Vì sao lô vắc xin 288.000 liều bị ‘mắc kẹt’ trong kho?

Vắc xin của Hãng dược AstraZeneca - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chiều 16-6, Bộ Y tế cho biết Chính phủ đã có thông báo sẽ ban hành nghị quyết về việc mua lại toàn bộ lượng vắc xin ngừa COVID-19 do AstraZeneca sản xuất mà VNVC nhập về theo giá phi lợi nhuận, trong đó có lô 288.000 liều bị kẹt trong kho.

Chiều tối 16-6, Bộ Y tế cho biết Chính phủ đã có thông báo cho hay sẽ ban hành nghị quyết về việc mua lại toàn bộ lượng vắc xin ngừa COVID-19 do AstraZeneca sản xuất mà VNVC nhập về theo giá phi lợi nhuận, trong đó có lô 288.000 liều đang bị kẹt trong kho.

Trước đó, việc lô vắc xin này nhập về từ ngày 25-5, hạn sử dụng đang ngày càng ngắn lại (hạn dùng vắc xin này chỉ 6 tháng) khiến nhiều người quan tâm.

Bộ Y tế đã làm việc với Công ty VNVC, thống nhất phân bổ lô vắc xin 288.000 liều bị “kẹt” theo hướng ưu tiên cho các địa phương đang có dịch.

Việc mua lại vắc xin là thực hiện theo chủ trương lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, được quy định trong điều 26 Luật đấu thầu, với các điều kiện đặc thù đã được Bộ Kế hoạch và đầu tư thẩm định.

Trong khi đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương cân đối, cấp bổ sung vắc xin phòng COVID-19 cho Bắc Giang, Bắc Ninh và TP.HCM để tiêm theo quy định.

Đồng thời yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan, ban hành văn bản bổ sung về các đối tượng được ưu tiên tiêm chủng theo nhiệm vụ được Chính phủ giao ngày 8-6, báo cáo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo và quyết định theo thẩm quyền đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 và bố trí huy động nguồn lực để thực hiện.

Vì sao lô vắc xin 288.000 liều bị “kẹt”? Theo thông tin của Tuổi Trẻ, từ tháng 11-2020 Bộ Y tế, Công ty AstraZeneca và VNVC đã ký hợp đồng 3 bên, khi đó yêu cầu của hãng là chỉ đàm phán với Chính phủ về mua bán vắc xin, nhưng do quy chế mua sắm công của Việt Nam có thể kéo dài, trong khi điều kiện dịch giã khó có thể chờ đợi, nên đã ký hợp đồng 3 bên để VNVC chi trả khoản phí ban đầu 28 triệu USD, coi như Bộ Y tế mua vắc xin thông qua Công ty VNVC.

Tuy nhiên cơ chế chuyển giao vắc xin như thế nào từ VNVC sang Bộ Y tế lại không được bàn thảo, xây dựng.

“Quy định hiện hành là mua sắm công đều phải thông qua đấu thầu, trong khi việc mua vắc xin này là “mua trước khi đấu thầu”, phải có quy định riêng, thậm chí Quốc hội có nghị quyết về mua sắm trong trường hợp khẩn cấp để mua vắc xin không qua đấu thầu, trong điều kiện dịch bệnh thì mới đúng quy trình” – một chuyên gia về tài chính y tế cho biết.

Do vướng mắc về thủ tục (mặc dù thời gian để xây dựng các quy định là có do hợp đồng 3 bên đã ký từ tháng 11-2020, đến nay đã khoảng 7 tháng), nên khi lô vắc xin 288.000 liều về thì bị “kẹt” trong kho.

Tối 16-6, lô vắc xin mang nhãn hiệu AstraZeneca gần 1 triệu liều do Nhật Bản tặng cũng đã về đến Việt Nam và được chuyển tới Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương.

Vắc xin được tặng sản xuất tại Nhật. Đại diện Bộ Y tế cho biết đã dự thảo quyết định phân bổ lô vắc xin này theo hướng ưu tiên các địa phương đang có dịch COVID-19.

Cùng ngày, Bộ Y tế cho biết Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã có cuộc làm việc trực tuyến với bộ trưởng Bộ Y tế Cuba, lãnh đạo Trung tâm Kỹ thuật gen và công nghệ sinh học Cuba, Tập đoàn dược – sinh học Cuba về cung ứng vắc xin ngừa COVID-19 và chuyển giao công nghệ, đóng ống vắc xin này tại Việt Nam.

Tại cuộc làm việc, phía Cuba cho biết vắc xin có tên Abdala, đã qua 3 giai đoạn thử nghiệm trên người, trong đó giai đoạn 3 là 48.000 người cho thấy vắc xin có khả năng ngăn chặn các biến thể của virus, trong đó có biến thể Nam Phi và Brazil.

Bộ trưởng Bộ Y tế Cuba cho biết nước này có thể sản xuất 100 triệu liều Abdala/năm và chỉ sử dụng 30 triệu cho nhu cầu trong nước. Nếu Việt Nam có nhu cầu, Cuba sẵn sàng hợp tác chuyển giao công nghệ, có thể mở thêm 2 xưởng sản xuất để đáp ứng về số lượng…

Theo Tuoitre