Tìm cơ hội trong 2018

Thói quen của người tiêu dùng đang thay đổi, từ lựa chọn sản phẩm đến hình thức mua sắm. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp khai thác. Trong ảnh: mua nông sản sạch tại một phiên chợ ở TPHCM. Ảnh: Minh Tâm

Với nhiều doanh nghiệp, 2017 là một năm khá thành công khi kế hoạch đã hoàn thành, những kỳ vọng đã thành hiện thực. Tất nhiên, vẫn có những trăn trở, nuối tiếc. Dù là gì, tất cả đều là những bài học kinh nghiệm để doanh nghiệp bước vào năm 2018 với nhiều tham vọng phát triển hơn.

Doanh thu, lợi nhuận đều tăng

Đối với ông Lê Viết Thanh, Tổng giám đốc Công ty K&K Fashion, 2017 là một năm thành công về nhiều mặt. Doanh thu tăng 30% so với cùng kỳ, gấp đôi so với con số của nhiều năm trước. Lợi nhuận ròng, tuy không bằng tỷ lệ tăng của doanh thu nhưng cũng khá khả quan.

Kết quả này, theo ông Thanh, có sự đóng góp tích cực của mảng bán hàng trực tuyến khi doanh số đến từ kênh này tăng tới 50% so với mọi năm và đã chiếm tỷ lệ gần 30% trong tổng doanh thu. Đây là điều khiến ông Thanh vui hơn cả bởi nó chứng minh những gì doanh nghiệp quyết định đầu tư trong thời gian qua là đúng hướng.

Ông Thanh chia sẻ chưa bao giờ, mua sắm trực tuyến lại bùng nổ như năm nay nhờ vào thói quen của người tiêu dùng thay đổi cùng hàng loạt dịch vụ hỗ trợ khác cũng khá phát triển như thanh toán, vận chuyển… Chính những yếu tố khách quan này đã giúp các khoản đầu tư của K&K về hệ thống quản trị, trang web, fanpage trên các trang mạng xã hội, tiếp thị kỹ thuật số… phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả.

“Đây là cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi nắm bắt để từ đó có thể bắt kịp xu thế chung của thế giới cũng như rút ngắn khoảng cách với các doanh nghiệp lớn, nhiều tuổi đời hơn trong ngành”, ông Thanh nói.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi, khách hàng dễ mua (nhiều khi không phải vì nhu cầu cấp thiết mà do hình ảnh sản phẩm cứ hiển hiện trước mặt) nhưng tính trung thành lại không cao. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải liên tục xuất hiện để tránh bị lãng quên.

Cũng vì cạnh tranh mà chi phí tiếp thị ngày càng nhiều, ví dụ như giá bỏ thầu một từ khóa trên Google, Facebook hiện đã tăng khá cao, doanh nghiệp còn phải chạy nhiều chương trình khuyến mãi để hút khách trong khi giá bán sản phẩm lại không thể tăng. Áp lực cạnh tranh đã ảnh hưởng mạnh đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Với ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit, bên cạnh kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2017, điều làm ông hài lòng nhất là Vinamit đã tìm ra được quy trình canh tác hữu cơ mà ai cũng có thể làm được. Quy trình này đã được Vinamit thử nghiệm, nghiên cứu, xây dựng với cơ sở lý luận và khoa học rõ ràng, cụ thể cho từng công đoạn, từ việc tẩy độc cho đất ra sao đến việc xây dựng hệ miễn dịch, sức đề kháng cho cây thế nào mà không phải dùng đến bất kỳ loại hóa chất nào.

Ông Viên chia sẻ nhờ có quy trình này Vinamit có thể tạo được mối quan hệ bền chặt hơn với người nông dân, có được vùng nguyên liệu đảm bảo phục vụ sản xuất như ý muốn. “Chúng tôi hiện cung cấp phân bón vi sinh cho nông dân để họ sản xuất trên chính đất của họ. Chúng tôi thu mua trái cây trồng được từ những khu vườn không dùng thuốc hóa học đó với sản lượng cố định, bằng với con số mà họ từng thu hoạch được khi trồng với phương thức cũ, bất kể ít hơn bao nhiêu”, ông Viên nói.

Hiện tại, Vinamit đã có được những cánh đồng dừa, mít, chuối canh tác tốt với diện tích lớn; xoài và sầu riêng vẫn đang cần thêm thời gian để thu hút người nông dân cùng tham gia. Song song với đó, Vinamit còn trồng rau, cung cấp cho chuỗi siêu thị Co.op mỗi ngày một tấn rau trồng theo phương thức hữu cơ, mua lại một chuỗi bán lẻ, một trang trại canh tác… Tất cả đã giúp Vinamit tăng doanh thu được 15% so với cùng kỳ và duy trì được biên lợi nhuận ổn định. Điều quan trọng là công ty đã tạo ra được nền tảng vững chắc để bước vào năm 2018.

