Tết đến, vào cao điểm, tại các chợ bắt đầu tràn ngập mứt không nhãn mác, bao bì, không hạn sử dụng, đủ loại màu sắc chào mời người dân mua sắm.
Các gian hàng mứt tại chợ Bình Tây (quận 6, TP.HCM) nhộn nhịp hơn hẳn nhờ thương lái đổ về lấy hàng khá nhiều, hàng trăm loại mứt đầy màu sắc đựng trong bao đủ loại, được người bán chưng ra tận lối đi.
Chị T., một tiểu thương ở đây, cho biết lượng mứt bán ra tăng mạnh bắt đầu khoảng một tháng trước tết và đây là lúc cao điểm bán sỉ cho khách hàng chuyển đi tỉnh với lượng gấp ba, bốn ngày thường.
Trong đó, tiêu thụ mạnh nhất là mứt dừa giá 80.000 – 90.000 đồng/kg và mứt gừng 110.000 – 120.000 đồng/kg, chưa kể các loại mứt hồng, mứt khoai, mứt bí… cũng được khách mua nhiều.
Tuy nhiên, hầu hết mứt đều đựng chung một bịch khá lớn trong tình trạng “3 không”: không bao bì, không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ; người bán và mua tự tay trần kiểm tra hàng.
Theo bà M. – một tiểu thương tại đây, mứt sạp nhập tại các lò với số lượng lớn để bán sỉ nên không thể có bao bì, nhãn mác và quan trọng là giá cả phải rẻ.
Tại chợ Bến Thành (quận 1), sản phẩm mứt tết cũng được bày bán với hàng trăm loại trong nước lẫn ngoại nhập, giá bán từ 200.000 – 250.000 đồng/kg tùy loại.
Tuy nhiên, người mua chỉ biết loại mứt theo tên người bán giới thiệu hoặc do người bán tự ghi lên bằng bút màu rất sơ sài. Rất ít sản phẩm được đóng gói với tên tuổi, thành phần cụ thể và hạn sử dụng rõ ràng.
Một lãnh đạo ban quản lý chợ Bình Tây cho biết đã tăng cường kiểm tra tại các quầy hàng thực phẩm tết, đặc biệt là các giấy tờ hóa đơn liên quan nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, theo vị này, với 21 sạp mứt và 400 sạp kinh doanh hàng thực phẩm, công tác quản lý và kiểm tra chất lượng hàng hóa tết cũng gặp nhiều khó khăn.
“Hàng hóa chủ yếu được các tiểu thương chứa ở kho nên rất khó để kiểm soát khối lượng. Việc kiểm tra chất lượng cũng chỉ bằng… trực quan” – vị này nói.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan – trưởng Ban an toàn thực phẩm TP.HCM, cơ quan này đã tăng cường công tác kiểm tra chất lượng thực phẩm tết, với hơn 200 cán bộ được điều về phối hợp cùng các quận, huyện.
Trong số đó, các lò mứt “chui”, nơi sản xuất thiếu an toàn vệ sinh thực phẩm nằm trong tầm ngắm.
Tuy nhiên, theo bà Lan, phải có sự phối hợp tốt giữa đơn vị và phản ảnh của người dân bởi sản xuất “chui” rất khó phát hiện.
“Người tiêu dùng nên chọn mua mứt của những cơ sở uy tín, có bao bì nhãn mác, có thông số về chỉ tiêu và thành phần sản xuất để tránh rủi ro” – bà Lan nói.
Phát hiện 54 trường hợp vi phạm
Theo ban quản lý chợ Bình Tây, qua công tác kiểm tra từ giữa tháng 1 đến nay, ban quản lý chợ này đã lập biên bản 54 trường hợp vi phạm. Trong số đó, vi phạm tập trung nhiều vào nhóm hàng bánh kẹo, mứt, khô tết với các lỗi vi phạm phổ biến như bày bán thiếu vệ sinh, bán sai ngành hàng đăng ký… |
Nguyễn Trí
Tuổi Trẻ