Trước khi thương hiệu bị “xóa sổ”, Big C kinh doanh như thế nào?

Trước khi bị “xóa sổ” thương hiệu, Big C – “con cưng” tại thị trường Việt Nam của đại gia Thái Lan Central Group – có nhiều số liệu về kinh doanh khá thú vị.

Từ ngày 1/3, 3 siêu thị Big C tại TP.HCM (hiện là các siêu thị đặt tại các tòa chung cư), bao gồm: Big C An Phú, Big C Thảo Điền và Big C Âu Cơ được đổi thành Tops Market. Ngoài ra, 5 siêu thị GO! cũng đã hoàn tất quá trình đổi tên.

Đại diện Central Retail, đơn vị sở hữu Big C, cho biết 7 siêu thị Big C nằm trong các tòa nhà sẽ được đổi tên mới là Tops Market và 5 đại siêu thị Big C hoàn tất đổi tên thành GO!. Việc đổi tên lần này nhằm mang đến “một diện mạo hoàn toàn mới”.

Bị “xóa sổ” trước khi Big C Thăng Long tìm lại đỉnh cao lợi nhuận

Big C Thăng Long thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thương mại quốc tế và Dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long, là “anh cả” hệ thống Big C Việt Nam.

Big C Thăng Long bắt đầu hoạt động từ năm 1999 trên khu đất rất rộng ở mặt đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Cùng với Metro Việt Nam, Big C Thăng Long là siêu thị có mặt sớm nhất tại Hà Nội. Vì vậy, đây trở thành điểm đến quen thuộc của người dân thủ đô.

Hàng ngày, đặc biệt là cuối tuần, dòng người xếp hàng tới siêu thị này để mua sắm và ăn uống rất đông. Vì vậy, doanh thu Big C Thăng Long luôn rất cao hàng nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, tới năm 2016, thị trường bán lẻ thực sự chấn động khi Tập đoàn Casino đến từ Pháp, chủ của Big C, bất ngờ công bố thực hiện thương vụ lớn.

Cụ thể, Casino bán Big C cho Central Retail, doanh nghiệp Thái Lan với mức giá hơn 1 tỷ USD. Central Retail là công ty con của Central Group – tập đoàn đa ngành nổi tiếng của Thái.

Ngay sau khi thâu tóm Big C, Central Retail một mặt mở rộng chuỗi siêu thị này, mặt khác tỏ rõ mong muốn đổi tên Big C trong năm 2017.

Tuy nhiên, tới đầu năm 2021, Central Retail mới thực hiện được kế hoạch này. Central Retail “xóa sổ” thương hiệu Big C khi Big C Thăng Long, “anh cả” của hệ thống, đã phục hồi về doanh thu nhưng chưa tìm lại thời kỳ đỉnh cao về lợi nhuận.

Trước đây, tình hình tài chính của Big C Thăng Long hiếm khi được tiết lộ. Chỉ biết, năm 2012, doanh thu của Big C Thăng Long lên tới 3.500 tỷ đồng.

Còn sau đó, doanh thu của công ty trong các năm 2016, 2017, 2018 và 2019 lần lượt là 2.695,8 tỷ đồng; 2.698,5 tỷ đồng; 3.169,1 tỷ đồng và 3.639,3 tỷ đồng.

Về lợi nhuận, so với mức 211 tỷ đồng trong năm 2015, càng về sau, Big C Thăng Long càng đi lùi. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2019, lãi ròng tại Big C Thăng Long đạt lần lượt 84 tỷ đồng; 149,5 tỷ đồng, 174,4 tỷ đồng và 177,8 tỷ đồng.

Các siêu thị khác ngoài Big C Thăng Long cũng chứng kiến thăng trầm về doanh thu và lợi nhuận.

Trong năm 2017, ngay sau khi về tay tỷ phú Thái Lan, Big C An Lạc giảm 50% so với năm 2012 xuống chỉ còn 1.300 tỷ đồng. Một số Big C khác thì đi ngang về doanh thu và lợi nhuận.

Big C Thăng Long chia cổ tức… cao hơn lợi nhuận?

