Tìm động lực tăng trưởng kinh tế: Ôm đồm quá nhiều việc, cả nền kinh tế chịu thiệt

Những vướng mắc phổ biến của doanh nghiệp (DN) trong chuẩn bị và thực hiện các dự án đầu tư phần lớn do nhiều bộ, ngành ôm đồm quá nhiều việc và thiếu phối hợp.

Điểm danh vướng mắc…

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa hoàn tất danh sách 37 khó khăn, vướng mắc phổ biến của DN trong chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư. Đó là quy định thiếu cụ thể, thiếu rõ ràng, bất hợp lý, chồng chéo, mâu thuẫn… trong pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, nhà ở và kinh doanh bất động sản, đấu thầu và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Đầu tư xây dựng là lĩnh vực điển hình có nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu cụ thể.... Ảnh: Đức Thanh
Đầu tư xây dựng là lĩnh vực điển hình có nhiều quy định chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu cụ thể…. Ảnh: Đức Thanh

“Chúng tôi đã khảo sát. Các khó khăn này gây quá nhiều phiền hà, tốn kém về thời gian và tiền bạc, làm mất cơ hội kinh doanh của DN. Thậm chí, từ khi Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng có hiệu lực, thời gian thực hiện thủ tục liên quan đến xây dựng tăng thêm 100 ngày. Đây là một lý do làm giảm tiềm năng tăng trưởng của DN nói riêng và của nền kinh tế nói chung”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhận định khi nói về danh mục 37 vướng mắc này.

Thực tế, không phải đến giờ, các vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng mới được nhắc tới, cũng không phải riêng CIEM quan tâm vấn đề này. Năm 2016, Nghị quyết 97/NQ-CP ngày 4/11/2016 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2016 đã yêu cầu các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh đang gây vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.

Ngay sau đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã liên tục tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến DN về những vướng mắc cần xử lý. Đã có danh sách dài những đề xuất sửa đổi các quy định liên quan đến đầu tư xây dựng từ DN được tổng hợp, cùng với các đề xuất về cắt giảm điều kiện kinh doanh. Khi đó, có tới 50 văn bản luật được đề nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung…

Nhưng, khác với những động thái trong yêu cầu cắt giảm điều kiện kinh doanh diễn ra gần như cùng thời điểm trên, những điều bất hợp lý, không còn phù hợp… trong lĩnh vực này chưa được bãi bãi bỏ; những chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu cụ thể, thiếu rõ ràng… chưa được bổ sung, sửa đổi.

“Chúng tôi gọi đây là điểm trừ đáng kể của môi trường kinh doanh Việt Nam và không thể để tình trạng kéo dài hơn”, ông Cung bức xúc lý giải việc thực hiện báo cáo này.

… và những nguồn cơn khó lý giải

Phải thẳng thắn, không dễ hóa giải các vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, kể cả khi chúng đã được gọi tên.

Thử nhìn vào một số vướng mắc cụ thể có trong danh sách 37 vướng mắc do CIEM tổng hợp. Đó là, chồng chéo về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại Luật Đầu tư và Luật Nhà ở; mâu thuẫn trong quy định về điều kiện vốn tối thiểu của chủ đầu tư trong đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai; quy định không thống nhất, thiếu cụ thể trong Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Đấu thấu trong lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá đất, đấu thầu dự án có gắn liền với quyền sử dụng đất, quyết định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư có liên quan…

Có thể thấy, các nội dung được quy định phân tán tại nhiều văn bản, được thực hiện bởi nhiều cơ quan có thẩm quyền khác nhau từ Trung ương đến địa phương. Nút thắt xuất hiện khi sự phối hợp, kết nối giữa các cơ quan có liên quan trong thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến dự án đầu tư cụ thể luôn là bài toán khó giải.

“Có tâm lý là ai cũng cố giữ miếng bánh của mình, nên rất khó có được sự phối hợp trong công việc. Ngay cả khi có một cơ quan cải cách thì cũng chỉ là cải cách một miếng bánh, như vậy không thể gọi là cải cách được”, ông Cung lo ngại.

Thực ra, nhận định trên cũng không quá sốc. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI thắng thắn cho rằng, một số bộ, ngành mới chỉ thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính ở những lĩnh vực chịu sức ép lớn từ Chính phủ và từ dư luận xã hội, theo kiểu chạy theo vụ việc, thiếu bài bản, đối phó.

Ở góc độ thực tiễn hơn, giới kinh doanh cho rằng, những vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực này chủ yếu liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan có liên quan và các thủ tục hành chính do họ thực hiện. Vì vậy, mỗi cải cách, thay đổi đều làm một hay một số cơ quan liên quan mất hoặc giảm thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, tác động bất lợi đến quyền và lợi ích của các cơ quan đó.

Thử tính, nếu phân quyền thẩm định thiết kế xây dựng cho cơ quan quản lý nhà nước địa phương, thay vì tập trung hết tại Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước tại Trung ương như quy định của Luật Xây dựng, thì chi phí, thời gian đi lại của DN giảm rất nhiều, nhưng sẽ có những đơn vị của Bộ Xây dựng (ở đây là Cục Quản lý các hoạt động xây dựng) sẽ bị “mất” một số việc và không ít lợi ích… Sẽ rất khó yêu cầu chính các cơ quan này cắt giảm công việc và thu nhập của chính mình.

“Chúng tôi đang đề nghị phải có một cơ quan trung lập, khách quan và có thẩm quyền đủ mức để phối hợp, chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan thực hiện cải cách các vấn đề này. Không thể để các nguồn lực phát triển bị chôn vùi dưới thói quen quản lý ôm đồm của các bộ, ngành như hiện nay”, ông Cung nói.

Một số vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng
Không tương thích trong thủ tục giới thiệu địa điểm xây dựng giữa Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư;
Không rõ ràng, cụ thể về thời điểm cấp giấy phép quy hoạch theo Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và Luật Nhà ở;
Không thống nhất về thời điểm xác định nhu cầu sử dụng đất hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư và hồ sơ xác định nhu cầu sử dụng đất;
Trùng lặp không cần thiết về việc chấp thuận chủ trương đầu tư và việc phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;
Không thống nhất về thủ tục đánh giá tác động môi trường theo Luật
Đầu tư và Luật Bảo vệ môi trường…
Khánh An/Báo Đầu tư