Phát minh công nghệ dùng laser để điều khiển hướng tia sét

Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng các con trỏ laser nhỏ, di động có thể được dùng để định hướng các tia sét, qua đó có thể ngăn các tia lửa phát ra cháy rừng, theo AFP.

Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã phát hiện ra rằng các đám mây bão có thể bị “đoản mạch” nếu dùng tia laser rỗng – giống như một ống ánh sáng – để đưa các hạt vào đám mây và tạo ra các tia sét, Giáo sư Andrey Miroshnichenko thuộc trường Đại học New South Wales (Úc), đồng tác giả nghiên cứu kể trên, nói với AFP.

Trong các cuộc thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu – bao gồm các nhà khoa học đến từ Đại học Quốc gia Úc (ANU) – đã sử dụng thành công chùm tia laser để định hướng di chuyển của một luồng điện phóng tới các mục tiêu cụ thể, Giáo sư Miroshnichenko cho hay.

Trước đây, cần phải sử dụng tia laser công suất cao để đạt được kết quả tương tự, khiến kỹ thuật này trở nên nguy hiểm, tốn kém và không chính xác.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy các tia laser phóng ra từ các con trỏ cầm tay nhỏ có thể được sử dụng trong lĩnh vực kể trên trong vòng một thập kỷ tới, theo Giáo sư Miroshnichenko.

“Hóa ra để phát tán các hạt, bạn không cần đến các tia laser cường độ cao, thậm chí cường độ thấp như con trỏ laser của bạn cũng đã đủ rồi” Miroshnichenko nói.

Sử dụng chùm tia laser có tâm rỗng, các hạt vi mô trong không khí sẽ bị đốt nóng và được chuyển đến một điểm cụ thể, rồi kích hoạt phóng điện.

Mặc dù vẫn chưa được thử nghiệm bên ngoài phòng thí nghiệm, nhưng kỹ thuật này có thể được sử dụng để kiểm soát các vụ sét đánh, nổi tiếng là tác nhân gây ra các đám cháy lớn bao gồm một số vụ cháy rừng lớn ở Úc và miền Tây Hoa Kỳ trong năm qua, ông Miroshnichenko nói thêm.

Nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Nature Communications vào tháng trước, cũng có sự tham gia của đại diện từ Đại học Texas A&M ở Qatar và Đại học California ở Los Angeles.

Minh Đức

Theo AFP