Việc sử dụng bitcoin và các loại tiền mã hóa tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật Việt Nam cho phép. Tuy nhiên, pháp luật hiện nay chưa có quy định rõ về việc nắm giữ, mua, bán, trao đổi tiền mã hóa dưới hình thức tài sản.
Đầu tư bitcoin: vô cùng mạo hiểm
Trong thời gian qua, việc kinh doanh tiền mã hóa ở Việt Nam, được biết đến nhiều nhất là đồng bitcoin, thu hút sự quan tâm, lo lắng của xã hội. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhiều lần khẳng định bitcoin (và các loại tiền mã hóa tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện tại không có quan điểm rõ ràng về việc sở hữu, mua, bán, sử dụng tiền mã hóa như là một loại tài sản. Quan điểm chung của các cơ quan nhà nước hiện dừng lại ở mức khuyến cáo việc nắm giữ, mua, bán bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và không được pháp luật bảo vệ.
Đúc kết từ các quan điểm phổ biến trên thế giới về tiền mã hóa, và đối chiếu với quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, ở bài viết này, tôi xin chia sẻ góc nhìn về địa vị pháp lý xung quanh cái gọi là “tiền mã hóa”.
Theo đó, tiền mã hóa cần được xem xét dưới ba góc độ: (1) tiền tệ, phương tiện thanh toán; (2) tài sản, mà cụ thể hơn là tài sản ảo; và (3) loại hàng hóa để đưa vào kinh doanh.
Chính sách quản lý của các nước về tiền mã hóa
Đến nay, vẫn chưa có được một định nghĩa hay hành lang pháp lý và quản lý thống nhất, rõ ràng với các đồng tiền mã hóa trên phạm vi toàn thế giới cũng như tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Vụ Thanh toán (NHNN), hiện có bốn cấp độ quản lý khác nhau của các quốc gia đối với tiền mã hóa, hầu hết là khá thận trọng. Cụ thể:
Thứ nhất là cấm triệt để trên diện rộng, như ở Bangladesh, Bolivia, Ecuador… Chính phủ các nước này cấm tổ chức/cá nhân giao dịch mua bán, sử dụng bitcoin cũng như các loại tiền mã hóa khác trên lãnh thổ quốc gia(1).
Thứ hai, chỉ cấm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, như Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cấm các tổ chức tài chính nước này sử dụng hay mua, bán bitcoin hay các loại tiền mã hóa khác. Mới đây, Trung Quốc cấm phát hành tiền mã hóa lần đầu ra công chúng (ICO) và coi đó là hoạt động huy động vốn bất hợp pháp. C
ả bốn cơ quan, bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc, Ủy ban Giám sát ngân hàng Trung Quốc và Ủy ban Giám sát bảo hiểm Trung Quốc đã ra tuyên bố chung về vấn đề này(2).
Thứ ba, không cấm nhưng không thừa nhận. Phần lớn các nước đã có tuyên bố liên quan đến bitcoin và/hoặc tiền mã hóa đều gián tiếp hoặc trực tiếp không thừa nhận bitcoin và các đồng tiền mã hóa khác là phương tiện thanh toán hay đồng tiền pháp định của quốc gia mình; đưa ra cảnh báo về sự rủi ro của các loại tiền mã hóa, khuyến nghị người dân không tham gia mua, bán tiền mã hóa và cho biết họ sẽ không được nhà nước bảo vệ nếu rủi ro, tổn thất xảy ra.
Ở cấp độ này, nhiều nước không cấm việc trao đổi và mua, bán bitcoin cũng như các loại tiền mã hóa và coi đó như một loại tài sản và đánh thuế trên các giao dịch mua, bán bitcoin (như Anh, Canada, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan…).
Một số quốc gia cho phép sự hình thành và phát triển của các sàn giao dịch bitcoin và các loại tiền mã hóa thông qua cấp giấy phép hoạt động (như Nhật Bản, Singapore hay bang New York – Mỹ).
Các cơ quan có thẩm quyền cần có quy định về việc sở hữu tiền mã hóa có hợp pháp không và từ đó, việc mua, bán, trao đổi tiền mã hóa dưới hình thức tài sản ảo có được pháp luật bảo vệ hay không. |
Cuối cùng, chấp nhận tiền mã hóa như một phương tiện thanh toán. Gần đây, Liên bang Nga và Thái Lan đã chuyển từ việc coi giao dịch mua, bán, trao đổi và sử dụng bitcoin là bất hợp pháp sang cho giao dịch nhưng có biện pháp cảnh báo rủi ro(3).
Đặc biệt, gần đây nhất, Cơ quan Dịch vụ tài chính Nhật Bản (JFSA) đã sửa Luật các dịch vụ thanh toán, qua đó coi bitcoin là một phương tiện thanh toán trả trước, hợp pháp trên lãnh thổ Nhật Bản kể từ ngày 1-4-2017 và chịu sự quản lý của JFSA.
Liệu có thể dùng tiền mã hóa làm phương tiện thanh toán?
Không phải chỉ khi vấn đề tiền mã hóa trở nên nóng dần mà ngay từ đầu năm 2014, NHNN đã có thông cáo báo chí chính thức khẳng định: khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền mã hóa tương tự khác, mua, bán, sử dụng bitcoin như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.
Tuy nhiên, hiện nay, không hiếm trường hợp tổ chức, cơ sở kinh doanh và cá nhân chấp nhận bitcoin như một loại tiền dùng để thanh toán trong giao dân sự.
