Tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 vẫn có khả năng bị lây, tại sao?

GS.TS Nguyễn Văn Kính- chuyên gia đầu ngành về truyền nhiễm giải thích tác dụng của vắc xin, cũng như việc không thể trông chờ hoàn toàn vào vắc xin để chống dịch.

Trong đợt dịch này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có 8 nhân viên y tế mắc Covid-19, trong đó mới chỉ có một bác sĩ được tiêm vắc xin song chưa đủ 2 mũi.

Đợt dịch thứ 4 bùng phát tại 26 tỉnh, thành trên cả nước; đặc biệt tấn công vào nhiều bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương…

Riêng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh có 8 cán bộ y tế mắc Covid-19. Trong đó chủ yếu là điều dưỡng- những người có thời gian dài chăm sóc bệnh nhân, có 2 bác sĩ mắc. Đây đều không phải là các y bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 mà điều trị bệnh nhân thường.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm, trong số các nhân viên y tế bị lây nhiễm trong đợt này, có 1 bác sĩ đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 song cũng chỉ mới tiêm một mũi. Trong khi đó phải tiêm đủ 2 mũi mới đạt được miễn dịch theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

“Tuy nhiên, một điều cần lưu ý là dù có tiêm 2 mũi thì hiệu quả bảo vệ cũng chỉ là 87%, còn lại 13% chưa có miễn dịch. Điều đó đồng nghĩa dù tiêm đủ 2 mũi vẫn có nguy cơ mắc bệnh vì rơi vào nhóm 13% không sinh miễn dịch”, TS Kính phân tích.

Cả hai cơ sở của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có gần 800 cán bộ y tế, riêng cơ sở 2 là hơn 300. Vì số lượng vắc xin có hạn nên cơ sở ưu tiên tiêm trước cho những người trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19. Đến nay, toàn bộ nhân viên y tế tại cơ sở 2 đã được tiêm vắc xin, những trường hợp đã mắc bệnh thì sau 6 tháng sẽ được tiêm.

Trong đợt dịch trước, Bệnh viện cũng có 2 bác sĩ mắc Covid-19, tuy nhiên đây là những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân.

Theo TS Kính, thời gian tiếp xúc với bệnh nhân càng dài thì nguy cơ bị lây càng cao. Theo ước tính của thế giới, cán bộ y tế thuộc nhóm nguy cơ cao bị lây nhiễm Covid-19. Trong số 150 triệu ca mắc trên toàn cầu thì có 10% là cán bộ y tế bị lây nhiễm. Vì thế, bác sĩ là đối tượng cần ưu tiên dự phòng số một.

Tương tự tại Bệnh viện Phổi Trung ương cũng ghi nhận 2 bác sĩ dương tính SARS-CoV-2. Đây là hai bác sĩ thuộc Phòng Chỉ đạo Chương trình. Theo TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện đã triển khai tiêm vắc xin cho cán bộ y tế song mới ưu tiên cho khu vực khám bệnh, điều trị. Hai bác sĩ dương tính mới đây chưa được tiêm vắc xin.

Tại Bệnh viện K Trung ương cũng ghi nhận 2 nhân viên mắc Covid-19, tuy nhiên tại đây chưa triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19.

TS Kính khẳng định, không có vắc xin nào có khả năng bảo vệ 100%, tất cả các vắc xin đạt tỷ lệ trên 90% đã là điều lý tưởng. Theo tiêu chuẩn của WHO, chỉ đạt trên 50% là có thể sử dụng vắc xin đấy để tiêm. Hiện nay, những vắc xin đang được WHO khuyến cáo cũng như của Mỹ cấp phép sử dụng thì đều có hiệu quả từ 81 đến 97%, đặc biệt vắc xin Sputnik của Nga tuyên bố đạt đến 97%.

Ngoài ra, việc những vắc xin này có ngăn chặn được hết tất cả các biến thể hay không thì là một câu hỏi lớn, thách thức lớn cho ngành vắc xin để theo dõi. Một số nhà nghiên cứu nói rằng virus biến đổi nhiều như thế có thể chống lại vắc xin ban đầu. Vì thế, giống như cúm mỗi năm lại bổ sung vắc xin để chống lại chủng mới.

Đặc biệt, theo TS Kính nếu muốn có miễn dịch cộng đồng do tiêm vắc xin thì ít nhất 2/3 dân số cần được tiêm đầy đủ các mũi. Việt Nam chưa thể có miễn dịch cộng đồng vì số người được tiêm quá ít.

“Vắc xin là công cụ bổ sung vào để ngăn chặn dịch, nhưng không thể trông chờ hoàn toàn vào vắc xin vì nguồn cung hiện rất thiếu. Chúng ta cũng chưa tiêm chủng được diện rộng”, TS Kính nhấn mạnh.

Việt Nam hiện triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca, lịch tiêm gồm 2 mũi, cách nhau 12 tuần. Đến 16h ngày 14/5, tổng cộng cả nước mới tiêm được gần 1 triệu liều. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 21.042 người.

Theo Dantri