Vì sao khu đông TP.HCM cao mà vẫn ngập?

Chuyên gia chỉ ra rằng hệ thống thoát nước ở khu vực này không theo kịp với tốc độ đô thị hóa, chưa được đầu tư bài bản, hoàn chỉnh.

Dù là nơi cao nhất của TP.HCM  song khu vực phía đông TP gồm quận Thủ Đức, một phần quận 9, huyện Củ Chi vẫn thường xuyên ngập nặng.

Minh chứng gần đây nhất là cơn mưa lớn kéo dài nhiều tiếng đồng hồ diễn ra vào chiều tối 14/9 đã khiến nhiều tuyến đường ở quận Thủ Đức như Kha Vạn Cân, Võ Văn Ngân, Hiệp Bình, Tô Ngọc Vân… ngập nặng, hàng loạt phương tiện bị chết máy, phải bì bõm dắt bộ, nhiều đoạn đường dốc nước chảy xối xả cuốn xe máy ngã nhào. Chưa kể, hàng trăm hộ dân phải khốn khổ tát nước tràn vào nhà.

Trao đổi với Đất Việt, GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường cho biết, hiện tượng ngập ở khu vực phía đông TP.HCM là ngập cục bộ, mưa lớn kéo dài, cống thoát không kịp khiến nước ứ lại một chỗ.

GS Bá khẳng định, không phải cứ địa hình cao là không ngập. Bằng chứng là nằm ở cao nguyên như Đà Lạt, Hà Giang mưa lớn vẫn ngập, hay có nơi bốn bề là biển như Phú Quốc cũng vẫn ngập.

“Nguyên nhân chính là do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, trong khi hệ thống hạ tầng thoát nước, vốn chưa được đầu tư bài bản, hoàn chỉnh, không theo kịp. Lẽ ra trong quá trình đô thị hóa, quy hoạch đô thị với quy hoạch thoát nước phải đồng bộ, đằng này chúng bị chồng chéo lên  nhau, mạnh ai nấy làm, không tuân thủ khoa học, dẫn đến tình trạng hễ mưa lớn kéo dài là ngập”, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý Môi trường nhận xét.

Theo GS.TSKH Lê Huy Bá, khu vực Thủ Đức có lợi thế về độ dốc, trước đây, vùng bưng 6 xã là vùng trũng, nước từ các nơi đổ về đây, nhưng sau này đã đô thị hóa hết, hệ thống cống ở Thủ Đức lại có khẩu độ nhỏ. Trước đây, khi xây dựng, cơ quan chức năng cũng đã tính, nhưng nay dân số tăng lên quá nhanh, lượng nước thải đổ ra cống quá lớn, chưa kể còn có nước mưa. Bởi đô thị hóa, bê tông quá quá nhanh, nước không ngấm được xuống đất mà chảy đều trên bề mặt, dồn ứ lại.

Cho nên, để giải bài toán chống ngập ở khu đông TP.HCM, theo vị chuyên gia, phải quy hoạch lại, nâng cấp hệ thống thoát nước cho phù hợp. Thời gian qua, ông thấy có một số ý kiến đề xuất nâng cấp cục bộ mặt đường ở những vị trí trũng thấp thế nhưng đề xuất này có cái dở là khi nâng mặt đường thì nhà dân tụt xuống thấp, mưa lớn thì nước chảy vào nhà dân. Bài học nhãn tiền là một số tuyến đường ở quận Bình Tân cách đây vài năm được nâng lên đã biến nhà dân thành hầm, người dân muốn lên được mặt đường phải bắc thang, đến khi mưa thì nước đổ xuống nhà dân gây ngập.

“Nếu cứ thực hiện các biện pháp công trình mang tính cục bộ theo kiểu: ngập đâu đắp đấy, đường ngập thì nâng đường, nhà ngập thì nâng nhà thì bài toán chống ngập không bao giờ giải được, trái lại nó chỉ giống như một cái ruột xe quá cũ nát, vá chỗ nọ lại xì hơi chỗ kia”, GS.TS Lê Huy Bá nêu quan điểm.

Nhìn rộng ra, đối với bài toán chống ngập của TP.HCM cũng vậy. Theo vị chuyên gia, việc giải quyết chống ngập phải giải quyết theo lưu vực mà lưu vực thì không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Không nên xác định theo tuyến mà phải xét trên phương diện lưu vực hay tiểu lưu vực.

Nếu xác định theo tuyến sẽ có trở ngại khi một tuyến đường chạy qua một lưu vực tự nhiên thì nó phân lưu vực này thành hai tiểu lưu vực khác nhau, tính chất úng thủy và thoát thủy cũng rất khác nhau. Hơn nữa, giải quyết theo tuyến thì chỉ giải quyết ngập đường còn ngập nhà thì sao? Do đó nên khoanh định từng lưu vực, thậm chí có thể theo tiểu lưu vực để giải quyết bài toán chống ngập.

Điều quan trọng nhất, các vấn đề liên quan đến quy hoạch, chống ngập… cần phải có sự đóng góp ý kiến của lực lượng trí thức, các nhà khoa học. Có như vậy, theo vị chuyên gia, mới tránh được tình trạng tiền ngân sách tiêu rất nhiều song ngập vẫn hoàn ngập, như câu chuyện thuê máy bơm khủng chống ngập cho một đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Theo Báo Đất Việt