chúng ta không thực sự làm chủ, không có giá trị.

Theo Nguyễn Hoài

VnExpress