Tình hình Covid-19 đã như “nước sôi lửa bỏng”, cần thận trọng!

Việc phòng chống dịch nhất thiết cần phải có sự đồng lòng, đoàn kết của cả cộng đồng, của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh… mới mong thành công được.

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 27/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh nguy cơ dịch bệnh “rất cao” không chỉ từ các nước có biên giới giáp Việt Nam mà ngay cả trong nước vì chúng ta vẫn phải tiếp nhận các chuyên gia vào làm việc, đón bà con bị kẹt ở nước ngoài về.

Trước thực tế hầu hết bà con Việt Nam nhập cảnh qua biên giới đường bộ có hoàn cảnh rất khó khăn, Ban Chỉ đạo thống nhất quan điểm đề nghị Chính phủ không thu phí xét nghiệm + cách ly để một số người vì hoàn cảnh khó khăn khi đóng phí này mà vượt biên, nhập cảnh trái phép.

Ông Đam nhấn mạnh, tất cả các trường hợp nhập cảnh trái phép phải xử lý nghiêm. “Không thể vì một vài người mà gây họa cho đất nước”.

Thiết nghĩ, điều này là rất cần thiết, phù hợp với qui định Luật phòng chống dịch và cho thấy sự chia sẻ giàu tính nhân văn của Nhà nước với người dân cũng nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ trước cuộc chiến cam go, dai dẳng với Covid-19.

Cần nhấn mạnh rằng, biến chủng kép của Covid-19 từ Ấn Độ có mức độ lây lan nhanh hơn trước, độc lực virus cũng được đánh giá rất nguy hiểm.

Mặc dù chúng ta đã có kinh nghiệm kiểm soát dịch thành công, song không gì có thể nói trước và đảm bảo chắc chắn rằng dịch sẽ “chừa” chúng ta, khi mà Ấn Độ và nhiều quốc gia láng giềng đều đang vật lộn với Covid-19. Tại Ấn Độ, dịch diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng cao, hệ thống y tế có nguy cơ sụp đổ.

Ấn Độ chính là bài học nhãn tiền với cả thế giới, trong đó có Việt Nam chúng ta. Nước này đã phải trả giá đắt vì mất cảnh giác, dỡ bớt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cho phép tập trung đông người trở lại.

Thật “rùng mình” trước cảnh người người chen chúc như nêm ở chùa Tam Chúc mấy ngày trước và cả trong ngày 10 tháng 3 âm lịch, hàng vạn người đã đổ về Phú Thọ, tình trạng chen lấn, xô đẩy một lần nữa tái diễn.

Chưa đến kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, nhưng các cảng hàng không cũng đã lo quá tải. Trưa ngày 20/4, Bộ Giao thông Vận tải đã phải họp khẩn vì sân bay Tân Sơn Nhất “tắc không lối thoát”.

Sẽ là một mối lo lớn khi mà nhiều công ty du lịch từ tuần trước đã cho biết phải “khóa sổ” vì lượng khách đổ xô đặt lịch dịp 30/4-1/5 quá lớn.

Điều gì sẽ xảy ra nếu trong biển người chen lấn, có một người là F0, F1? Do đó, có lẽ ở vào thời điểm này, nhiều người nên cân nhắc lại về việc đưa gia đình đến những nơi đông người. Một kỳ nghỉ liệu có trọn vẹn khi luôn phải thấp thỏm, lo âu về nguy cơ nhiễm Covid-19?

Hiện tại, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo xem xét hạn chế tổ chức sự kiện, tập trung đông người để phòng dịch Covid-19. Nhiều địa phương dừng kế hoạch bắn pháo hoa, thắt chặt yêu cầu đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm “5K”.

Chiều 28/4, Ban tổ chức trận bóng Thanh Hóa – HA Gia Lai tại vòng 11 LS V-League 2021 quyết định không mở cửa cho khán giả để phòng chống dịch Covid-19.

Những động thái thận trọng nói trên là rất cần thiết và cần được ủng hộ.

Rất chia sẻ với ngành du lịch, với các doanh nghiệp bởi đây là “mùa kinh doanh”, “mùa làm ăn”, doanh thu, lợi nhuận chỉ tập trung vào một vài mùa vụ chính. Mấy năm nay, đã thất thu…. Thế nhưng nhìn lại, diễn biến dịch đã như “nước sôi lửa bỏng” ở quanh ta, các cơ quan chức năng cũng đang “căng như dây đàn” để đảm bảo an toàn trong nước.

Việc phòng chống dịch nhất thiết cần phải có sự đồng lòng, đoàn kết của cả cộng đồng, của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh… mới mong thành công được.

Xin một lần nữa nhắc lại, thành công của Việt Nam trong phòng chống đợt dịch lần đầu chính là nhờ sự lo xa, đi trước bằng những bước đi kiên quyết…

Bích Diệp

Theo Dân trí