Tại Việt Nam, theo quy định tại khoản 6 điều 27 của Nghị định 96/2014/NĐ-CP, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền mã hóa tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 150-200 triệu đồng.
Đồng thời, từ ngày 1-1- 2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1, điều 206 của Bộ luật Hình sự 2015.
Tiền mã hóa có phải là một loạI tài sản?
Ở nước ta, mặc dù việc sử dụng tiền mã hóa để làm phương tiện thanh toán đã bị ngăn cấm nhưng hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền mã hóa vẫn có xu hướng tăng chóng mặt theo mức tăng giá đột biến của tiền mã hóa trên thế giới.
Các sàn giao dịch tiền mã hóa đang hoạt động rất rầm rộ với diễn biến phức tạp. Trong khi đó, hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về việc nắm giữ tiền mã hóa hay tài sản ảo như một loại tài sản.
Điều 105 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.
Như vậy, Bộ luật Dân sự 2015 mới chỉ liệt kê những đối tượng có thể được coi là tài sản mà không đưa ra khái niệm cụ thể về tài sản, cũng không đưa ra tiêu chí chung để làm căn cứ xác định đối tượng nào đó (như tiền mã hóa, tài sản ảo) có phải là tài sản hay không.
Những loại tài sản được liệt kê tại điều 105 là kết quả của quá trình phát triển giao lưu dân sự, phải thể hiện được ý nghĩa kinh tế của nó để được thừa nhận và chi nhận trong các quy định của pháp luật.
Theo tiêu chí này tiền mã hóa có thể trở thành loại tài sản mới được pháp luật thừa nhận bởi ý nghĩa kinh tế của nó là hiển nhiên trong giao lưu dân sự, thể hiện qua thực tiễn nó đã là đối tượng của các giao dịch kinh tế liên quan.
Khái niệm này được tiếp cận thông qua tư duy lý luận về quyền tài sản. Quyền tài sản được định nghĩa cụ thể tại điều 115, Bộ luật Dân sự 2015: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.
Nhờ thông qua giá trị bằng tiền của quyền tài sản mà chúng ta có thể tiếp cận và tạo nên khả năng cảm nhận đầy đủ các quyền năng của chủ sở hữu đối với tiền mã hóa, một loại tài sản ảo, đó là quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt.
Điều đó cho thấy, tiền mã hóa có bản chất “rất gần” với tài sản nói chung, do đó, có thể xem xét tiền mã hóa là một loại tài sản hay không?
Theo người viết, việc thừa nhận tiền mã hóa là tài sản theo Bộ luật Dân sự sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc nhằm xác định các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa với tư cách là tài sản trong giao dịch dân sự để có thể xác lập quyền sở hữu.
Đồng thời, tạo cơ sở để giải quyết các hành vi phạm tội đối với tiền mã hóa khi các vụ án hình sự đối với hành vi trộm cắp, lừa đảo tiền mã hóa ngày càng gia tăng.
Dưới góc độ tài sản theo pháp luật dân sự, về bản chất, tiền mã hóa là một loại tài sản, nhưng hình thành dưới dạng “ảo”. Do đó, vấn đề hiện nay, theo tôi, là NHNN, Bộ Tư pháp và các cơ quan chức năng cần xác định rõ tiền mã hóa có phải tài sản hay không, để từ đó có quan điểm xử lý đối với tiền mã hóa.
Về bản chất, đây chính là xem xét có thừa nhận tính hợp pháp của tiền mã hóa với tư cách là một loại tài sản hay không. Khi thừa nhận tiền mã hóa là một loại tài sản thì vấn đề nắm giữ tài sản ảo, hay mua đi bán lại loại tài sản ảo này có hợp pháp hay không.
Tiền mã hóa như một loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh thì thế nào?
Hiện nay, việc tồn tại các sàn giao dịch mà qua đó, người bán và người mua mua, bán bitcoin hay các loại tiền mã hóa khác rất phổ biến (như remitano, santienao.com, vicuta.com…).
Thực tế cho thấy những trang mạng này có lượng giao dịch mua, bán tiền mã hóa rất lớn nhưng không một tổ chức chủ quản nào được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Bởi vậy có ý kiến của chuyên gia cho rằng việc cấm đoán các giao dịch được thực hiện thông qua các tổ chức không được pháp luật Việt Nam cấp phép càng gay gắt thì càng đẩy các giao dịch này thay vì hoạt động công khai sẽ đi vào hệ thống ngầm, khi đó lại càng khó khăn hơn cho cơ quan nhà nước trong công tác quản lý cũng như truy thu thuế.
Vì vậy, nên chấp nhận tiền mã hóa như một loại hàng hóa, tức là, không cho phép thanh toán để mua hàng hóa, nhưng có thể chấp nhận việc những người có nhu cầu mua và bán thực hiện giao dịch, trao đổi với nhau.
Theo người viết, việc chấp nhận tiền mã hóa như một loại hàng hóa cũng cần thận trọng, bước đầu nên tập trung xây dựng quy chế, chế tài quản lý cho một loại phổ biến và có sức ảnh hưởng nhất, ví dụ như bitcoin.
Để làm được điều này, Việt Nam cần xây dựng những quy định để cho phép những sàn giao dịch tiền mã hóa ra đời với yêu cầu phải có đăng ký kinh doanh, phải có vốn tự có, chứng minh được khả năng tài chính, từ đó sẽ quản lý tất cả các giao dịch qua những sàn này.
Lê An Hải/Thờ báo Kinh tế Sài Gòn