Central Retail nắm giữ tới 99% vốn tại nhiều siêu thị Big C ở Việt Nam. Tuy nhiên, với Big C Thăng Long, Đồng Nai và An Lạc, tỷ lệ sở hữu của Central Retail thấp hơn, lần lượt là 65%, 65% và 80%.

“Anh cả” Big C Thăng Long đóng vai trò quan trọng trong chuỗi Big C tại Việt Nam. Trong năm 2019, chuỗi Big C Việt Nam mang về doanh số 27,65 tỷ baht (khoảng 20.454 tỷ đồng) cho công ty mẹ. Như vậy, doanh thu của Big C Thăng Long chiếm 17,8% tổng doanh thu toàn chuỗi.

Tại Big C Thăng Long, ngoài Central Retail còn có một cổ đông khác. Đó chính là Công ty cổ phần Thăng Long GTC. Thăng Long GTC sở hữu 35% vốn tại Big C Thăng Long. Phần giá gốc này được xác định là 317 tỷ đồng.

Điều đó có nghĩa vốn điều lệ của Công ty TNHH Thương mại quốc tế và Dịch vụ siêu thị Big C Thăng Long là gần 906 tỷ đồng. Tới thời điểm cuối năm 2019, vốn chủ sở hữu của công ty tăng lên 939,4 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong năm 2017, Thăng Long GTC nhận được 57,4 tỷ đồng cổ tức từ Big C Thăng Long. Như vậy, Big C Thăng Long đã chi 164 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông. Trong khi đó, lợi nhuận năm 2016 của Big C Thăng Long chỉ là 84 tỷ đồng.

Các năm trước và sau 2017, Thăng Long GTC không công bố thông tin này nên không rõ công ty có được nhận thêm cổ tức từ Big C Thăng Long hay không.

Big C Thăng Long mạnh tay trả cổ tức trong năm 2017 khi công ty ghi nhận nợ phải trả khá lớn. Chỉ tiêu này đạt 593,3 tỷ đồng, chiếm 65,1% vốn chủ sở hữu của công ty. Tới cuối năm 2019, con số này tăng lên 644,7 tỷ đồng, chiếm 68,6%.

Big C – “đứa con cưng” của Central Retail tại Việt Nam

Central Retail luôn đánh giá cao thị trường Việt Nam nói chung và Big C nói riêng. Công ty thuộc Central Group này “có kế hoạch tận dụng Big C như một nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh tại Việt Nam”. Vai trò của Big C càng lớn lao hơn khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Theo đánh giá của Kantar, giữa Covid-19, bán lẻ tại Việt Nam vẫn tăng trưởng. Và ở đó, Big C là một trong những nhà bán lẻ chính đạt được hiệu quả hoạt động mạnh mẽ. Big C tăng trưởng cả lượng khách đến và chi tiêu bình quân cho mỗi lần ghé thăm.

Chính vì vậy, hồi tháng 7/2020, Yol Phokasub, Giám đốc điều hành Central Retail khẳng định Central Retail đã thành công tại Việt Nam.

Đơn vị này cũng không ngừng tìm kiếm sự mở rộng và sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam vì “chúng tôi thấy trước rằng đất nước này có rất nhiều tiềm năng”. “Chúng tôi muốn cảm ơn khách hàng Việt Nam đã không ngừng ủng hộ Central Retail “, Yol Phokasub nói.

Central Retail cũng cho biết từ một doanh nghiệp tạo ra khoảng 300 triệu baht (khoảng 202 tỷ đồng) vào năm 2014, hiện Central Retail Việt Nam đã báo cáo doanh thu 37 tỷ baht (tương đương 29.192 tỷ đồng) trong năm 2019.

Trong đại dịch Covid-19 gần đây, công ty tiếp tục hoạt động và tạo ra doanh thu thông qua các nền tảng đa kênh cả bán lẻ và cửa hàng trực tuyến với cơ sở khách hàng vững chắc hơn 12 triệu người“, Central Retail khẳng định tầm quan trọng của thị trường Việt Nam với công ty.

Vân Khánh

Theo Dân trí