Vì sao du khách quốc tế tăng kỷ lục?

2017 được coi là năm phát triển ấn tượng của du lịch Việt Nam với lượng khách quốc tế cao chưa từng có với gần 13 triệu lượt.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2017, du lịch Việt Nam đón 12,9 triệu khách quốc tế, tăng 29,1% so với năm 2016. Kết quả này có thể xem là kỳ tích của ngành khi lần đầu tiên mức tăng về du khách quốc tế đạt 2,9 triệu lượt/năm.

Đang trở thành điểm đến có thương hiệu

Theo Tổng cục Du lịch, lượng khách nội địa đạt hơn 73 triệu lượt, tăng xấp xỉ 20% và tổng thu trực tiếp từ khách du lịch đạt trên 500.000 tỉ đồng, tương đương 23 tỉ USD và đóng góp khoảng 7,5% vào GDP của Việt Nam năm 2017.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch ngày 26-12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo, đánh giá những kết quả của ngành du lịch trong năm qua không chỉ góp phần tăng trưởng dịch vụ, thúc đẩy các ngành khác phát triển mà vị thế của du lịch Việt Nam cũng được tăng lên qua những đánh giá của quốc tế. Đó là, Việt Nam đứng vị trí 6/10 điểm đến du lịch phát triển nhanh nhất thế giới năm 2017 (dựa trên tăng trưởng lượng khách), Công ty Vietravel được bình chọn là “Nhà điều hành tour du lịch trọn gói hàng đầu thế giới”, Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines được đánh giá là “Hãng hàng không hàng đầu thế giới về bản sắc văn hóa”, khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort tại Đà Nẵng được bình chọn lần thứ 3 với danh hiệu “Khu nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất thế giới”…

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, cũng cho rằng những giải thưởng này góp phần định vị thương hiệu và hình ảnh cho Việt Nam với tư cách là một điểm đến có chất lượng, đang dần là một điểm đến du lịch có thương hiệu tại khu vực châu Á.

Nhiều thay đổi tích cực

Về sự tăng trưởng vượt bậc của du lịch Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lý giải công tác xúc tiến du lịch có nhiều thay đổi tích cực khi Tổng cục Du lịch đã cùng doanh nghiệp (DN) hệ thống lại các hội chợ du lịch quốc tế, huy động được nhiều DN lớn tham gia, đặc biệt hoạt động xúc tiến du lịch trên môi trường mạng, qua mạng xã hội đã được cải thiện.

Theo đánh giá của các công ty lữ hành quốc tế, nhờ chính sách miễn visa, lượng khách du lịch châu Âu tới Việt Nam tăng trưởng khá nhanh, trung bình 20%-30%, nhất là các thị trường Anh, Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha. Giám đốc một công ty du lịch nhìn nhận từ khi miễn visa, lượng khách từ các thị trường này đến Việt Nam đều tăng như Ý, Tây Ban Nha tăng 28%, Anh tăng 30%… Đặc biệt, nhiều khách quyết định đến Việt Nam vào phút chót, sau khi đã đến các nước xung quanh như Thái Lan, Campuchia. Theo đánh giá của giám đốc này, đây là dòng khách chi tiêu cao nên nhiều DN sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác.

Các chuyên gia du lịch nhận định một trong những yếu tố khiến ngành du lịch Việt Nam thua kém về năng lực cạnh tranh là vấn đề visa. Mặc dù đã có những tín hiệu tích cực như miễn visa cho du khách 5 nước châu Âu và Belarus, triển khai thí điểm cấp visa điện tử… nhưng muốn các chính sách này phát huy được tác dụng cần có thời gian. Do đó, việc tiếp tục miễn visa cho công dân 5 nước Tây Âu và Belarus từ ngày 1-7-2017 đến 30-6-2018 được cho là đã và đang góp phần tăng nhanh lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tuấn thừa nhận việc mở rộng miễn visa đang là xu thế chung của các nước trên thế giới. Các nước là điểm đến cạnh tranh với du lịch Việt Nam đều có chính sách thị thực nhập cảnh rất thông thoáng. Hiện số quốc gia và vùng lãnh thổ có công dân được miễn thị thực vào Thái Lan là 61, Malaysia 155, Singapore 158, Indonesia 169… Trong khi đó, Việt Nam mới miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 22 nước. Do đó, việc triển khai thí điểm visa điện tử cho công dân 40 quốc gia vào Việt Nam hồi đầu năm 2017 và tiếp tục miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu được xem là sẽ tăng thêm năng lực cạnh tranh để thu hút khách quốc tế.

Một lý do nữa lý giải cho việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam là thủ tục nhập cảnh được đơn giản hóa, rút ngắn thời gian. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đánh giá hạ tầng giao thông đã tốt hơn, môi trường du lịch có nhiều tiến bộ dù chưa được như kỳ vọng. Nhiều dự án, hạng mục du lịch đẳng cấp, hiện đại, do các tập đoàn, DN lớn triển khai cách đây 4-5 năm đi vào hoạt động tạo sự thay đổi về chất lượng sản phẩm du lịch, hình thành thương hiệu mạnh của các điểm đến.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel, phân tích một yếu tố quan trọng khác là sự bùng nổ về công nghệ. Khách quốc tế ngày càng chủ động tìm kiếm thông tin du lịch, giá phòng, dịch vụ vé máy bay… với mức hợp lý nhờ qua công nghệ. Ngoài ra, du khách quốc tế cũng có xu hướng thay đổi điểm đến rõ rệt khi tình hình thế giới trong năm có nhiều biến động như nạn khủng bố và bạo lực ở Mỹ và châu Âu. Điều này làm cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương được xem là đích đến an toàn và được khách nước ngoài quan tâm. Trong đó, Việt Nam là một trong những quốc gia được Tổ chức Du lịch thế giới xếp hạng cao về mức độ an toàn cùng với giá cả chi tiêu phù hợp cho đa phần phân khúc khách du lịch. Nhờ vậy, Việt Nam cũng là một lựa chọn của nhiều khách quốc tế trong năm 2017.

Theo Yến Anh

Người Lao Động