Phó Thủ tướng khẳng định tới giờ phút này, Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam trân trọng cảm ơn nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch cho dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế.

Sáng 6/4, phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo cho biết, tính tới hôm nay, chúng ta đã trải qua đúng 1 tháng kể từ giai đoạn II.

Kể từ ngày phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên (22/1), đến nay, chúng ta đã qua 2 tháng rưỡi. Ở thời điểm đó, Việt Nam là một trong số vài nước bị lây nhiễm.

Tới nay, khi dịch bệnh đã lan ra toàn thế giới thì nước ta có 241 người nhiễm bệnh, đứng thứ 96 trên thế giới về số ca nhiễm. Việt Nam là 1 trong 3 nước có trên 200 ca nhiễm bệnh mà chưa có người tử vong.

Có thể khẳng định tới giờ phút này, Việt Nam đã và đang kiểm soát được dịch bệnh” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cũng nhấn mạnh, có được điều đó vì chúng ta có sự lãnh đạo, chỉ đạo rất sâu sát, đúng đắn của Đảng, Nhà nước; sự vào cuộc rất đồng bộ, quyết liệt của các lực lượng chức năng.

Nhưng đặc biệt và trên hết là nhờ có sự tham gia của nhân dân ta với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch“, ông nói.

Trưởng Ban chỉ đạo đã gửi lời “trân trọng cảm ơn” nhân dân đã chung sức, đồng lòng chống dịch cho dù phải chịu không ít bất tiện, thậm chí thiệt thòi về lợi ích kinh tế. Hơn thế, rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, từ những cụ già tới các em nhỏ đã có muôn vàn hành động rất đẹp, hết sức ý nghĩa để tiếp thêm sức mạnh vật chất và tinh thần cho cuộc chiến chống dịch.

Phó Thủ tướng cho hay, dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Phía trước vẫn còn rất nhiều gian khó và tiềm ẩn không ít rủi ro. “Chúng ta quyết không được chủ quan, lơi lỏng. Nhưng nếu toàn dân đồng lòng, toàn dân chống dịch thì nhất định chúng ta sẽ chiến thắng – ông khẳng định.

Tới sáng 6/4, thế giới đã ghi nhận gần 1.273.000 ca mắc tại 208 quốc gia, vùng lãnh thổ với hơn 69.400 ca tử vong. Cùng thời gian này, Việt Nam đã ghi nhận 241 trường hợp mắc COVID-19 (150 người từ nước ngoài chiếm 62,2%; 91 người lây nhiễm thứ phát trong đó 61 người thuộc ổ dịch nội địa). 91 người khỏi bệnh, chưa có ca tử vong. 58 bệnh nhân COVID-19 đã âm tính từ 1 đến 2 lần.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, để làm tốt công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới, cần tổ chức triển khai thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp “đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát hiện từng đối tượng”.

Với biện pháp này, theo Thứ trưởng, trước hết, với các địa phương, phải tổ chức thành lập các tổ thực hiện nhiệm vụ này gồm các thành phần như Công an, Y tế, bí thư, trưởng thôn, khu phố, đại diện Mặt trận và các tổ chức chính trị của thôn, khu phố. Mỗi tổ phụ trách 40-50 hộ gia đình.

Nhiệm vụ của tổ này phát hiện các đối tượng đi từ vùng dịch về, hướng dẫn họ thực hiện nghiêm theo các khuyến cáo của Bộ Y tế về cách ly tại hộ gia đình, đồng thời theo dõi, quản lý chặt các đối tượng đã được đưa vào diện cách ly tại gia đình.

Hằng ngày theo dõi sức khoẻ 2 lần/ngày với các đối tượng đi từ vùng dịch về; những đối tượng tiếp xúc với người tiếp xúc gần khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở, tổ này phải báo ngay cho y tế cơ sở để khám sức khoẻ, lấy mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm.

Với các đối tượng cần theo dõi, phát hiện ngay tại cơ sở đó là đối tượng liên quan người nước ngoài. Họ gồm:

+ Người nước ngoài đi vào du lịch ở nước ta;

+ Các đối tượng làm trong cộng đồng người nước ngoài sống ở Việt Nam;

+ đối tượng người Việt Nam thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài.

Cùng đó, chúng ta phải nắm chắc các đối tượng đến các cơ sở y tế khám bệnh mà tại các cơ sở này đã phát hiện có trường hợp nhiễm COVID-19 (đã đến khám và điều trị tại đây). Theo dõi các đối tượng đã và đang lưu trú tại khách sạn, nhà nghỉ (gồm người nước ngoài, người từ vùng dịch về cũng cần được theo dõi, phát hiện)…

Một đối tượng cũng được Thứ tưởng Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, là người lang thang ngoài xã hội như người nghiện ma tuý, người mắc tệ nạn xã hội cũng cần được quan tâm, theo dõi vì họ là đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng.

Khẳng định quan điểm chỉ đạo của ngành Y tế Việt Nam là đảm bảo an toàn cho các cơ sở y tế khi tiếp nhận bệnh nhân COVID- 19 và người mắc các bệnh khác, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hôm nay Ban chỉ đạo Quốc gia đã có văn bản, trong đó khuyến cáo tăng cường nâng cấp cấp độ phòng chống dịch bệnh ngay tại cửa vào phòng khám, khoa Cấp cứu của các bệnh viện. “Tất cả những bệnh nhân vào đây đều phải coi như trong tình huống họ đã nhiễm COVID-19″ – Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế khuyến cáo, trước đây người dân cứ có bệnh là đến bệnh viện. Nay cần hạn chế, ngoại trừ các trường hợp cấp cứu, tái khám. Những trường hợp cần thiết phải đến bệnh viện thì nên thông qua hệ thống y tế cơ sở để được hướng dẫn. Nếu phải đi khám tại các bệnh viện tuyến trên thì nên đặt lịch hẹn để bệnh viện chuẩn bị các phương án bảo hộ, phòng chống dịch bệnh.

Võ Thu

Theo GiaDinh

  • Xem thêm:

Cọp ở Mỹ bị nhiễm COVID-19

Thủ tướng: Phải hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19

Các quốc gia, vùng lãnh thổ thành công kiểm soát dịch COVID-19