Parkson đóng cửa trung tâm thương mại thứ 4 tại Việt Nam

Sau 8 năm mở cửa hoạt động, Parkson Flemington ở TP.HCM vừa chính thức đóng cửa, nâng số trung tâm đã không còn hoạt động tại Việt Nam lên con số 4.

Theo thông báo của Công ty TNHH Thùy Dương – chủ quản lý trung tâm thương mại Parkson, Parkson Flemington Lê Đại Hành, ở quận 11, TP.HCM, ngưng hoạt động kinh doanh từ cuối tháng 1-2018.

Đại diện ban quản lý Parkson Flemington cũng thông báo đến các đối tác kinh doanh về kế hoạch đóng cửa và được chấp nhận.

Đơn vị này cũng thông tin hoạt động kinh doanh của các trung tâm thương mại khác thuộc hệ thống Parkson tại Việt Nam vẫn diễn ra bình thường.

Theo Parkson, các quyền lợi của chủ thẻ khách hàng thành viên sẽ vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng trên toàn bộ hệ thống Parkson.

Hiện nay tại Việt Nam, Parkson còn duy trì 4 trung tâm thương mại và các trung tâm này đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ với những trung tâm đa chức năng ra đời sau này.

Như vậy, tính đến nay Parkson đã đóng cửa 4 trung tâm thương mại ở Việt Nam gồm Parkson Keangnam hồi tháng 1-2015, Parkson Paragon tháng 5-2016, Parkson Viet Tower tháng 12-2016 và Parkson Lê Đại Hành nói trên.

Trước khi thu hẹp mạng lưới bán lẻ của mình, Parkson từng có những năm tháng cực kỳ thành công ở Việt Nam trong giai đoạn 2005 đến 2010.

Tuy nhiên, từ năm 2011 trở đi, mô hình kinh doanh này bắt đầu bộc lộ một vài nhược điểm khi xuất hiện các trung tâm thương mại kiểu mới đa chức năng.

Theo giới quan sát, các trung tâm thương mại của Parkson được cho là thiếu tính giải trí, ẩm thực kém phong phú, không chào đón đối tượng khách “dạo xem hàng hóa, chụp hình check-in”… dẫn đến lượng khách đến trung tâm giảm dần.

Ngoài ra, xu hướng thương mại điện tử thắng thế, người tiêu dùng dễ dàng mua được những món hàng hiệu từ các trang thương mại điện tử ở nước ngoài cũng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hàng hiệu trung cấp ở Parkson.

Theo số liệu được Parkson Retail Asia công bố, tổng doanh thu năm 2017 của nhà bán lẻ Malaysia ở Việt Nam đạt gần 500 tỉ đồng, tuy nhiên tổng số lỗ lũy kế đã lên đến hơn 60 tỉ đồng.

Chỉ tính riêng trong quý 4-2017, Parkson đã lỗ hơn 10 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm 2016 nhà bán lẻ này lỗ đến 25 tỉ đồng.

N.Bình

Tuổi trẻ