Đánh giá về năm 2017, ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc điều hành của Cỏ May Group, cho rằng đây là một năm nhẹ nhàng, ấm áp cho các doanh nghiệp liên quan đến con cá tra. Bởi lẽ, giá cá đã tăng trở lại sau mấy năm liền liên tục rớt giá. Cỏ May Lai Vung, một thành viên chuyên sản xuất thức ăn thủy sản, mảng kinh doanh truyền thống của Cỏ May Group vì thế cũng có được kết quả kinh doanh tốt, cả về doanh thu lẫn lợi nhuận, số nợ phải thu cũng giảm được 40%.

Tuy nhiên, ở ngã rẽ thực phẩm với định hướng là các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao thì Cỏ May lại chưa thể tiến thêm những bước mạnh mẽ. “Nhưng nhìn chung, nếu lấy cái được trừ đi cái mất thì kết quả vẫn là số dương. Và tôi coi những thất bại, khó khăn đã nếm trải trong năm 2017 là những bài học quý giá, rèn cho mình khả năng chịu đựng để tiến vào 2018 vững chắc hơn, kỹ càng, cẩn thận hơn”, ông Thiện bày tỏ.

Tin tưởng vào năm 2018

Ông Thiện nhận định, năm 2018, triển vọng kinh tế khá sáng sủa. Những thị trường xuất khẩu cá tra lớn với Cỏ May, ví dụ như Trung Quốc, châu Âu đang ngày càng tốt lên sẽ kéo sản phẩm thức ăn phục vụ con cá ăn tăng theo. Đây là cơ hội để mảng kinh doanh truyền thống của Cỏ May tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên, cạnh tranh trên thị trường được dự báo sẽ rất gay gắt khi có thêm đối thủ chuẩn bị tham gia thông qua hình thức mua bán, sáp nhập. Chính vì vậy, theo ông Thiện, nhiệm vụ của doanh nghiệp không chỉ là giữ vững thị phần đã có mà còn phải giành thêm từ đối thủ. Mục tiêu là khai thác hết 100% công suất của nhà máy sản xuất thức ăn hiện có.

Bên cạnh đó, theo ông Thiện, doanh nghiệp phải bước vào cuộc cách mạng 4.0 đang sầm sập đến bằng việc tự động hóa các khâu trong sản xuất để cải thiện hiệu suất, hạn chế đến mức thấp nhất những “rơi rớt, đổ tháo” mà quy trình hiện tại đang tạo ra. Qua đây, gia tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Lâm Viên cũng đang ấp ủ những kế hoạch táo bạo cho năm 2018. Đó sẽ là “quay về thị trường nội địa”, điều mà Vinamit chưa muốn làm bao nhiêu năm qua dù có đủ năng lực. Theo ông Viên, thời điểm tới là thích hợp bởi kênh bán lẻ hiện đại (kênh MT), nơi phù hợp để bán các sản phẩm của Vinamit đã phát triển hơn rất nhiều so với những năm trước, người tiêu dùng đã dịch chuyển rõ rệt.

Kỳ vọng của Vinamit là tỷ trọng hàng bán trong nước sẽ là 70%, xuất khẩu là 30%, thay vì 40-60 như hiện nay. Để chuẩn bị cho những mục tiêu này thì Vinamit đang tích cực đa dạng hóa danh mục sản phẩm, không chỉ tăng cường các loại trái cây, củ quả sấy (chip) với nhiều hương vị mới mà còn có thêm sản phẩm độc quyền, mới lạ. Sữa chua viên nhân trái cây mà doanh nghiệp này sắp tung ra thị trường là một dòng sản phẩm như vậy.

Ông Lê Viết Thanh khá tin tưởng vào triển vọng của năm 2018 nên cũng đặt ra mục tiêu lớn cho doanh nghiệp. Theo đó, doanh thu phải tăng tối thiểu 30% so với năm 2017, K&K sẽ đẩy nhanh hoạt động mở cửa hàng, hướng ra quận 6, quận 8, quận 9 để phục vụ khách hàng tốt hơn. Đồng thời, mảng kinh doanh trực tuyến sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để khai thác tối đa sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trên hết, dù bán hàng trực tuyến hay trực tiếp thì chất lượng sản phẩm thể hiện qua mẫu thiết kế, chất liệu vẫn là yếu tố được chú trọng hàng đầu. Bởi đây là phương thức tốt nhất để thu hút khách hàng, giữ chân khách, gia tăng doanh số nhưng lại giảm được ngân sách tiếp thị.

Theo Minh Tâm

TBKTSG