TP.HCM lại tìm chủ đầu tư mới cho siêu dự án Bình Quới – Thanh Đa

Bán đảo Thanh Đa được xem là “đất vàng” của TP.HCM để phát triển đô thị sinh thái hiện đại. Tuy nhiên suốt 26 năm qua, 13.000 nhân khẩu sống lay lắt với chuyện siêu dự án Bình Quới – Thanh Đa bị quy hoạch treo và nhiều nhà đầu tư đã… “bỏ chạy”.

Ngày 5.7, UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất việc cấp phép sửa chữa tạm cho người dân sinh sống trên bán đảo Thanh Đa bằng cách tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Bình Quới – Thanh Đa (P.28, Q.Bình Thạnh).

Được biết đây là một dự án có quy mô lớn, phức tạp, để triển khai nhanh dự án này nhằm tránh gây bức xúc, ảnh hưởng cuộc sống của các hộ dân, UBND TP.HCM đã giao Sở KH-ĐT tham mưu, đề xuất việc cấp phép sửa chữa tạm của các hộ dân và gửi Sở KH-ĐT tổng hợp, trình UBND TP ngay trong tháng này.

UBND TP cũng giao Sở Kế hoạch Đầu tư tham mưu, đề xuất UBND TP tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Bình Quới – Thanh Đa.

Theo đó, nhà đầu tư phải có năng lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm thực hiện các dự án quy mô lớn để đảm bảo tính khả thi đồng thời dự án được triển khai sớm.

Ngoài ra, báo cáo cần nêu rõ cơ sở pháp lý, yếu tố thuận lợi chọn hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, quy trình cụ thể triển khai lựa chọn nhà đầu tư, tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, báo cáo còn nếu rõ các cơ sở pháp lý, tiêu chí, yếu tố quy trình cụ thể triển khai để lựa chọn nhà đầu tư.

Cụ thể, tiêu chí phải có nội dung ký quỹ với số tiền đảm bảo đủ thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, có bảo lãnh hợp pháp của các tổ chức tín dụng nhằm chọn được nhà đầu tư thực sự có năng lực tài chính và kinh nghiệm.

Sau đó, trình Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong để xin ý kiến của Thường trực UBND TP, trước khi báo cáo Thường trực Thành ủy.

“Đất vàng” của siêu dự án Binh Quới – Thanh Đa nằm cách trung tâm TP.HCM được phát triển thành đô thị sinh thái hiện đại; sẽ là một chốn phồn hoa bậc nhất cả nước.

Thế nhưng, trải qua 2 thập kỷ, hơn 3.000 hộ dân sinh sống ở đây vẫn trong tình trạng biệt lập, trái ngược với những cao ốc, tòa nhà chọc trời khu biệt thự sang trọng chỉ cách họ một con sông bởi siêu dự án khu đô thị Thanh Đa – Bình Quới (quận Bình Thạnh).

Siêu dự án được phê duyệt từ năm 1992 với tổng diện tích rộng hơn 426 ha (toàn bộ địa bàn phường 28, quậnBình Thạnh), dân số khoảng 45.000 người. Nhưng đến 26 năm nay, dự án vẫn nằm trên “giấy”.

Bán đảo Bình Quới – Thanh Đa được người dân tận dụng làm kinh tế.

Đến năm 2004, dự án này được giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn nhưng đơn vị này không triển khai được. Đến năm 2010, chính quyền thành phố thu hồi quyết định.

Sau đó, một đơn vị trong nước khác được UBND TPHCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28. Sau hơn 20 năm phê duyệt, bán đảo này vẫn là một vùng đầm lầy.

Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Thanh Đa – Bình Quới, với tổng vốn hơn 30.000 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng.

Nhưng Emaar Properties PJSC đã rút lui vì không đủ kiên nhẫn chờ tới lúc được bàn giao đất sạch. Diện tích đất khổng lồ nhưng hiện chủ yếu bỏ hoang hoặc đào ao thả cá.

Hiện chỉ còn lại tập đoàn Bitexco “ôm” dự án này và thành phố có văn bản trình lại để xin ý kiến Thủ tướng. Vì có sự thay đổi về chủ đầu tư khi đối tác nước ngoài rút lui nên chưa thể làm những công tác tiếp theo.

Dự án khu đô thị Thanh Đa – Bình Quới treo suốt thời gian dài nên mặc dù cách trung tâm thành phố chưa đầy 5km, nơi này hiện vẫn như một ốc đảo.

Những con đường sâu hun hút rải đá dăm rộng khoảng hơn 1m chỉ xe máy mới lưu thông được. Phần nhà dân sâu phía trong khu vực, khung cảnh chẳng khác vùng quê. Nhiều ngôi nhà xập xệ, cũ kỹ. Đường sá nhỏ, ngập nước, trơ sỏi đá.

Theo Luật Đất đai, nếu sau 3 năm đưa vào kế hoạch sử dụng đất mà dự án chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì phải điều chỉnh, hủy bỏ. Chính vì vậy, chính quyền TP cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử lý dự án treo. Dự án nào không khả thi, dứt khoát phải xóa để trả lại quyền lợi cho dân.

Thái Minh t/h