Tại sao không thể dẫn giải ông Trần Bắc Hà ra tòa?

Các bị cáo trong phiên xét xử 'đại án' Phạm Công Danh giai đoạn 2 chiều 10.1 ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Mặc dù được HĐXX gửi giấy triệu tập lần thứ 2 với tư cách tố tụng ‘người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan’ nhưng nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà vẫn chưa đến tòa theo quyết định triệu tập.

Hôm nay (11.1), TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” đối với bị cáo Phạm Công Danh (52 tuổi, quê Quảng Ngãi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng VN – VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (58 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank), Phan Huy Khang (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Sacombank) cùng 43 đồng phạm khác.

Và đến nay, mặc dù đã được HĐXX gửi giấy triệu tập lần thứ 2 (cuối ngày 8.1) với tư cách tố tụng “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” nhưng nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà vẫn chưa đến tòa theo quyết định triệu tập.

Trước đó, ông Hà có đơn xin xét xử vắng mặt vì đang điều trị bệnh (có kèm bệnh án – PV). Trong đơn này, ông Trần Bắc Hà cho biết sẽ giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn LS TP.HCM) cho biết tại Mục III, quy định chung về thủ tục tố tụng tại phiên toà nêu rõ “trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, HĐXX có thể triệu tập điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án” (Điều 296).

Ngoài ra, LS Chánh viện dẫn theo khoản 3 Điều 65 bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 thì “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” có nghĩa vụ: có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Trường hợp người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có mặt tại tòa theo giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng thì có bị dẫn giải hay không?

Trả lời vấn đề này, LS Chánh phân tích theo quy định tại Điều 127 BLTTHS 2015 về áp giải, dẫn giải thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án không thuộc các đối tượng này.

“Trường hợp áp giải, dẫn giải chỉ áp dụng đối với người làm chứng; người bị hại; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan”, LS Chánh cho hay.

Ở một góc nhìn khác, LS Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng việc ông Trần Bắc Hà không có mặt tại tòa là bất lợi cho ông Hà. Bởi, khi thẩm vấn công khai tại tòa, qua việc xét xử tại tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm thì HĐXX có quyền hạn ra quyết định khởi tố vụ án hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án, khi đó tư cách tố tụng của ông Trần Bắc Hà đã khác.

Theo Phan Thương

Thanh Niên