Thực hư chuyện các doanh nghiệp Mỹ ồ ạt tháo chạy khỏi Trung Quốc

Chỉ có các công ty Mỹ thuộc một vài ngành chuyên biệt thực sự muốn rời Trung Quốc, phần lớn các doanh nghiệp khác, gồm các “đại gia” như Tesla vẫn ở lại, thậm chí còn có kế hoạch mở rộng thêm, bất chấp chiến tranh thương mại Trung Mỹ.

Hãng tin Nikkei Asian Review dẫn báo cáo của tập đoàn tài chính Goldman Sachs cho biết thực tế đa số các công ty sản xuất nguyên liệu và các thiết bị bán dẫn, cũng như y tế, đang mở rộng dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc.

Còn đối với doanh nghiệp ngành ô tô và máy móc công nghiệp, chuyện di dời và mở rộng tại Trung Quốc luôn diễn ra cùng lúc.

“Trong khi yếu tố thuế có ảnh hưởng đến giao thương hàng hóa và dẫn đến việc dây chuyền sản xuất hàng điện tử tiêu dùng bị di dời từ Trung Quốc sang các nước ASEAN, có rất ít bằng chứng mà chúng tôi thấy được về chuyện doanh nghiệp Mỹ chuyển hoạt động sản xuất quay về nước ở quy mô lớn”, theo báo cáo của Goldman Sachs.

Bất chấp các thông tin dồn dập về hiện tượng “đi ra khỏi Trung Quốc” – được cho là đang gia tăng do cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ và cũng do đại dịch Covid-19 – thực tế là chuyện chuyển hướng dây chuyền sản xuất tùy thuộc vào từng ngành chuyên biệt.

Chẳng hạn như Tesla, hãng xe hơi có trị giá lớn thứ 3 thế giới, đang có kế hoạch xuất mẫu xe Model 3, sản xuất tại Trung Quốc, sang các thị trường châu Á và châu Âu.

CEO Elon Musk của Tesla từng đưa ra nhận định hồi tháng 7 rằng “các nhà cung cấp tại Trung Quốc có khả năng cạnh tranh rất mạnh, có thể là mạnh nhất thế giới”.

Musk cho biết điều thực sự có lợi cho Tesla là khả năng tìm ra ngày càng nhiều các nguồn đủ sức sản xuất các linh kiện từ nội địa của nhà máy sản xuất tại Trung Quốc. Chính điều này đã “tạo ra một sự khác biệt cực kỳ to lớn cho chi phí sản xuất xe Tesla”, CEO của Tesla cho hay.

Goldman Sachs chỉ ra rằng các sản phẩm như quần áo và đồ gia dụng có thể được sản xuất một cách dễ dàng ở những nơi khác ngoài Trung Quốc, còn việc sản xuất được các linh kiện phức tạp tinh vi thì không được như vậy.

Và Tesla không phải là tập đoàn duy nhất cam kết gắn bó với Trung Quốc, theo Goldman Sachs.

Khảo sát từ Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Thượng Hải cho thấy trong hơn 200 doanh nghiệp có lập dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc hoặc thuê mướn dây chuyền sản xuất tại quốc gia châu Á này, hơn 70% khẳng định không có ý định chuyển hướng sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Chỉ có đúng 3,7% đang di dời một phần hoạt động từ Trung Quốc về lại Mỹ theo như hi vọng của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi tăng thuế. Và trong số nhóm công ty này, chỉ có 18,2% có ý định sẽ chuyển hơn 30% dây chuyền sản xuất về nước.

Thậm chí đối với các công ty di dời khỏi Trung Quốc, thì “chi phí nhân công tăng” mới là nguyên nhân dẫn đến quyết định chuyển hướng, chứ không phải do căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Goldman Sachs đánh giá mặc dù Trung Quốc không còn cạnh tranh lại về các ngành cần sức lao động với nhiều nền kinh tế mới nổi khác, nhưng lợi thế về sản xuất nói chung của cường quốc này vẫn còn nguyên vẹn.

Báo cáo của Goldman Sachs khẳng định suy nghĩ của phần đông doanh nghiệp toàn cầu vẫn là “thị trường nội địa khủng, dây chuyền cung ứng công nghiệp toàn diện, và cơ sở hạ tầng tốt là những yếu tố hấp dẫn nhất đối với đầu tư nước ngoài”.

Goldman Sachs cũng cho biết thêm rằng “khi được hỏi về lựa chọn hàng đầu nếu rời khỏi Trung Quốc là ở đâu, thì Việt Nam và Ấn Độ là 2 nước được đề cập nhiều nhất”.

Minh Đức

Theo Nikkei Asian Review