Chứng khoán

[TTCK tuần 25/09 – 01/10] Chứng khoán Việt nóng với STB, GMD và cổ phiếu dầu khí, TTCK thế giới đi qua trong yên bình

Thị trường chứng khoán thế giới đi qua một tuần bình lặng. Bên cạnh đó TTCK Việt Nam trải qua một tuần dè dặt, thanh khoản thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung bình và giảm nhẹ so với tuần trước cho thấy tâm lý thận trọng vẫn chiếm ưu thế…

TTCK Việt Nam trải qua một tuần “dè dặt”

Tuần qua, VN-Index đã có những sự điều chỉnh nhất định khiến xu thế chung của thị trường quay lại trạng thái giằng co với sắc đỏ chiếm ưu thế đa số trên sàn.

Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 804,42 điểm, giảm 2,21 điểm (-0,33%) và HNX-Index chốt phiên ở 107,66 điểm, tăng 1,14 điểm (+1,07%) so với tuần liền trước. VN-Index đã kết thúc tuần với 4 phiên giảm và 1 phiên tăng điểm với biến động tăng giảm theo phiên gần như không đáng kể, trong khi đó HNX-Index kết thúc tuần với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm điểm, hầu hết các chỉ số tiếp tục biến động trong biên độ hẹp.

Một điểm đáng chú ý tuần qua là cổ phiếu STB (Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín ) vào phiên giao dịch đầu tuần ngày 25/9 đã có bứt phá mới, cổ phiếu này đã có phiên tăng tốc với mức tăng gần kịch trần (+6,49%). Trong phiên đã có tới hơn 7 triệu cổ phiếu STB được khớp với tổng giá trị 84 tỷ đồng. Chốt tuần, cổ phiếu đóng cửa ở mức giá 12.500 đồng/cổ phiếu. Lí giải cho hiện tượng STB vụt tăng mạnh sau chuỗi ngày đi ngang tích lũy là do thông tin Chủ tịch HĐQT đăng ký mua vào được công bố rộng rãi.

Bên cạnh đó, vào phiên giao dịch ngày 26/09, các cổ phiếu nhóm ngành dầu khí tiêu biểu như PVD, PVS, GAS đều đồng loạt tăng giá nhờ hiệu ứng giá dầu thế giới vượt mốc 50 USD/thùng. Và hiện thị trường đang kỳ vọng nhiều hơn vào khả năng các nước sẽ kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Nếu như PVD tăng trần (+6,90%), PVS có mức tăng đáng kể (+3,60%) thì GAS cũng tăng nhẹ (+1,8%). Chính hiệu ứng này đã nỗ lực kéo lại mức giảm điểm đáng kể của phiên giao dịch ngày hôm đó.

Đáng quan tâm nữa là cổ phiếu HDG (CTCP Tập đoàn Hà Đô) tuần qua cũng đã vụt tăng trần lên mức giá 35.700 đồng/cổ phiếu (+6,89%) nhờ thông tin Bộ Quốc Phòng đã đăng ký bán toàn bộ 7,55 triệu cổ phiếu, tương đương 9,94% vốn điều lệ theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh diễn ra trong 3 ngày từ 27/09-30/09. Theo giá tạm tính vào thời điểm hiện tại, Bộ quốc phòng thoái vốn tại Hà Đô sẽ thu về khoảng 250 tỷ đồng. Tính từ đầu năm tới nay, HDG đã có hành trình tăng giá nhịp nhàng lên đến gần 59% tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại.

Trong tuần qua, cổ phiếu GMD (CTCP Gemadept) cũng đã có diễn biến càng tăng tích cực nhờ thông tin của tờ The Investor công bố phía CJ Logistics đang đưa ra lời chào mua mới để cạnh tranh với đối thủ Tae Kwang Industrial nhằm có được các công ty logistics lớn nhất tại Việt Nam. Theo các thông tin từ phía CEO của CJ công bố thì CJ Logistics hiện nay đang đưa ra các lời chào mua mới để cạnh tranh với đối thủ Tae Kwang Industrial. Tháng 6 vừa qua,phía Tae Kwang đã có được lợi thế so với CJ khi ký biên bản ghi nhớ mua 1 lượng trái phiếu chuyển đổi từ Vietnamese Investment Group – công ty đang muốn bán cổ phần ở Gemadept. Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận cho biết hai bên đã không thể đi đến thỏa thuận cuối cùng về giá giao dịch. Tae Kwang được cho là đã đưa ra mức giá 500 tỷ won (tương đương 442 triệu USD). Chốt tuần, giá cổ phiếu GMD đang giao động ở quanh ngưỡng xấp xỉ 44.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức tăng hơn 5% trong suốt một tuần qua.

Vào những phiên gần cuối tuần, các cổ phiếu trụ như SAB, BHN, MSN, VNM vẫn đang tập trụng nỗ lực luân phiên nhau làm nhiệm vụ hỗ trợ kéo điểm số của VN duy trì trên vùng 800. Tuy nhiên ở phía chiều ngược lại, ROS, PLX đang là những cổ phiếu giảm khá tạo áp lực lên thị trường. Không chỉ có vậy, trong tuần qua cũng ghi nhận những diễn biến giảm giá mạnh của nhóm cổ phiếu đầu cơ đã tăng giá nhiều trong thời gian vừa qua như FIT, HAI, FLC, TSC, LDG, CCL, OGC, HAR, KSA… Áp lực cung gia tăng trong ngắn hạn kéo theo hiệu ứng bán tháo của nhà đầu tư đã khiến nhóm cổ phiếu này kết tuần giảm mạnh.

