Phố vàng mã bán hàng mỏi tay ngày ông Công, ông Táo

Nhiều cửa hàng ở phố Hàng Mã – “thủ phủ” đồ cho người cõi âm tại Hà Nội cho biết thích nhất dịp này bởi khách hầu như ngại mặc cả.

Sau ngày 20 tháng Chạp, phố Hàng Mã bước vào dịp kinh doanh sôi động nhất trong năm. Cửa hàng của chị Oanh mới bày ra hơn chục bộ quần áo ông Công, ông Táo nhưng đã bán hết trong phút chốc.

Theo chị, bán chạy nhất là mũ áo, tiền vàng, cá chép… và điều chị thích nhất là dịp này, người mua ít khi mặc cả do tâm niệm đi mua đồ thờ cúng không nên trả giá. “Cửa hàng cũng có bán các mặt hàng mô phỏng điện thoại iPhone hoặc ôtô các loại nhưng trong dịp này rất hiếm người mua nên không bày ra nhiều”, chị Oanh nói.

Ngay bên cạnh, gian hàng của anh Sơn cũng có nhiều khách đến mua đồ. Để đảm bảo số lượng hàng hóa tiêu thụ trong dịp này, anh đã phải nhập hàng trước cả chục ngày. “Năm nay chất lượng và mẫu mã không thay đổi nhiều so với năm ngoái. Giá cả tùy thuộc vào kích cỡ và chất liệu giấy làm ra sản phẩm” – Anh Sơn nhận xét.

Theo các tiểu thương trên phố Hàng Mã, so với mọi năm giá không có nhiều thay đổi. Một bộ đồ cúng đầy đủ bao gồm: quần áo Táo quân (3 chiếc mũ, 3 bộ quần áo, 3 đôi giày, 3 cá chép giấy) và một mũ – áo – hia của Quan thần linh loại bình thường khoảng 80.000–100.000 đồng. Có những bộ to đẹp và cầu kỳ hơn được “hét” 200.000–300.000 đồng nhưng vẫn rất nhiều người mua.

Nếu mua lẻ, bộ đồ ông Công ông Táo cũng được bán 60.000–80.000 đồng, bộ Quan thần linh bán lẻ khoảng 50.000-120.000 đồng tùy kích cỡ; vàng mã 10.000 đồng một tệp gồm: tiền đô la âm phủ, tiền polymer âm phủ và tiền bạc âm phủ. Năm nay các cửa hàng không bán cá chép giấy…

Theo tín ngưỡng dân gian, Táo quân (còn được gọi là vua bếp hay ông Công, ông Táo) là các vị thần giúp trông coi cuộc sống gia đình. Vào ngày này, Táo quân sẽ cưỡi cá chép về trời, bẩm báo mọi việc dưới trần gian lên Ngọc Hoàng.

Nguyễn Nga

VnExpress