Cơ chế kiểm soát này được thực hiện thông qua việc tư vấn cho ủy ban nhân dân, chủ tịch uỷ ban nhân dân đặc khu trước khi quyết định những vấn đề quan trọng…
Dự thảo luật mới nhất về đặc khu đã bổ sung quy định về ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng thành lập.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vừa gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Lần này, tên gọi của luật đã được bổ sung tên các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, thành: Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Trong các quy định cụ thể của dự thảo luật, cụm từ “đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt” được gọi tắt là “đặc khu”.
Không còn thiết chế trưởng đặc khu
Mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề được tranh cãi không ngừng với ý kiến trái chiều trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật.
Dự thảo luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư đề xuất hai phương án tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu.
Phương án 1: không tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân mà thực hiện thiết chế trưởng đặc khu do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế – xã hội trên địa bàn đặc khu. Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án này.
Phương án 2: tổ chức chính quyền địa phương đặc khu gồm có hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân.
Tại kỳ họp thứ tư, đa số ý kiến đại biểu phát biểu tán thành với phương án 1, một số ý kiến tán thành với phương án 2, một số ý kiến khác đề nghị xây dựng phương án mới theo hướng kết hợp các ưu điểm của hai phương án do Chính phủ trình.
Cho biết đã thảo luận kỹ và xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu chỉnh lý quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu theo hướng kết hợp ưu điểm của cả phương án 1 và phương án 2 do Chính phủ trình và hoàn thiện để khắc phục các hạn chế, phát huy những điểm mạnh của cả hai phương án.
Theo đó, chính quyền địa phương ở đặc khu là cấp chính quyền địa phương gồm có hội đồng nhân dân đặc khu và ủy ban nhân dân đặc khu với những đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cách thức hoạt động nhằm bảo đảm tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả.
Cụ thể, hội đồng nhân dân đặc khu có tổng số đại biểu không quá 15 người, trong đó đa số hoạt động chuyên trách. Hội đồng nhân dân đặc khu không tổ chức Thường trực và các ban; giúp việc hội đồng, đại biểu hội đồng có văn phòng hội đồng nhân dân đặc khu.
Ủy ban nhân dân đặc khu do hội đồng nhân dân đặc khu bầu, chỉ bao gồm chủ tịch và 2 phó chủ tịch. Chủ tịch uỷ ban nhân dân đặc khu có những thẩm quyền vượt trội được phân quyền từ chính quyền trung ương và cấp tỉnh, dự thảo luật quy định: “Chủ tịch uỷ ban nhân dân đặc khu do hội đồng nhân dân đặc khu bầu theo giới thiệu của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trên cơ sở thống nhất với chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn”.
Thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù
Cơ chế giám sát và kiểm soát đối với hoạt động của chính quyền địa phương ở đặc khu cũng là vấn đề còn nhiều băn khoăn trong các phiên thảo luận của Quốc hội.
Lần chỉnh sửa này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, ngoài các cơ chế giám sát theo quy định của pháp luật hiện hành (của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội khác), dự thảo luật đã bổ sung một điều quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền địa phương ở đặc khu.
Trong đó, quy định trách nhiệm của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu phải công khai hoạt động của mình, nội dung công khai, hình thức công khai; trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin.
Bên cạnh đó, dự thảo luật bổ sung quy định về Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu do Thủ tướng thành lập nhằm thiết lập cơ chế kiểm soát đặc thù của Trung ương đặt tại từng đặc khu để tăng cường kiểm soát đối với hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu, đặc biệt là trong việc thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước cấp trên được luật này phân quyền cho chủ tịch UBND đặc khu.
Cơ chế kiểm soát này được thực hiện thông qua việc tư vấn cho uỷ ban nhân dân, chủ tịch uỷ ban nhân dân đặc khu trước khi quyết định những vấn đề quan trọng; cảnh báo các cơ quan chính quyền địa phương ở đặc khu về những rủi ro, hạn chế, bất cập trong hoạt động của các cơ quan này.
Ban này cũng giúp Thủ tướng theo dõi, đánh giá hoạt động của uỷ ban nhân dân, chủ tịch uỷ ban nhân dân đặc khu, kiến nghị với Thủ tướng về những vấn đề có liên quan đến phát triển của đặc khu.
Chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của Ban tư vấn, hỗ trợ phát triển đặc khu không trùng lặp với chức năng tham mưu, giúp việc của các cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền đặc khu, chức năng giám sát của hội đồng nhân dân đặc khu cũng như công tác chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Việc bổ sung cơ chế này cũng là tiếp thu kinh nghiệm của các nước, nhằm thử nghiệm phương thức kiểm soát quyền lực mới, đặc thù, tương xứng với thẩm quyền vượt trội của chính quyền địa phương ở đặc khu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích.
Nguyễn Lê/VNeconomy