Đối với thị trường CK phái sinh, chốt tuần 4 hợp đồng đều có sự gia tăng đồng thuận đều về điểm số trong những phiên cuối tuần. Hiện tại các hợp đồng tương lai vẫn đang tiếp tục bám khá sát giá tham chiếu, hai hợp đồng VN30F1710 và VN30F1711 đang thấp hơn giá lý thuyết trong khi đó hai hợp đồng dài hạn lại có mức giá cao hơn. Thanh khoản của VN30F1710 tiếp tục gia tăng trong tuần qua, với mức tăng mạnh gấp 2,48 lần tuần liền kề trước đó, biến động giá tăng/giảm với biên độ mạnh đang là lí do thúc đẩy các nhà đầu tư ưu thích lướt sóng nhập cuộc nhanh chóng, tạo thanh khoản lớn cho những phiên cuối tuần khá sôi động.

TTCK thế giới đi qua trong yên bình

Chứng khoán Mĩ tuần qua đi qua trong yên bình. Các cổ phiếu vốn hóa lớn chỉ biến động nhẹ trong tuần, trong khi các cổ phiếu vốn hóa nhỏ lại bất ngờ tăng đáng kể. Mức tăng này đưa hầu hết các chỉ số lên cao trong ngày thứ sáu, nhưng chỉ số Dow Jones Industrial Average vẫn thấp hơn một chút so với đỉnh cũ mà nó đã đạt được vào tuần trước. Theo ngành, cổ phiếu công nghệ tăng mạnh mẽ, nhờ sự phục hồi của cổ phiếu Apple và cổ phiếu của các công ty sản xuất chip bán dẫn. Trong khi đó ngành hàng tiêu dùng và tiện ích lại giảm điểm.

Mùa báo cáo lợi nhuận quý ba sẽ bắt đầu trong vài tuần tới, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Cùng lúc đó chính trị cũng là chủ đề nóng. Sự leo thang căng thẳng của Bắc Triều Tiên vào cuối tuần qua đã làm cho tâm lý thị trường sôi động. Còn trong nước, việc công bố kế hoạch cải cách thuế của đảng Cộng hòa hôm Thứ Tư khiến thị trường phản ứng tích cực.

Tại Châu Âu, Chỉ số STOXX 600 của Châu Âu tăng khoảng 1,1% trong tuần. Các cổ phiếu Đức, đại diện bởi chỉ số DAX, tăng khoảng 1,6% trong tuần sau cuộc bầu cử của nước này vào ngày 24 tháng 9. Bà Angela Merkel đã giành được chiến thắng và tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư với tư cách là Thủ tướng Đức, nhưng liên minh trung lập của bà đã thất thế trong nghị viện. Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schäuble, một trong những người ủng hộ tích cực cho hội nhập châu Âu, sẽ rời bỏ vị trí của ông. Ở Tây Ban Nha, chứng khoán bất ổn khi đất nước chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý về quyền độc lập của vùng Catalonia. Tuy vậy chỉ số IBEX 35 của nước này vẫn tăng điểm trong tuần từ 10.271 lên 10.356 điểm (tăng 0,8%)

Đối với thị trường Nhật Bản, diễn ra tăng điểm nhẹ trong tuần. Chỉ số Nikkei 225 tăng 60 điểm và đóng cửa ở mức 20.356 điểm. Từ đầu năm đến nay, chỉ số Nikkei tăng 6,5%, và chỉ số TOPIX Index đã tăng 10,3%. Đồng yên suy yếu và đóng cửa gần mức 112.5 yên/ đô la Mỹ, cao hơn 3,9% so hồi đầu năm.

Chính trị là chủ đề đang được quan tâm ở Nhật Bản vào lúc này. Thủ tướng Shinzo Abe đã cho giải tán Hạ viện vào ngày 28 tháng Chín và đã kêu gọi một cuộc bầu cử sơ bộ được tổ chức vào ngày 22 tháng Mười. Abe nói rằng ông sẽ theo đuổi những chính sách nền tảng bao gồm việc tăng cường sức mạnh nền kinh tế Nhật Bản, giữ nguyên lập trường cứng rắn đối với Triều Tiên và tăng chi tiêu cho giáo dục. Hiện nay theo kết quả thăm dò, đảng Dân chủ Tự do của ông Abe đang có khoảng 44% phiếu phổ thông và vẫn còn một phần lớn cử tri chưa quyết định.

Cuối cùng tại Trung Quốc, Chỉ số Hang Seng Index của Trung Quốc đã giảm từ 27.851 xuống 27.554 điểm trong tuần qua (giảm 1,1%). Chủ đề chính trị đang chiếm trọn sự quan tâm của công chúng tại Trung Quốc. Nước này đang gấp rút chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản vào tháng tới. Đại hội Đảng sẽ khai mạc ngày 18 tháng 10, dự kiến ​​sẽ củng cố quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ 5 năm lần thứ hai và giới thiệu một nhóm lãnh đạo mới. Đối với các nhà phân tích Trung Quốc, đại hội tạo cơ hội hiếm hoi để hiểu về cải cách kinh tế và các tham vọng chính trị của chính phủ Trung Quốc trong 5 năm tới.

Về triển vọng kinh tế, nhiều nhà phân tích tin rằng Trung Quốc sẽ khó khăn trong việc thắt chặt tài chính cho đến khi nền kinh tế vượt mức tăng trưởng GDP 6,5%.

Theo Cafef


Comments

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *