Vì sao giới đầu tư nước ngoài ‘mê mẩn’ Việt Nam sau dịch Covid-19?

Tuần báo The Economist vừa có bài phân tích xu hướng đổ tiền đầu tư vào Việt Nam của giới săn cơ hội kinh doanh thế giới trong thời gian gần đây.

Tuần báo Anh cho hay vào đầu tháng 2, khi Covid-19 từ Trung Quốc bắt đầu trở thành mối đe dọa toàn cầu, Việt Nam đã cho đóng cửa biên giới. Các xe công chở hàng không thể đem linh kiện, cũng như nguyên vật liệu từ Trung Quốc sang các nhà máy tại Việt Nam.

Và điều này gây khó khăn cho Samsung, vốn sản xuất phần lớn tai nghe tại Việt Nam. Tại thời điểm đó, tập đoàn Hàn Quốc lại vừa công bố 2 mẫu điện thoại mới tại Mỹ và hoàn toàn không muốn trì hoãn khâu sản xuất. Thế nên Samsung đã vận chuyển bằng đường không các dây chuyền sản xuất then chốt từ Trung Quốc sang Việt Nam.

“Có 2 điều rút ra được từ câu chuyện kể trên. Việt Nam đã rất nhanh nhạy trong việc ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19. Kinh tế Việt Nam có bị ảnh hưởng, nhưng đã hồi phục nhanh hơn hết thảy các nước trong khu vực, và là một trong số ít những nước có dự đoán GDP sẽ tăng trong năm nay”, The Economist phân tích.

“Câu chuyện còn cho thấy Việt Nam được xem là điểm đến ưa thích của nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI. Không chỉ xây chắc vị thế là nơi đặt nhà máy lý tưởng của giới may mặc, mà Việt Nam gần đây còn trở thành kết nối quan trọng trong dây chuyền cung ứng của lĩnh vực công nghệ”, tuần báo Anh nói thêm.

Không chỉ được các tập đoàn đa quốc gia yêu thích, Việt Nam còn thu hút được sự chú ý của giới đầu tư chuyên săn cơ hội tại các “thị trường cận biên” (frontier market), thuật ngữ chỉ những thị trường mới phát triển.

“Việt Nam thực sự đã chứng tỏ mình là một ván cược an toàn trong ván bài toàn cầu hóa. Một quốc gia thắng cuộc trong cuộc đua về tăng trưởng thương mại toàn cầu trong những thập niên gần đây”, theo The Economist.

Tuần báo Anh cũng chỉ ra rằng ngoài các chính sách mở cửa và ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài, sự ổn định về kinh tế của Việt Nam cũng là điểm cộng thêm vào sự hấp dẫn của thị trường này.

“Ngân hàng Nhà nước đã giữ tỉ giá Việt Nam đồng so với USD ở mức khá ổn định. Các chính sách siết chặt quản lý tín dụng ngân hàng cũng đã được ban hành. Lạm phát ở mức 1 con số.

“Ngoài ra Việt Nam đã nới lỏng thêm các quy định về thương mại. Rồi đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007. Sau đó ký kết hiệp định giao thương với Nhật và Hàn Quốc. Tháng vừa rồi lại ký kết với Liên minh châu Âu EU. Và nguồn vốn FDI cứ chảy vào… Việt Nam là điểm đến để làm ra các mặt hàng mà chi phí sản xuất tại Trung Quốc đã trở nên quá đắt đỏ. Là nơi tọa lạc lý tưởng cho các công ty muốn thoát khỏi ảnh hưởng từ căng thẳng Mỹ-Trung”, The Economist nhận định.

Minh Đức