Thay vì bán nhà đầu tư chiến lược, ACV có thể bán đấu giá 20% vốn cho các NĐT tài chính

Cổ phiếu

HSC cho rằng việc đàm phán bán 20% vốn cho Aéroports de Paris kết thúc không có kết quả mở ra cơ hội cho các NĐT tài chính sở hữu cổ phần ACV.

Sau khi IPO lần đầu tháng 12/2015 với lượng bán ra chỉ 77 triệu cổ phần, tương đương 3,47% vốn điều lệ hồi cuối năm 2015, Doanh nghiệp đang quản lý 22 sân bay của Việt Nam sẽ có đợt chào bán ra công chúng lần thứ 2 với quy mô lớn hơn vào năm 2018.

Tin từ CTCK HSC cho biết, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã trình Bộ Giao thông Vận Tải phương án bán đấu giá 20% cổ phần, tương đương 435.434.647 cổ phiếu vào quý III/2018.

HSC cho rằng quá trình đàm phán diễn ra trong thời gian dài với Aéroports de Paris để bán cổ phần chiến lược xem như đã kết thúc vào cuối tháng 9 đã không đi đến được một thỏa thuận nào. Theo HSC thì nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong việc hợp tác trên nằm vấn đề ở mức giá, trong khi Aéroports de Paris muốn mua giá thấp thì ACV lại không thể hạ giá.

Theo đó ACV sẽ ưu tiên bán cổ phần cho các nhà đầu tư tài chính. Dự kiến sau khi được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận, phương án sẽ được trình Thủ tướng xem xét phê duyệt. Nhà nước đã đặt ra thời hạn để bán 20% cổ phần ACV là năm 2018. Sau đó sẽ bán tiếp 10,4% cổ phần vào năm 2020.

HSC cũng cho rằng việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư tài chính cũng sẽ có một số tác động tích cực như gia tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu trên thị trường; tăng cường tính minh bạch và công tác quản trị doanh nghiệp của ACV và buộc công ty phải công bố BCTC dễ hiểu hơn kèm phải giải trình về các động lực tăng trưởng chủ chốt.

Ngoài ra, HSC cũng kỳ vọng rằng sự tham gia nhiều hơn của NĐT tài chính trong cơ cấu sở hữu sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động nhờ có thể tránh được những vi phạm trong việc lựa chọn người thuê mặt bằng tại các sân bay.

Nói về hoạt động kinh doanh của ACV, HSC ước tính công ty này sẽ là đạt 5.634 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (giảm 16% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, nếu loại trừ khoản lỗ tỷ giá và các thu nhập khác thì LNTT mảng kinh doanh chính sẽ là 6.032 tỷ đồng (tăng trưởng 24%).

Cho năm 2018, HSC dự báo doanh thu thuần của ACV sẽ tăng trưởng 17% so với năm 2017 và dự kiến đạt 18.793 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của ACV cũng được dự bán sẽ tăng trưởng 31% lên mức 5.879 tỷ đồng.

Trong dài hạn, ACV cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện hiệu quả hoạt động rất lớn nhờ vào lượng hàng hóa và hành khách tăng nhanh và tối ưu mức chi tiêu của hành khách nhờ cải thiện sản phẩm bán lẻ, thực phẩm đồ uống. HSC cho rằng ACV hoàn toàn có thể tăng gấp đôi tỷ trọng doanh thu từ bán lẻ trong tổng doanh thu trong vài năm tới so với mức thấp hiện nay và giúp lợi nhuận tăng trưởng.

Hiện ACV có vốn điều lệ 21.772 tỷ đồng. Cổ đông nhà nước là Bộ GTVT vẫn đang sở hữu 95,4% cổ phần ACV khiến cho cổ phiếu này ít có thanh khoản. ACV trước đó đã có kế hoạch chuyển sang niêm yết trên sàn HOSE trong năm nay nhưng vẫn chưa thể thực hiện.

Nguyên nhân là do BCTC kiểm toán năm 2016 của ACV, đơn vị kiểm toán đã lưu ý về việc đàm phán liên quan đến cho thuê tài sản khu bay vẫn chưa hòan tất. Và ACV chưa đủ điều kiện để niêm yết trên Hose cho đến khi vấn đề này được giải quyết xong.

Theo kế hoạch cổ phần hóa của ACV, sau khi cổ phần hóa, tài sản khu bay đã được giao lại cho nhà nước và ACV thuê lại để vận hành. Về nội dung đàm phán hiện tại, ACV sẽ nhận toàn bộ thu nhập từ tài sản khu bay và nộp phí thuê cho nhà nước, đồng thời trả phí sửa chữa. ACV đề xuất mức phí thuê hàng năm là 270 tỷ đồng cộng với 727 tỷ đồng dự phòng sửa chữa dài hạn. Bộ GTVT có vẻ đồng ý với đề xuất này và sẽ trình Thủ tướng xem xét phê duyệt.

HSC cho rằng việc đàm phán có lẽ sẽ hoàn tất trong năm nay. Sau khi hoàn tất đàm phán, ACV sẽ đủ điều kiện niêm yết trên HOSE. Chúng tôi kỳ vọng ACV sẽ chuyển sàn sang HOSE trong 3 – 6 tháng tới.

Cổ phiếu
Cổ phiếu ACV tăng mạnh kể từ quý III/2017

Theo Cafef/Trí thức trẻ