Tiềm năng của ngành sữa nói chung và nhu cầu dinh dưỡng thông thường, dinh dưỡng dùng y học… nói riêng còn rất lớn.
Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam cho biết, theo số liệu chưa đầy đủ, doanh thu toàn ngành sữa năm 2017 đạt trên 100.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2016.
Trong đó sản phẩm sữa tươi đạt 1.333,4 triệu lít, tăng 6,6% so với năm 2016, sữa bột đạt 127,4 nghìn tấn tăng 10,4% so với năm 2016. Nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa 868 triệu USD tăng 1,9% so với năm 2016; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 300 triệu USD. Mức tiêu thụ sữa bình quân là 26 lít/người.
Theo ông Trung, có được kết quả trên nhờ những năm qua các doanh nghiệp (DN) sữa không ngừng đầu tư, nâng cấp với hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ, tự động hóa; áp dụng công nghệ tiên tiến của các hãng có uy tín lớn trên thế giới.
Nhiều DN đã liên kết với các viện nghiên cứu về dinh dưỡng trong và ngoài nước tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, thời gian qua một số DN đã hướng đầu tư sản xuất ra nước ngoài, xuất khẩu sang một số nước ở châu Á và Trung Đông chủ yếu với dòng sản phẩm như sữa nước, sữa chua…
Mặt khác, xu thế cải thiện thiện sức khỏe và tầm vóc của người Việt Nam khiến cho nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa luôn giữ mức tăng trưởng cao. Dự báo đến năm 2020, mức tiêu thụ sữa sẽ tăng lên trên 28 lít sữa/năm/người.
Tiềm năng của ngành sữa nói chung và nhu cầu dinh dưỡng thông thường, dinh dưỡng dùng y học… nói riêng còn rất lớn.
Theo Tú Uyên
Pháp luật TP