HD bank

Trước niêm yết HOSE, HDBank lên kế hoạch phát hành cổ phiếu cho NĐT ngoại và ESOP

HDBank dự kiến tăng vốn “khủng” từ nay đến quý I/2018, từ 8.100 tỷ lên hơn 10.000 tỷ đồng.

Liên tục trong tháng 10 và tháng 11 vừa qua, hàng loạt Nghị quyết đã được ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) thông qua bằng hình thức lấy ý kiến văn bản. Ngoài hai nội dung liên quan đến bổ sung hoạt động kinh doanh mới gồm kinh doanh sản phẩm phái sinh lãi suất và kinh doanh ngoại hối, các nội dung khác phần lớn đều nhằm chuẩn bị cho kế hoạch niêm yết của nhà băng này.

Trong đó, nhà băng này dự kiến niêm yết trên HoSE trong các tháng tới đây. Ngân hàng cũng đã xin được chủ động quyết định điều chỉnh “room ngoại” với mục tiêu bán cho cổ đông chiến lược. Đồng thời, cùng với việc niêm yết, HDBank sẽ thực hiện tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ và phát hành cho cán bộ công nhân viên sau khi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng trung tuần tháng 11 vừa qua.

Cụ thể, theo kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua, HDBank dự kiến sẽ niêm yết tại Sở GDCK TP HCM (HoSE) trong năm 2017. Tuy nhiên, theo chia bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank bên lề APEC CEO Summit hồi đầu tháng 11 vừa qua, thời gian niêm yết dự kiến sẽ vảo đầu năm 2018.

Đưa cổ phiếu lên sàn là một trong các vấn đề “nóng” thường xuyên được cổ đông của nhà băng này đặt ra tại các kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên. Tuy nhiên, như trả lời của bà Thảo tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, chuyện niêm yết cổ phiếu không nên “vội vàng” mà cần lựa chọn thời điểm “tối đa hóa giá trị cho cổ đông”.

Không phải ngẫu nhiên mà HDBank lựa chọn niêm yết tại thời điểm này. Trên thị trường chứng khoán, dòng ngân hàng đang đóng góp rất nhiều cổ phiếu dẫn dắt đà tăng chung. Đã có 3 ngân hàng lên sàn trong năm nay, trong đó VPBank lựa chọn lên sàn HoSE, huy động được một lượng vốn lớn từ phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài và hiện cũng là cổ phiếu được giới đầu tư chú ý với thanh khoản tốt trên sàn.

HDBank cũng lên kế hoạch tương tự với mức vốn điều lệ dự kiến tăng lên 10.000 tỷ đồng. Có thể coi đây là ‘cú nhảy’ lớn của HDBank bởi đã giữ nguyên mức vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng từ năm 2013.

Ngày 10/11 vừa qua, HDBank đã hoàn tất trả sổ cổ đông chứng nhận lượng cổ phần mới phát hành gồm cổ phiếu trả cổ tức (7%) và cổ phiếu thưởng (2%). Vốn điều lệ của ngân hàng đã tăng lên 8.828 tỷ đồng. Đợt phát hành riêng lẻ dự kiến sẽ nâng vốn ngân hàng lên 9.809,99 tỷ đồng, tăng thêm 981 tỷ đồng.

Phương án cụ thể không được HDBank công bố với các cổ đông. Nhưng theo chia sẻ với hãng tin Bloomberg cũng bên lề APEC CEO Summit, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank kỳ vọng thu về 300 triệu USD sau khi bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư ngoại trước khi niêm yết.

Bên cạnh đó, HDBank dự kiến bán 20 triệu cổ phiếu cho CBCNV với giá 10.000 đồng/cp chậm nhất vào cuối quý I/2018. Các cán bộ được lựa chọn nhận cổ phiếu dựa trên sự cống hiến, thâm niên và chức vụ. Thời gian hạn chế chuyển nhượng là 1 năm.

Trên sàn OTC, cổ phiếu HDB đã liên tục tăng giá thời gian qua và hiện có những lệnh đăng ký mua tới 31.000 đồng/cp. Trong khi hồi đầu tháng 7/2017, Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC) đấu giá hơn 7,52 triệu cổ phần HDBank với giá trúng bình quân chỉ 16.182 đồng/cổ phần.

Theo Cafef