Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chất lượng tín dụng.
Không cấp thêm room tín dụng
Năm 2018, mức tăng trưởng tín dụng tối đa mà Ngân hàng Nhà nước giao cho các ngân hàng chỉ là 14%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chung của toàn ngành là 17%. Số liệu đến hết tháng 6/2018 cho thấy, nhiều ngân hàng đã và đang dần cạn room tín dụng được cấp từ đầu năm.
Thậm chí, tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng đã vượt room tín dụng được giao. TPBank đã tăng ở mức trên 16%, LienVietPostBank tăng 13% so chỉ tiêu giao đầu năm chỉ có 14%…, trong khi hàng loạt ngân hàng khác có mức tăng 9 – 12%, như Kienlongbank, Vietcombank… Vì vậy, việc xin thêm room tín dụng đã lặp lại, song khác với các năm trước, năm nay, Ngân hàng Nhà nước không cấp theo hạn mức tăng trưởng dư nợ, do sức ép tăng trưởng tín dụng đã giảm so với trước đây. Mặt khác, theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng, room tín dụng còn lại cho nửa cuối năm không ít (hơn 8%), nên dư địa cho vay vẫn lớn.
Thực ra, không phải đến lúc này, Ngân hàng Nhà nước mới đặt ra yêu cầu kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng, mà ngay từ đầu năm 2018, trên cơ sở đánh giá các điều kiện, các cân đối tài chính của từng tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu cụ thể và phù hợp với từng tổ chức tín dụng.
Trong bối cảnh áp lực lạm phát đang tăng cao và kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ hiện nay, việc kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng là điều cần thiết. Bên cạnh đó, việc nắn dòng tín dụng hướng đến nền kinh tế thực, trong khi kiểm soát chặt tín dụng chảy vào các lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán… không chỉ phát huy được hiệu quả đối với tăng trưởng kinh tế, mà còn giảm thiểu rủi ro nợ xấu phát sinh.
Điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận
Với không ít nhà băng, khi không được nới room tín dụng, họ buộc phải điều chỉnh chỉ tiêu hoạt động kinh doanh, lợi nhuận. Chẳng hạn, LienVietPostBank đã phải điều chỉnh giảm mạnh kế hoạch lợi nhuận, do cạn room tín dụng và Ngân hàng Nhà nước không cho phép nới room. Cụ thể, Ban lãnh đạo ngân hàng này đã quyết định giảm 33% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018, từ 1.800 tỷ đồng, còn 1.200 tỷ đồng, đồng thời giảm mức cổ tức tối thiểu từ 12% còn 10%.
Ngoài ra, LienVietPostBank cũng điều chỉnh giảm nhiều chỉ tiêu khác, như giảm 10.000 tỷ đồng chỉ tiêu tổng tài sản và huy động vốn thị trường 1, trong khi dư nợ thị trường 1 đến cuối năm dự kiến là 117.557 tỷ đồng, giảm gần 6.000 tỷ đồng so với mục tiêu ban đầu.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank cho hay, việc điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh xuất phát từ 2 lý do chính, đó là Ngân hàng Nhà nước không cấp thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và việc mở rộng mạng lưới khiến chi phí gia tăng. Năm 2017, LienVietPostBank tăng trưởng tín dụng 20%, nên đầu năm nay, Ngân hàng xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa theo mức tăng trưởng đó. Vì vậy, quyết định không nới room tín dụng của NHNN đã buộc ngân hàng này phải điều chỉnh chỉ tiêu tương ứng.
Đến thời điểm hiện tại, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần hết room tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao cho năm nay. Tuyên bố không xem xét điều chỉnh nới thêm chỉ tiêu tín dụng của Ngân hàng Nhà nước có thể khiến không ít nhà băng phải chật vật trong nửa cuối năm và không loại trừ việc điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận như LienVietPostBank.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2018 ở mức thấp nhất trong 3 năm trở lại đây, chỉ đạt 7,88%, trong khi cùng kỳ của năm 2016 và 2017 đạt lần lượt là 8,21% và 9,06%. Kết quả này khá phù hợp với định hướng của Ngân hàng Nhà nước đưa ra từ đầu năm, rằng tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 sẽ chỉ khoảng 17%, thấp hơn mức đạt được trong năm ngoái (18,2%).
Để đạt được mục tiêu đó, Ngân hàng Nhà nước đã giao các chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng ngân hàng, phụ thuộc vào khả năng kiểm soát và chất lượng cho vay của những ngân hàng đó. Hiện cơ quan này đã liên tục phát đi thông báo nhắc nhở các nhà băng thực hiện theo đúng chỉ tiêu được giao, đầu tiên là Công văn số 5321/NHNN-TTGSNH hồi giữa tháng 7/2018 và mới đây là Chỉ thị 04/CT-NHNN (không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trừ trường hợp đặc biệt là ngân hàng tham gia tái cơ cấu, tổ chức tín dụng yếu kém).
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng thương mại trong 6 tháng đầu năm không đồng đều, một số tăng chưa đến 5%, nhưng nhiều nhà băng đạt mức tăng 10 – 12%, tức sắp “cạn” room.
Cụ thể, 23 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính có dư nợ cho vay khách hàng đến cuối tháng 6 đạt 4,67 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm. Trong đó, 11/23 ngân hàng có tốc độ tăng trưởng cho vay khách hàng đạt trên 10%; 4 ngân hàng tăng trưởng dưới 5%. Có 2 ngân hàng tăng trưởng âm, đó là Eximbank và PG Bank.
TPBank là ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất. Theo báo cáo tài chính của ngân hàng này, dư nợ cho vay cuối tháng 6/2018 đạt 72.918 tỷ đồng, tăng 16,2% so với đầu năm.
Theo TS. Cấn Văn Lực, trong bối cảnh lạm phát và tỷ giá tăng, gây áp lực lên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng về lượng cũng như về chất là cần thiết. Tuy vậy, với việc không nới room tín dụng, nhiều ngân hàng sẽ khó khăn hơn trong thời gian tới khi mùa kinh doanh cao điểm cuối năm cận kề, nhu cầu vốn doanh nghiệp tăng.