Phen này quyết định buôn… két sắt!

Giả như Việt Nam ta mà cũng áp dụng lãi suất 0% người dân lao động nghèo lại đổ xô đi mua két sắt cho an tâm. Giá két sắt khi đó lại “sốt” cao không chừng!

Hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm – đề xuất này vừa được Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ban Kinh tế Trung ương trong ngày 22/6.

Chưa rõ các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiếp nhận và phản hồi ý kiến của VAFI như thế nào, tuy nhiên, đề xuất này cũng đã khiến không ít người dân phải “giật nẩy mình”.

Bởi dù lãi suất tiết kiệm so với thời gian trước đã giảm mạnh thì đây vẫn là kênh “giữ tiền” và “sinh lợi nhuận” phổ biến nhất với người Việt. Chính sách lãi suất chắc chắn ảnh hưởng tới quyền lợi của hàng triệu con người.

Một người bà con đã lớn tuổi sau khi đọc thông tin trên báo chí vội vàng gọi điện cho tôi, hỏi với giọng hoài nghi: “Có chuyện gửi lãi suất ngân hàng 0% thật sao? 0% thì còn ai gửi nữa?”.

Trước hết phải khẳng định rằng, trên thế giới không phải không có chuyện lãi suất tiết kiệm 0% hay lãi suất âm. Ví như Nhật Bản, nhiều năm nước này theo đuổi chính sách lãi suất âm. Tuy nhiên, lãi suất âm ở Nhật là nhằm chống lại tình trạng giảm phát (lạm phát âm).

Còn Việt Nam chúng ta, áp lực lạm phát vẫn rất lớn và các cơ quan chức năng đang phải nỗ lực để đảm bảo kiểm soát ở mức 4%. Nhiệm vụ này trở nên thách thức hơn trong bối cảnh giá hàng hóa trên thế giới, từ dầu mỏ cho đến sắt thép, cao su đều tăng phi mã. Nên nói đưa lãi suất về 0 – khẳng định luôn là không tưởng!

Đặt bài toán đơn giản: Với khoản tiền 100 triệu đồng, lạm phát 4%/năm và lãi suất khoảng 4,8%/năm thì mỗi năm người gửi chỉ thu về được lãi suất thực dương là 800 nghìn đồng. Tuy nhiên, nếu lãi suất 0% và lạm phát duy trì mức trên thì sau 25 năm người dân mất trắng tiền (?).

Đương nhiên, đây chỉ là giả thiết, chứ với lạm phát vẫn 4% thì riêng việc đưa lãi suất tiền gửi về 4% đã gần như triệt tiêu động cơ gửi tiết kiệm của người dân rồi, nói gì đến giảm lãi suất thấp hơn trong khi áp lực lạm phát vẫn lớn.

Người viết đồng ý với VAFI rằng, trong khi nền kinh tế khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp và những người dân thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng đáng kể do thiếu vốn, do đó, nên hướng dòng tiền đến những kênh có lợi, giảm chi phí xã hội như chứng khoán, trái phiếu thay vì bất động sản. Đó là cách tư duy đáng trân trọng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có kiến thức để đầu tư chứng khoán và trái phiếu (chưa kể các thị trường này ở ta vẫn chưa thật sự minh bạch, tiềm ẩn rủi ro lớn).

Khi kênh tiết kiệm trở nên bớt hấp dẫn với dòng tiền nhàn rỗi, một bộ phận người dân với hiểu biết hạn chế, đã “mắc cạn” tại những lĩnh vực chưa được luật pháp công nhận là tiền ảo, forex, đa cấp “ponzi” (mang tính chất lừa đảo).

Rốt cuộc, người nghèo không những không được bảo vệ mà còn tiền mất tật mang, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội.

Doanh nghiệp cũng chưa hẳn hưởng lợi khi lãi suất tiền gửi quá thấp. Bởi ngân hàng không thu hút được tiền gửi thì họ lấy đâu tín dụng cho vay?

Còn nhớ, năm 2011, sau thảm họa kép động đất và sóng thần gây thiệt hại nặng nề ở Nhật Bản, người ta tìm được một lượng rất lớn két sắt tích trữ tiền mặt và tài sản của người dân và các công ty bị sóng dữ đánh dạt vào bờ cũng như dưới các đống đổ nát. Đây được cho là hệ quả của chính sách lãi suất âm ở quốc gia này.

Giả như Việt Nam ta mà cũng áp dụng lãi suất 0% hay lãi suất âm, chưa tưởng tượng được các ngân hàng tồn tại thế nào, nhân viên ngân hàng sống ra sao, chứ dễ mà công nhân viên chức với đồng lương “ba cọc ba đồng”, cán bộ hưu trí rồi người dân lao động nghèo lại đổ xô đi mua két sắt cho an tâm. Giá két sắt khi đó lại “sốt” cao không chừng!

Nên mạn phép mượn ý thơ cụ Tú Xương: “Phen này ông quyết buôn két sắt/Lãi suất về 0, khéo đắt hàng”.

Bích Diệp

Theo Dân trí