Trung Quốc ‘lâm bệnh’, tập đoàn thực phẩm quốc tế tìm nguồn nguyên liệu từ Đông Nam Á

Chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19 đe dọa nguồn cung ứng nguyên liệu của các tập đoàn thực phẩm quốc tế. Để tồn tại, các công ty thực phẩm có dây chuyền sản xuất ở châu Á đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh quá phụ thuộc vào nguồn cung ứng chính như Trung Quốc.

Cụ thể, đối mặt nguy cơ đợt bùng phát đại dịch Covid-19 thứ hai, Hormel, nhà sản xuất bơ đậu phộng Skippy và thịt đóng hộp Spam của Mỹ, đang tái cơ cấu chuỗi cung ứng của mình. Trả lời phỏng vấn chuyên san Nikkei Asian Review, ông Michael J. Griesbach, giám đốc phụ trách khu vực Thái Bình Dương của Hormel, cho biết công ty muốn đa dạng hóa dây chuyền sản xuất tại nhiều nước khác nhau ở châu Á nhằm tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Không chỉ Hormel, các công ty thực phẩm ở châu Á và nhiều nơi khác trên thế giới đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng giữa lúc đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sức mua trên toàn cầu.

Charoen Pokphand Food (CPF), công ty chế biến thực phẩm của tập đoàn nông nghiệp-công nghiệp lớn nhất Thái Lan Charoen Pokphand (CP), đang thử nghiệm mô hình nhiều nhà máy sản xuất nhỏ thay thế cho một nhà máy lớn ở Thái Lan.

CPF chủ yếu chế biến thịt gà, thịt lợn và tôm tại các nhà máy ở 16 quốc gia và khu vực bên ngoài cơ sở lớn nhất ở Thái Lan, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ. “Nhà máy ở Thái Lan là quá lớn. Sắp tới chúng tôi thành lập nhiều nhà máy nhỏ hơn ở Thái Lan. Nếu mô hình này hiệu quả thì chúng tôi sẽ áp dụng tại các quốc gia khác”, CEO của CPF, Prasit Boondoungprasert nói.

Là nhà sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới, WH Group (trụ sở ở Hồng Kông) cũng đang gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất, buộc họ suy nghĩ lại về chuỗi cung ứng. WH Group đã đóng cửa 5 nhà máy sản xuất tại Mỹ sau khi một số nhân viên mắc Covid-19.

Các công ty thực phẩm nỗ lực tìm lối thoát cho chuỗi cung ứng

Ở một số quốc gia, đại dịch Covid-19 buộc chính phủ phải áp dụng biện pháp kiểm soát đối xuất khẩu nông sản, góp phần tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng. Đầu tháng 4, Việt Nam và Campuchia đã hạn chế xuất khẩu gạo. Đến đầu tháng 6, Myanmar vẫn duy trì hạn chế xuất khẩu gạo.

Hiện Ukraine, một trong những quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, đang giới hạn xuất khẩu lúa mì đến cuối tháng 6. Điều này có thể gây tổn hại cho Indonesia với 22,8% lượng lúa mì nhập khẩu là từ Ukraine, theo Chương trình Lương thực Thế giới (WFP).

Còn ở Việt Nam, xuất khẩu thủy sản trong quý I năm 2020 giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó xuất khẩu các loại rau củ và trái cây giảm 11,5% và cà phê giảm 6,4%. Minh Phu Corp, một trong những nhà xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam phục vụ khoảng 50 thị trường trên toàn thế giới, chỉ đạt 1,8 nghìn tỉ đồng doanh thu trong quý I, giảm 15% so với năm ngoái. Lợi nhuận ròng của Minh Phu Corp là 137 tỈ đồng, giảm 34%.

Trong khi đó, các nhà cung cấp Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng trong nhiều công ty thực phẩm khắp châu Á do chi phí sản xuất thấp. “Dù Trung Quốc kiểm soát đại dịch Covid-19 sớm hơn các quốc gia khác nhưng nhiều doanh nghiệp ở châu Á đang tìm cách phân cấp từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia và Việt Nam”, ông Nobuhiro Tsunoda, chủ tịch công ty tư vấn EY Japan Tax (Nhật Bản), cho biết.

Một công ty đồ uống lớn của Nhật Bản đã từ chối nêu tên đang cân nhắc đa dạng hóa nguồn thu mua các chất như vitamin C để sản xuất đồ uống không cồn. Công ty này vốn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc xem xét chuyển hướng nhập nguyên liệu từ các quốc gia khác, có thể là ở Đông Nam Á, nhằm tránh những rủi ro từ việc chỉ dựa vào một quốc gia.

Trân Châu